Đó là lí do vì sao mà mới đây, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 bằng việc ứng dụng phần mềm số hóa trong công tác đánh giá, phân hạng.
Hiện nay, việc sử dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đã được các địa phương trên cả nước áp dụng.
Trước đây quá trình thực hiện đánh giá, phân hạng theo phương pháp thủ công, các địa phương thường lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Thậm chí có nơi còn cảm tính trong quá trình thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP khiến chất lượng sản phẩm chưa được bảo đảm.
Bên cạnh đó, cơ bản hồ sơ tham gia đánh giá OCOP rất dày, dài, yêu cầu rất nhiều giấy tờ chứng chỉ, quy trình sản xuất khác nhau gây áp lực cho không chỉ các cơ quan chức năng mà thậm chí ngay cả các chủ thể.
Chẳng hạn đối với chủ thể là HTX, ngoài các tài liệu minh chứng về nhãn hiệu đang sử dụng: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của chủ thể; Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận (nếu có), tài liệu minh chứng về điều kiện an toàn thực phẩm thì HTX cần phải có tài liệu minh chứng về chủ thể hoạt động hiệu quả theo Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020.
Trong đó, tài liệu đánh giá, phân loại HTX phải là của cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên. Ngoài ra, HTX phải có các hình ảnh minh chứng về thực hiện Kế hoạch/Đề án/Bản cam kết bảo vệ môi trường đang áp dụng.
Còn đối với các cơ quan nhà nước, để đầy đủ 1 bộ hồ sơ, tỉnh phải tổ chức họp hội đồng đánh giá với sự tham gia của 26-27 thành viên. Đi kèm với đó là kinh phí chuẩn bị, phô tô tài liệu cũng rất lớn. Đó là chưa kể đến công tác lưu trữ, tác động đến môi trường từ những bộ hồ sơ làm bằng giấy.
Không dừng lại ở đó, với những sản phẩm OCOP sao càng cao thì càng phải tìm kiếm, tra cứu rất nhiều tài liệu để tham khảo nhưng cũng không bảo đảm các yếu tố để đánh giá.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Đi cùng với đó là vẫn còn hiện tượng đánh giá cảm tính trong quá trình thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP.
Đây là những hạn chế, những "nút thắt" trong quá trình triển khai từ quá trình đánh giá ở các cấp. Nếu những khó khăn này không được tháo gỡ thì công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm sẽ đi vào bế tắc. Các chủ thể tham gia cũng không thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, từ đó khó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Thay bằng phương pháp thủ phân hạng thủ công tức là toàn bộ thông tin, bảng biểu theo tiêu chí đều sử dụng bằng viết tay và mẫu giấy thì trong đợt phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 mới đây, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với một đơn vị cung ứng phần mềm công nghệ áp dụng quy trình chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP hoàn toàn bằng công nghệ thông tin.
Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, phương pháp này có nhiều tiện ích, vừa khoa học lại rút ngắn thời gian và đặc biệt là đảm bảo sự khách quan trong từng khâu.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Đặng Huy Phong - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyên Phong, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang niềm nở: "Tôi nghĩ là từ sang năm trở đi, nhờ phần mềm này mà các chủ thể OCOP sẽ đỡ tốn kém hơn, tiện ích hơn hẳn so với những năm trước. Chúng ta sẽ không phải mất kinh phí in nhiều giấy tờ. Khi chấm điểm sản phẩm trên máy, mọi thành viên Ban Giám khảo có thể đồng loạt mọi người cũng theo dõi một vấn đề. Tôi đánh giá cao việc áp dụng số hóa vào chấm điểm sản phẩm OCOP".
Cụ thể, trong đợt phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang đợt 2 năm 2022, cơ quan chuyên môn đã đưa phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Bắc Giang cũng là một trong số 3 tỉnh thành thuộc các tỉnh miền núi triển khai thực hiện phần mềm này, đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Thành Luân - Đại diện đơn vị triển khai phần mềm nhận định: "Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 với trọng tâm là chương trình chuyển đổi số. Do đó, Bộ NNPTNT năm 2020 đã triển khai một phần mềm chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP. Phần mềm này đã giúp cho các cán bộ chấm điểm có thể dễ dàng tiếp cận với hồ sơ các sản phẩm. Trong quá trình đó sẽ có những thông báo gần như ngay lập tức tới các chủ thể sản OCOP để sửa đổi hoặc bổ sung".
Ông Luân nói thêm: "Theo phần mềm này thì toàn bộ hồ sơ thông tin sản phẩm theo đúng yêu cầu của các tiêu chí sẽ được cập nhật vào hệ thống, thang điểm quy định theo đúng bộ tiêu chí để Ban giám khảo có thể chấm trực tiếp vào biểu. Cùng một lúc, đồng loạt các thành viên Ban giám khảo có thể vào cùng lúc để xem thông tin đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí. Trong đó, điểm đáng lưu ý đó là khi kết thúc quy trình, các chủ thể của sản phẩm cũng có thể theo dõi và biết kết quả công khai trên hệ thống. Cách làm này vừa đảm bảo tính khách quan lại mang nhiều tiện lợi".
"Nếu chúng ta triển khai bằng việc làm trên giấy thì công tác kiểm soát, rà soát sản phẩm hồ sơ sẽ gặp khó khăn vì hồ sơ sẽ rất dày. Do đó, bằng phương pháp chấm điểm phần mềm thì những kết quả đánh giá, kết quả chấm sẽ được thể hiện công khai, minh bạch trên phần mềm" - ông Nguyễn Thành Luân nhấn mạnh.
Dù đang trong giai đoạn thí điểm, song việc chủ động đưa việc chấm điểm sản phẩm OCOP và số hóa đã góp phần lan tỏa được sức ảnh hưởng của sản phẩm OCOP cũng như đẩy nhanh tiến độ và tạo thuận lợi cho việc thu nhận, quản lý, tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, đánh giá nhu cầu của chủ thể khi tham gia chương trình sản phẩm OCOP một cách khoa học và hiệu quả.
Cụ thể, trong đợt phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang đợt 2 năm 2022 mới được tổ chức cách đây không lâu, có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 6 sản phẩm nhóm đồ uống và 2 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu.
Về chủ thể tham gia đợt này có 43 HTX (chiếm 82,7%), 6 doanh nghiệp (chiếm 11,5%) và 3 cơ sở sản xuất (chiếm 5,8%). Nhờ áp dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đã giúp việc đánh giá nhanh hơn nhưng vẫn bảo đảm công khai, minh bạch, chính xác.
Căn cứ hồ sơ minh chứng đối với từng sản phẩm, Ban Giám khảo đã đánh giá có 2 sản phẩm đạt từ 70 đến 90 điểm (tương đương 4 sao), 67 sản phẩm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm (tương đương 3 sao) và 2 sản phẩm không đánh giá, phân hạng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP cần siết chặt hơn việc đánh giá, phân loại ngay từ cấp huyện, tránh tình trạng hồ sơ gửi lên Hội đồng tỉnh vẫn còn lỗi sót, thiếu đồng nhất về tên gọi. Cùng đó, cần siết chặt việc đánh giá, phân hạng lại, nếu bảo đảm thì tiếp tục công nhận và kiên quyết không công nhận lại đối với sản phẩm thiếu các tiêu chí.
Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch HND tỉnh Bắc Giang
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Giang hiện đã có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (chưa tính đợt này), trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao là vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân, 42 sản phẩm 4 sao.
Bắc Giang có nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,... tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu.
Kết luận Hội nghị, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, qua trao đổi, thành viên Hội đồng thống nhất đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 69 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Ổi Tân Yên của HTX Nông nghiệp Quyên Phong; Xúc xích xông khói Hải Thịnh của Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang (Hiệp Hòa).
Ông Tùng cũng yêu cầu Tổ giúp việc sớm tham mưu Hội đồng hoàn thiện tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận có sản phẩm được công nhận đợt này; thu hồi quyết định đối với 23 sản phẩm đã hết hạn song không đăng ký tại. Tổ giúp việc thông tin đến Hội đồng cấp huyện cũng như các chủ thể về những tồn tại trong hoàn thiện hồ sơ, đề xuất công nhận đối với từng sản phẩm. Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, đề xuất tổ chức trao giấy chứng nhận cho các chủ thể tại hội nghị triển khai chương trình OCOP năm 2023.