Trong năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình đã kết nạp được 3.372 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh là 134.095 người. Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt thường kỳ và các hoạt động của Hội đạt 87%. Khi tham gia vào Hội, hội viên được dự các lớp tập huấn về những kiến thức cần thiết, về thông tin, thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất,…
Cũng trong năm 2022, 100% hội viên nông dân được phát thẻ hội viên, trong đó có 29.744 hội viên nông dân đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp. Đồng thời, các cơ sở Hội đã giới thiệu 93 hội viên nông dân ưu tú cho cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng, 100% cơ sở Hội, chi Hội có quỹ hoạt động, bình quân quỹ chi Hội đạt 135.000đ/hội viên.
Qua đó, có 3/8 Hội Nông dân cấp huyện xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 5/8 đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ; 43 cơ sở Hội xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 97 cơ sở Hội xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1 cơ sở Hội hoàn thành nhiệm vụ.
Trong năm, tỉnh Ninh Bình thành lập 8 chi hội nghề nghiệp, 141 tổ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, sản xuất đá mỹ nghệ, kinh doanh du lịch cộng đồng...
Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình trong năm cũng tổ chức 282 buổi tuyên truyền cho hơn 48.000 lượt hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tư vấn pháp luật trực tiếp, bằng văn bản, qua Website, xây dựng mô hình góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho nông dân.
Bên cạnh đó, tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài năm 2022, gồm 8 đội đến từ 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Hội Nông dân tỉnh với cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức trao tặng 33 kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam" cho các cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho công tác Hội và phong trào nông dân.
Qua đó, 8 tập thể, 14 cá nhân tặng Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 1 tập thể được UBND tỉnh Ninh Bình tặng cờ thi đua; 3 cá nhân, 2 tập thể được tặng Bằng khen của UBND tỉnh. 141 nông dân tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen;…
Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình thời gian qua luôn tích cực đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", thông qua các hoạt động hỗ trợ nông dân như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, vật tư nông nghiệp từ đó tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Các cấp Hội trong tỉnh Ninh Bình tiếp tục vận động hội viên, nông dân tích cực tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, hộ khá, giàu giúp hộ nghèo thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tương trợ giúp nông dân nghèo.
Cụ thể, các cấp Hội đã phối kết hợp với các ngành tổ chức được 1.778 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 53.340 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia với nhiều nội dung thiết thực như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,..
Đồng thời, triển khai xây dựng 22 mô hình với số tiền 1,305 tỷ đồng. Phối hợp với các sở, ngành triển khai chương trình phối hợp, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân giúp nông dân có kiến thức, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 662 tổ tiết kiệm và vay vốn, 22.330 hộ với tổng dư nợ là 890.523 tỷ đồng; 8/8 huyện đã ký thỏa thuận liên ngành với Chi nhánh Agribank cấp huyện, đến nay thành lập được 567 tổ với 10.742 thành viên tham gia với tổng dư nợ 1.934 tỷ đồng.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình trong năm qua tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố triển khai hiệu quả hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ nông dân. Điển hình như: Phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn,..
Ngoài ra, phối hợp với Bưu điện tỉnh Ninh Bình triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, hỗ trợ nông dân giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử POTMAT.
Trong đó, có 242 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; tổ chức 2 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày các sản phẩm Ocop sản phẩm tiêu biểu tỉnh Ninh Bình tại Festival trái cây và các sản phẩm Ocop Việt Nam năm 2022, tại tỉnh Sơn La.
Phối hợp với Hội nông dân các tỉnh triển khai chương trình "hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân". Kết quả đã hỗ trợ tiêu thụ 125 tấn nông sản cho nông dân trong tỉnh, 45 tấn nông sản cho nông dân các tỉnh trong cả nước.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình còn phối hợp với các doanh nghiệp triển khai 2.315 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân. Cũng như, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để đưa chế phẩm sinh học vào ứng dụng trong chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ tiêu cụ thể Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đặt ra trong năm 2023, 100% cơ sở Hội, 8/8 huyện, thành phố xây dựng được một công trình, phần việc chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028; 100% xã, phường, thị trấn có một mô hình tự quản về an ninh trật tự hoặc mô hình phòng chống tội phạm,...
Tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-4/10/2023). Ngoài ra, tổ chức Hội thi "Nhà nông đua tài tỉnh Ninh Bình lần thứ IV ", mỗi huyện, thành phố thành lập 1 đội tuyển tham gia. Tổ chức Hội thi chọi gà tại Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư năm 2023.
Thực hiện đề án "Phát triển điểm sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn giai đoạn 2021-2025", phấn đấu 100% cơ sở Hội có ít nhất 1 điểm sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Mỗi huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 1 mô hình " Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ".
Tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, đối với cấp tỉnh tăng 5 tỷ/năm, cấp huyện tăng từ 200 triệu/huyện/năm, cấp xã tăng từ 6 triệu/xã/năm. Duy trì và thành lập mới các Tổ vay vốn, Tổ liên kết vay vốn do Agribank ủy thác.
Phấn đấu 100% Hội Nông dân xã, thị trấn có Tổ vay vốn hoặc Tổ liên kết vay vốn từ Agribank. Bên cạnh đó giảm nợ xấu từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội do Hội Nông dân quản lý dưới 0,2%....