Theo thống kê của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu và Liên minh châu Âu, từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, khoảng 2.500 ổ dịch cúm gia cầm đã được phát hiện tại các trang trại ở 37 quốc gia châu Âu.
Các cơ quan y tế châu Âu nhận định, châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát cúm gia cầm "tàn khốc nhất" trong năm qua.
EFSA cho biết, trong khoảng thời gian trên, "khoảng 50 triệu gia cầm đã bị tiêu hủy" tại các trang trại có dấu hiệu lây nhiễm. Con số thiệt hại này chưa bao gồm các đợt tiêu hủy với mục đích phòng ngừa.
EFSA xác nhận đây là "lần đầu tiên" hai đợt dịch liên tiếp xảy ra, khi virus cúm gia cầm không được kiểm soát vào mùa hè.
Mùa thu năm nay, dịch bệnh bùng phát dữ dội hơn cùng thời điểm năm ngoái, với số trang trại có hiện tượng nhiễm bệnh cao hơn 35%.
Từ ngày 2/9 đến ngày 10/12, khoảng 400 ổ dịch đã được ghi nhận tại các trang trại ở 18 quốc gia châu Âu. Virus cúm gia cầm cũng được phát hiện hơn 600 lần ở các loài chim hoang dã, đặc biệt là vịt và thiên nga. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự lây nhiễm chéo giữa các trang trại.
Giới chức y tế đang nghiên cứu khả năng sử dụng vaccine để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cho biết, nguy cơ lây nhiễm ở người là thấp và "từ thấp đến trung bình" đối với những người tiếp xúc với chim và gia cầm.