Đắk Lắk: Hội nghị đối thoại với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ thể sản phẩm OCOP năm 2022
Đắk Lắk: Hội nghị đối thoại với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ thể sản phẩm OCOP năm 2022
Thư Anh
Thứ năm, ngày 22/12/2022 07:21 AM (GMT+7)
Với chủ đề "Hỗ trợ nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững", ngày 21/12, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD), chủ thể sản phẩm OCOP năm 2022.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lại Thị Loan đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 200 cán bộ hội nông dân cơ sở tiêu biểu, nông dân SXKD giỏi, chủ thể sản phẩm OCOP hội viên, nông dân.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP bên lề Hội nghị lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đối thoại với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD), chủ thể sản phẩm OCOP năm 2022.
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, hội viên nông dân, cán bộ hội nông dân và các chủ thể OCOP đã trực tiếp đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh. Đó là những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bao gồm ứng dụng khoa học công nghệ; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng...
Cùng đó là những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiếp cận thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản nói chung.
Ngoài ra, nhiều nông dân còn kiến nghị các vấn đề về lao động nông thôn; đảm bảo môi trường trong sản xuất nông nghiệp; liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt là chính sách về ứng dụng nông nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ông Phạm Đình Cảnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar nêu ý kiến: "Nguồn cung cấp cây, con giống là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh những địa chỉ tin cậy để cung cấp nguồn giống còn rất ít, nguồn giống "trôi nổi" không rõ nguồn gốc khá nhiều".
Do đó, ông Cảnh đặt câu hỏi, UBND tỉnh có giải pháp gì để quản lý chặt hơn và có nhiều địa chỉ tin cậy để cung cấp nguồn cây, con giống chất lượng đảm bảo phục vụ cho sản xuất, nuôi trồng, giúp nông dân yên tâm sản xuất; cũng như có chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất giống để cung cấp cho người dân tại địa phương.
Quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi, thương hiệu sản phẩm do người nông dân sản xuất, ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc, huyện Krông Năng- đã chỉ ra những bất cập khi triển khai thực tế việc cấp mã số vùng trồng.
Cụ thể, nếu cấp mã số vùng trồng cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp ngừng hoạt động thì mã số sẽ bị thu hồi, theo đó sản phẩm của người dân trực tiếp không xuất khẩu được vì không có mã số. Nếu cấp cho hợp tác xã hoặc hộ dân thì sản phẩm cũng không xuất được vì muốn xuất khẩu được sản phẩm thì phải song hành hai điều kiện.
Đó là có mã số cơ sở đóng gói của doanh nghiệp và mã số vùng trồng. Và khi doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đã được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói, liệu có tình trạng độc quyền hoặc tranh chấp hay không. Cùng với đó, ông Quỳnh đề xuất giải pháp có thể xem xét cấp mã vùng trồng cho tổ chức hội nông dân quản lý và bảo vệ quyền lợi của hội viên nông dân.
Liên quan đến những vấn đề trên, ông Mai Trọng Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin, thời gian qua, UBND tỉnh đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chủ động sản xuất giống tại chỗ để kiểm soát chất lượng, chủ động nguồn cung; ưu tiên phát triển cây đầu dòng để nhân giống tại chỗ.
Hằng năm đều có các cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất giống và công khai các cơ sở vi phạm… Do đó, ông Dũng khuyến cáo người dân nên đến các cơ sở uy tín để mua giống có nguồn gốc rõ ràng.
Về vấn đề cấp mã vùng trồng, ông Dũng cho biết, theo quy định đại diện mã số vùng trồng có thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc hộ nông dân. Mỗi mã số đều gắn liền với với một diện tích vùng trồng, trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Mã số vùng trồng chỉ thuộc về người nông dân khi người nông dân đứng tên đại diện cho vùng trồng đó và đảm bảo diện tích vùng trồng tối thiều là 10 ha. Nếu diện tích của người dân không đủ 10 ha thì có thể liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để xây dựng mã số vùng trồng và mã số vùng trồng sẽ thuộc về tổ chức hoặc cá nhân đứng ra đại diện. Như vậy, Hội Nông dân có thể làm đơn vị đại diện mã số vùng trồng và quản lý vùng trồng do hội đại diện đứng tên nếu đảm bảo các quy định. Tuy nhiên để sản phẩm tại vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch thì Hội Nông dân cần liên kết với các cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Cùng với đó, các vấn đề hội viên, nông dân đặt ra đã được lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành giải đáp và trả lời trực tiếp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nông dân, cán bộ hội nông dân và các chủ thể OCOP đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với sự phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu các sở, ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường. Có giải pháp cung cấp đủ nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh đó cần rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện tất cả các chính sách đang thực hiện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kết quả xây dựng hợp tác xã. Đồng thời thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành để thúc đẩy tổ hợp tác phát triển. Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sản phẩm, vai trò và tác động của kinh tế hợp tác đối với kinh tế hộ gia đình…
Tại Hội nghị, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã trao vốn hỗ trợ 5 dự án phát triển kinh tế có tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng với 50 hộ tham gia. Trong đó nguồn vốn cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân hơn 2,3 tỷ đồng, vốn đối ứng của các hộ nông dân tham gia dự án hơn 2,2 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.