Dân Việt

Điều tra mở rộng: Chiêu thức phòng vệ mới của các cường quốc

An Linh 25/12/2022 12:15 GMT+7
Đối với các vụ kiện chống trợ cấp, tự vệ cũng chỉ chiếm 1,2%. Tuy nhiên, do năng lực lớn và sức cạnh tranh xuất khẩu cao, thuỷ sản Việt Nam dần đối diện với kiện PVTM ngày một lớn dần.

Theo thống kế WTO, trong quá khứ ngành thủy sản không phải là đối tượng của nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Đối với các vụ kiện chống phá giá, các vụ kiện đối với các sản phẩm thủy sản chỉ chiếm 0,2% tổng số các vụ kiện đã xảy ra.

Điều tra mở rộng: Chiêu thức phòng vệ mới của các cường quốc - Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để tránh các vụ kiện cáo PVTM đối với thuỷ sản nói chung, cá ba sa nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường, bên cạnh đó cần chủ động trước các yêu cầu của các đối tác.

Hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có câu chuyện tập trung vào một thị trường khiến dễ bị vướng phải các biện pháp tự vệ.

Vị chuyên gia này cho rằng, đây là câu chuyện bỏ trứng vào 1 giỏ và đây là rủi ro với bất kể sản phẩm nào chứ không riêng gì sản phẩm thuỷ sản hoặc cá tra, basa.

"Theo thống kê của WTO, Hoa Kỳ được xem là đối tác thương mại tương đối hung hăng trong phòng vệ thương mại. Họ là nước thứ 2 trên thế giới có nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất trên thế giới, chỉ sâu Ấn Độ. Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ là nước có nhiều vụ kiện PVTM nhất, với tỷ lệ gần 20% vụ kiện của nước này đối với các vụ kiện PVTM của các nước đối với hàng hoá Việt Nam. Đặc biệt, tất cả kiện thuỷ sản là tập trung ở thị trường này. Trong bối cảnh như vậy, việc tập trung lớn vào thị trường này rất rủi ro, công cụ PVTM là phổ biến, và gia tăng", bà Trang cho hay.

Thực tế, theo WTO, trước đây Hoa Kỳ là tập trung vào các vụ kiện PVTM cốt lõi như chống bán phá giá, chống trợ cấp khi họ thấy rõ nguy cơ thiệt hại đáng kể với quan hệ nhân quả đối với hàng sản xuất trong nước của họ. 

Tuy nhiên, xu hướng kiện phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ đang thay đổi cùng với sự thay đổi của xu hướng thương mại toàn cầu: Cạnh tranh địa chính trị thế giới và xu hướng bảo hộ gia tăng.

Các nước ngày càng tiến hành nhiều hơn các vụ kiện mở rộng về truy xuất nguồn gốc, kiện chống bán phá giá. Hoa Kỳ thực hiện nhiều hơn các vụ kiện này đối với Trung Quốc và hàng hoá của Việt Nam đang bị vạ lây (trong đó nhiều nhất là gỗ, may mặc, da dày và tiếp đến là các hàng hoá thuỷ sản…).

Bà Thu Trang cho rằng: "Nghiên cứu của chúng tôi, kiện điều tra mở rộng có rủi ro lớn hơn nhiều. Với các vụ kiện chính thức, đích danh mặt hàng ở Việt Nam (còn gọi là kiện gốc). Doanh nghiệp chúng ta có thể biện pháp phòng tránh tương đối hiệu quả, tất nhiên không thể tránh hết được các vụ kiện vì đây là thông lệ quốc tế rồi. Tuy nhiên, nó vẫn đỡ tác động tiêu cực đối với kiện mở rộng. Còn với các vụ kiện mở rộng (lẩn tranh thương mại) là kiện gốc từ nước khác, ví dụ hàng Trung Quốc bị kiện ở Mỹ, sau đó họ mở rộng đối với hàng hoá của Việt Nam, điều này làm cho vụ kiện phức tạp hơn rất nhiều".