Chuyển đổi số "chắp cánh" cho sản phẩm OCOP Quảng Bình
Chuyển đổi số "chắp cánh" cho sản phẩm OCOP Quảng Bình
Trần Anh
Thứ tư, ngày 21/12/2022 10:03 AM (GMT+7)
Thực hiện chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, ngành nông nghiệp Quảng Bình đã triển khai các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP trên nền tảng số.
Sau 4 năm, Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, lan tỏa, rộng khắp ở tất cả các địa phương. Chương trình OCOP khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Đến nay, Quảng Bình có 94 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên (trong đó, 5 sản phẩm đạt 4 sao, 89 sản phẩm đạt 3 sao). Thông qua các kênh thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP của Quảng Bình ngày càng tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Bình, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh này đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương kết nối các sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn.
Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Bình đã hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin sản phẩm, chủ thể các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cho các sàn thương mại điện tử và các ngành liên quan để đưa sản phẩm lên sàn.
Website: ocop.quangbinh.gov.vn do Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Bình quản lý đã giới thiệu, quảng bá thương hiệu cho 57 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đang tiếp tục cập nhật các sản phẩm OCOP năm 2022.
Để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử .
Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình hiện có gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó có rất nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Cùng với quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP trên sàn thương mại của tỉnh Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cũng đã phối hợp, liên kết với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, cho biết: " Chương trình OCOP đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình được các địa phương quan tâm thực hiện, sản phẩm tham gia không ngừng được hoàn thiện cả chất lượng và mẫu mã.
Trong việc thực hiện chương trình Chuyển đổi số nông nghiệp, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử làm cầu nối để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn có uy tín".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.