Hiện nay, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 1 trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không toàn quốc, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo đó, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang khai thác với một nhà ga hành khách quốc tế và một nhà ga hành khách quốc nội. Trong đó, nhà ga hành khách quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác là hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế; với đường giao thông kết nối gánh chịu lượng phương tiện rất lớn vào ra cảng (chiếm 17%) và phương tiện đi qua, không vào cảng (chiếm 83%).
Vì vậy, tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho hành khách và người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Với tốc độ phát triển bình quân 14,5%/năm trong những năm qua, dự kiến Nhà ga quốc nội sẽ quá tải gấp hơn 2 lần vào năm 2024.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng không, TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong những năm tới, chủ trương đầu tư xây dựng một nhà ga hành khách quốc nội mới tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, dự án nhiều lần phải dời thời gian khởi công vì vướng mắc trong quá trình bàn giao mặt bằng.
Đặc biệt, trong bối cảnh sản lượng hành khách liên tục tăng trong các năm gần đây, khiến nơi đây thường xuyên quá tải. Cao điểm Tết Nguyên đán 2023 sắp tới, tổng lượng khách qua Tân Sơn Nhất ước tính đạt số lượng kỉ lục hơn 34 triệu người, vượt 22% công suất thiết kế.
Trước nhu cầu cấp bách hiện tại, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã được khởi công vào chiều 24/12. Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, đơn vị chủ đầu tư) cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất hiện có hai nhà ga, phục vụ khách quốc tế và nội địa. Với tốc độ phát triển bình quân 14,5% mỗi năm, đến 2024 nhà ga dự kiến sẽ quá tải gấp hơn hai lần công suất thiết kế", ông Thanh nói và cho biết ga T3 khi xây dựng hoàn thành, ngoài nâng công suất khai thác của sân bay sẽ góp phần giảm ùn tắc cho khu vực.
Trước đó, Hội đồng thẩm định chọn kiến trúc ga T3 từ ý tưởng áo dài truyền thống - một trong biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Nhà ga có lớp mái cong, trải dài đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại, văn phòng. Tại khu phức hợp thương mại, văn phòng trong nhà ga, việc thiết kế cũng hướng đến kiến trúc xanh, tích hợp các yếu tố tự nhiên và cảnh quan, tạo môi trường thân thiện...
Ngoài ra, để kết nối đồng bộ với ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, dài 4 km, cũng được TP.HCM triển khai với kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng. Ngày 24/12 vừa qua, thành phố khởi công trước gói thầu xây lắp số 9 (hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện), sang năm sẽ thực hiện đồng loạt các hạng mục khác khi mặt bằng được bàn giao.
Tuyến đường nối nêu trên được TP.HCM xây mới, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao giữa các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Công trình làm tuyến chính với chiều rộng 25-48 m cho 6 làn xe, vận tốc 50 km/h, cùng hai đường nhánh kết nối với quy mô 3-4 làn. Trên tuyến có một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe, cùng hai hầm chui ở các nút giao, mỗi hầm cho 2 làn xe.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng nhưng chưa triển khai. Sau khi ga T3 được đưa vào quy hoạch, TP.HCM điều chỉnh quy mô dự án đường nối lớn hơn, để đồng bộ về hạ tầng. Hiện, tuyến đường nối được thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tháng 8/2024, ngoài giúp kết nối đồng bộ với nhà ga T3 còn góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hệ thống tại quận Tân Bình.
Theo các chuyên gia, dự án trên góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải theo quy hoạch của thành phố; phát triển mạng lưới đường giao thông trên địa bàn quận Tân Bình. Đồng thời, góp phần cải thiện tình trạng giao thông khu vực xung quanh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Chia sẻ với Dân Việt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) cho biết, bên cạnh việc khởi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, Ban sẽ phối hợp cùng Sở GTVT, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan dự kiến sẽ tiếp tục khởi công Dự án Xây dựng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh vào ngày 28/12 và khởi công Dự án xây dựng Nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) vào ngày 30/12 tới đây.
Ngoài ra, cùng với việc khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm nêu trên, Ban Giao thông dự kiến cùng Sở GTV TP.HCMT và các đơn vị liên quan sẽ thông xe đưa vào khai thác phục người dân công trình Hầm chui trước Bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức), cùng công trình Cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp) sau khi hoàn thành toàn bộ hạng mục đường trước 31/12/2022.