Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đã đặt câu hỏi như vậy tại Hội thảo: "Triển khai hoạt động Tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững FSC, PESC, VFSC… vùng duyên hải miền Trung", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Quảng Trị tổ chức chiều 21/12 tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Trình bày báo cáo tại Hội thảo, TS. Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu đã được Bộ NNPTNT phê duyệt, đến nay các tỉnh đã xây dựng được 26 tổ KNCĐ phục vụ Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, trên cả nước đã có thêm 12 tỉnh, thành phố thành lập các tổ KNCĐ, trong đó có một số địa phương đã thành lập số lượng lớn các tổ KNCĐ như: Hải Phòng (132 tổ); Hậu Giang (50 tổ)…
"Những nơi không có tổ khuyến nông thì hoạt động khuyến nông vô cùng tẻ nhạt, nhưng từ khi thành lập được tổ KNCĐ thì hoạt động thay đổi rõ rệt, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, do thành viên tổ là những người tham gia nhiều hoạt động trên địa bàn. Hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở. Trước đây khuyến nông chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật đơn thuần, nhưng nay đã phát triển thêm các nhóm nhiệm vụ lớn như marketing, chuyển đổi số, liên kết nhóm..." – ông Khoa đánh giá.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Cẩn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Bên cạnh những thuận lợi như được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sự hưởng ứng của các địa phương thì khó khăn hiện nay là hầu hết các tổ KNCĐ đều chưa có cơ sở, máy móc phục vụ hoạt động, chủ yếu phải thuê mướn, việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Nhất là thu nhập người dân nông thôn trên địa bàn còn hạn chế nên vốn đối ứng để phục vụ sản xuất hoặc việc tự bỏ kinh phí ra để thuê dịch vụ khuyến nông rất khiêm tốn.
Đây cũng là tình trạng chung mà một số địa phương vùng duyên hải miền Trung đang gặp phải. Ông Châu Ngọc Phi – Giám đốc TTKN tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quan tâm sâu sát hơn nữa tới các địa phương, nhanh chóng củng cố lại hệ thống khuyến nông, rà soát lại bộ máy cũng như các chính sách liên quan, xây dựng định mức, quy chế nhằm ổn định tâm lý cho cán bộ khuyến nông, tránh việc "vừa làm vừa lo".
Trong khi đó, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng động hoạt động hiệu quả. Điều này đặt ra yêu cầu chính quyền các địa phương phải thay đổi quan điểm, cách nhìn về vai trò của hệ thống khuyến nông.
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, câu hỏi làm thế nào để tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả đã được chúng ta nêu rất nhiều tại các hội thảo, hội nghị. Đây là đề án chưa có tiền lệ, không có mô hình mẫu, nhưng đến nay chúng ta đã thu được kết quả ngoài mong đợi.
"Đề án đặt ra nhiệm vụ xây dựng 26 tổ ở 13 tỉnh vùng nguyên liệu, nhưng đến nay đã có gần 30 địa phương tự thành lập các tổ KNCĐ, hoạt động khá sôi nổi. Đơn cử như Hải Phòng đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng ở tất cả các xã. Có thể khẳng định tổ KNCĐ đã vượt qua khỏi phạm vi đề án thí điểm, vì tính chất thời sự của đề án, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của ngành nông nghiệp, của các doanh nghiệp, bà con nông dân nên đã lôi kéo được sự quan tâm chung của cả cộng đồng" – ông Thanh nói.
Ông Thanh trăn trở: "Cán bộ khuyến nông đi hoạn lợn, tiêm phòng mà không giỏi thì chẳng ai gọi; hay hướng dẫn bà con trồng rừng không đúng, không hiệu quả thì chẳng ai thuê. Vậy làm thế nào để thành cán bộ giỏi? Chỉ có yêu nghề, muốn sống bằng nghề thì mới giỏi được".
"Còn nếu tham gia tổ khuyến nông cộng đồng đi làm cho vui thì chúng tôi khuyên chân thành không nên vào. Chúng ta không giữ mô hình mẫu nhưng sẽ có nguyên tắc chung, sẽ thu hút những người tâm huyết, mong muốn trở thành cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp bằng cách liên tục đào tạo, cung cấp các giải pháp cần thiết để những người đó trở thành cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp" – ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.