Tây Bắc nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng: Kỳ vọng hình thành vùng cây ăn quả chuyên nghiệp

Xuân Tuấn Thứ năm, ngày 15/12/2022 12:39 PM (GMT+7)
Mô hình khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) đã và đang được các địa phương trên cả nước triển khai, với kỳ vọng các tổ KNCĐ sẽ trở thành cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã và nhà quản lý, doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững...
Bình luận 0

Trong 2 ngày 13-14/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức hội thảo chuyên đề: "Triển khai hoạt động tổ KNCĐ vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc".

Phấn đấu mỗi xã có một tổ KNCĐ

Ngoài 13 tỉnh tham gia đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm 12 tỉnh đã thành lập các tổ KNCĐ (Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ) trong đó có một số tỉnh, thành đã thành lập số lượng lớn các tổ KNCĐ như: Hải Phòng (132 tổ); Hậu Giang (50 tổ); Quảng Nam (đến 2024 phấn đấu 100% xã có tổ KNCĐ)... 

Thành viên tham gia tổ KNCĐ chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (hội nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, hợp tác xã, doanh nghiệp...). Các tổ KNCĐ bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp rất tích cực và quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Khuyến nông là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường; là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Khuyến nông cũng là nơi cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường.

Tây Bắc nhân rộng tổ khuyến  nông cộng đồng  - Ảnh 1.

Sơn La, Hòa Bình đang trở thành “thủ phủ” cây ăn quả miền núi phía Bắc, với cây trồng chủ lực là cam, bưởi… Ảnh: X.T

Ngày 25/3/2022, Bộ NNPTNT ban hành quyết định phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ. Theo đó tại vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ triển khai tại 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã thành lập được 2 tổ KNCĐ với 10 thành viên; Sơn La thành lập được 2 tổ KNCĐ với 14 thành viên.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc hình thành các tổ KNCĐ. Sau mấy tháng triển khai, chương trình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Vũ Thị Hương, việc thành lập tổ KNCĐ là một trong những điều kiện trong bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới, rất cần thiết đối với xu thế phát triển nông nghiệp. 

Ngoài nhiệm vụ về khuyến nông, tổ KNCĐ còn tư vấn, làm dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường…

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong bối cảnh mới vừa tạo ra những thuận lợi mới, cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta. Trước tình hình đó, ngành khuyến nông cần tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cùng với đó, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền…

Xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về việc tìm giải pháp và định hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có vai trò của tổ KNCĐ. 

Theo ông Quàng Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, giai đoạn 2015 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được trên 60.000ha cây trồng khác sang cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra của tỉnh ước đạt 82.815ha. Trong đó, cây ăn quả áp dụng trồng theo VietGAP hoặc GAP khác đạt trên 1.500ha.

"Thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La được mở rộng đến các siêu thị lớn, trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, Mỹ, các nước EU. Năm 2018, tỉnh xuất khẩu được 17.501 tấn quả các loại. Sơn La đang vươn lên trở thành vùng nguyên liệu cây ăn quả lớn nhất miền Bắc" - ông Ngọc cho biết.

Triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 của Bộ NNPTNT, tỉnh Sơn La và Hòa Bình sẽ hình thành và phát triển 14.000ha cây ăn quả vùng miền núi phía bắc.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, việc phát triển cây ăn quả trong khu vực sẽ giúp nông dân và các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu của cả nước. 

Do đó, trong thời gian tới, nhằm phát triển bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc, các địa phương cần cải tiến kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất trên quy mô lớn như giống mới, rải vụ, cơ giới hóa, áp dụng quy trình thâm canh, VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó cần phát huy vai trò cầu nối quan trọng của các tổ KNCĐ trong chuỗi giá trị này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem