Thư viện sách Vũ quán (Xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có một slogan gây ấn tượng cho bất cứ ai khi bước chân vào tiệm sách: “Tôi còn ngu nên tôi phải đọc”. Chủ nhân của thư viện, anh Vũ Viết Hảo chia sẻ, câu nói này được rút ra khi anh đọc rất nhiều sách ở các lĩnh vực khác nhau, càng đọc anh càng phát hiện nhiều kiến thức hay và càng đọc anh càng nhận thấy mình “ngu”.
Anh Hảo từng là một nhân viên truyền thông, thiết kế ý tưởng, quay, dựng hình cho một công ty truyền thông ở Hà Nội với mức thu nhập khá cao. Hàng ngày, anh cần mẫn đi 30 km ra thành phố đi làm rồi lại quay trở về nhà.
“Thu nhập khi đó trên dưới 30 triệu/tháng. Mức thu nhập khá ổn định và thực sự mình không bị áp lực quá lớn về kinh tế. Nhưng việc hàng ngày đi làm mấy chục cây số, đường xá bụi bặm, cuộc sống thành phố ngột lại ngạt làm cho mình mệt mỏi”, anh Hảo chia sẻ.
Nhưng lý do chính khiến anh Hảo đưa ra quyết định từ bỏ công việc lương cao ở thành phố trở về quê sinh sống đó là khi nhìn vào những đứa con của mình hàng ngày đối mặt với thiết bị thông minh, máy tính, điện thoại, game… ảnh hưởng lớn đến học tập, phát triển tính cách.
“Mình có hai đứa con đang học lớp 1, lớp 2. Vì làm nghề media nên gia đình có nhiều máy tính, điện thoại… buổi tối các con ngồi vào bàn học nhưng tâm trí lúc nào cũng nhìn bố mẹ đang ngồi xem máy tính, điện thoại. Mình nghĩ sớm muộn các con sẽ hỏng vì chúng quá mê các thiết bị thông minh. Mình nói với vợ, những lúc con học thì bố mẹ tuyệt đối không dùng điện thoại hay máy tính”, anh Hảo nói.
Để các con thực sự chuyên tâm học tập, “cai” được điện thoại, máy tính, năm 2020 – đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, anh Hảo bàn với vợ mở thư viện sách miễn phí ngay ở nhà. Thư viện không chỉ dành cho con cháu trong gia đình mà bất cứ học sinh, trẻ em nào trong xã đều có thể đến đọc.
Khi có ý tưởng mở thư viện sách, anh Vũ Viết Hảo tự bỏ tiền sửa lại nhà, mua sách và thiết kế phòng đọc sách. Ngày mới mở tiệm sách, bạn bè và nhiều người nói anh là người “gàn”, thậm chí mẹ của anh xót ruột khi thấy ngày nào cũng có đơn hàng sách được anh đặt mua về.
Anh Vũ Viết Hảo tâm sự: “Nhiều người bảo sao mình không đầu tư vào quán game? Mình buồn cười vì mọi người chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, nhìn vào cái gì kiếm ra tiền mà không nghĩ điều đó tốt cho xã hội, tốt cho con em mình hay không? Nhiều bố mẹ cũng mải kiếm tiền mà bỏ quên đi đời sống tinh thần của con. Khi mở tiệm sách này, rất nhiều phụ huynh đến đây chia sẻ họ gặp bế tắc khi con cái quá mê game, nghiện điện thoại, thậm chí có em bị trầm cảm, tự kỷ”.
Anh Hảo cho rằng, nếu người lớn không tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho con trẻ thì sau những giờ học, trẻ em sẽ làm gì, chơi gì?
Sau hơn 2 năm, thư viện sách Vũ quán của anh Vũ Viết Hảo có khối lượng sách lên đến hơn 5.000 đầu sách với nhiều thể loại khách nhau nhưng chủ yếu là các đầu sách về thiếu nhi, tuổi mới lớn, sách văn học và truyền cảm hứng… Mỗi ngày tiệm sách đón nhiều lượt trẻ em, học sinh trong xã đến đọc.
“Em thường xuyên đến thư viện Vũ quán để đọc sách. Thư viện ở đây đẹp hơn ở trường nhiều, thư viện ở trường em không có nhiều đầu sách và học sinh lại quá đông”, Huyền Ly – một độc giả quen thuộc của Vũ quán chia sẻ.
Một độc giả “nhí” khác cũng tâm sự, bản thân không phải là người quá đam mê đọc sách nhưng khi đến tiệm sách Vũ quán có quá nhiều thứ để một đứa trẻ bị “cuốn” như không gian đọc, âm nhạc và đặc biệt là những câu chuyện được kể bởi chủ nhân của thư viện – những câu chuyện cuộc sống được anh Hảo đúc rút từ thực tế mà không có trong sách vở.
Thực tế, thư viện sách của anh Hảo trở thành địa chỉ của không chỉ trẻ em mà cả những người có số phận éo le, họ tìm đến tiệm sách, trò chuyện với chủ nhân của tiệm sách để tìm được lẽ sống cuộc đời. Anh Ngô Văn Thọ, người được mệnh danh là “người cá” khi mắc trong mình căn bệnh hoại tử da nói, những lúc bi quan về cuộc sống, anh nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ, truyền cảm hứng từ người anh Vũ Viết Hảo.
“Điều mình vui nhất là ở quê hương mình đã có một thư viện sách. Các bạn trẻ có thể đến đây đọc sách, vui chơi, nói chuyện cùng nhau thay vì chỉ xem điện thoại, máy tính, chơi game”, anh Thọ nói.
Điều thú vị, hơn hai năm qua, tập nhật ký của thư viện sách Vũ quán ghi lại rất nhiều câu chuyện, chia sẻ của các độc giả nhỏ tuổi. Đó là những tâm sự về học tập, áp lực thi cử, chuyện gia đình, tuổi mới lớn... từ những tâm sự của các bạn nhỏ mà anh Hảo hiểu hơn những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của trẻ.
Mong muốn của anh Vũ Viết Hảo là có thể mở rộng thư viện sách hoặc có những mô hình tương tự ở làng quê để trẻ em, học sinh đến đọc sách cũng như lan tỏa văn hóa đọc tới mọi người.
“Thường dịp cuối tuần thư viện không đủ chỗ đọc sách cho các bạn nhỏ nên rất sốt ruột. Mở thư viện mà các em đến không đủ chỗ ngồi thì rất buồn. Mình có dự định mở rộng thư viện lên tầng 2. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của mình là duy trì hiệu quả của thư viện ra sao? Bởi mở một thư viện sách không khó nhưng duy trì mới là điều quan trọng. Sách có rồi nhưng phải có bạn đọc, có người truyền lửa, truyền được văn hóa đọc cho mọi người thì thư viện đó mới thực sự hấp dẫn”, anh Vũ Viết Hảo chia sẻ.