Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022

Vũ Thượng-Nguyễn Hằng Thứ tư, ngày 30/11/2022 19:04 PM (GMT+7)
Chiều 30/11, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022, chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội”. Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì hội nghị.
Bình luận 0

Hình thức đối thoại được thực hiện trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh Ninh Bình và điểm cầu tại 8 huyện, thành phố, 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Nông dân thẳng thắn đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Thực hiện Công văn số 4817/VPCP-QHĐP ngày 01/8/2022 của Văn phòng Chính phủ "về việc thực hiện giải pháp hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững"; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình. Ngày 30/11, tại UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 1.

Toàn cảnh điểm cầu tại UBND tỉnh Ninh Bình. Ảnh: T G

Chủ trì hội nghị đối thoại có ông Phạm Quang Ngọc-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Đinh Hồng Thái-Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình; Cùng các sở, ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường,…

Bên cạnh đó, tại điểm cầu các huyện, thành phố có Thường trực Huyện ủy, Thành ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân; Chủ tịch UBND và đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, đại diện các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tham dự. Đặc biêt, có 141 điểm cầu cấp xã dự Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 2.

Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022, điểm cầu huyện Gia Viễn. Ảnh: N D

Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022, được chia thành nhiều nhóm lĩnh vực, cụ thể như: Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính, Kế hoạch; Nhóm các vấn đề khác.

Ông Đinh Hồng Thái-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đồng chủ trì hội nghị đối thoại, đại diện nông dân tại các điểm cầu phát biểu: "Đề nghị các bác, các đồng chí đại diện nông dân tại các điểm cầu có câu hỏi, kiến nghị, các ý kiến nên đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu.

Để đảm bảo thời gian chương trình, các điểm cầu lưu ý, không hỏi lại những nội dung đã trùng với những ý kiến, kiến nghị đã phát biểu. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành theo dõi, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của nông dân; chuẩn bị nội dung trao đổi, giải đáp đối với những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao.

Những câu hỏi "nóng" được nông dân tỉnh Ninh Bình quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu thành phố Ninh Bình. Ảnh: N D

Ông Nguyễn Văn Tuyến-Giám đốc HTX Yên Phúc, xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) hỏi: Nông nghiệp luôn là ngành sản xuất có rủi ro cao, do đó ngày 18/4/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm Nông nghiệp để giúp người dân giảm bớt rủi ro trong quá trình sản xuất. Tôi được biết tỉnh Ninh Bình vẫn chưa triển khai thực hiện được nghị định 58 của Chính phủ.

Xin hỏi lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, tại sao tỉnh ta chưa triển khai thực hiện Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp?. Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình có chính sách như thế nào để nông dân được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp?.

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình trả lời: Nội dung câu hỏi này đã được giải đáp tại Hội nghị đối thoại của Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ, hội viên nông dân vào tháng 10/2021.

Từ Tháng 10/2021 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương chưa ban hành các văn bản mới liên quan, hướng dẫn về chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Do vậy, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đề nghị Hội Nông dân không đưa chương trình này vào trong chương trình tọa đàm năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 4.

Hội viên nông dân phát biểu ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022. Ảnh: T G

Đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Thuận, đại diện hội viên nông dân xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) hỏi: "Hiện nay diện tích vùng bãi bồi từ đê Bình Minh 2 đến khu vực Cồn Nổi và diện tích đất đơn vị 1080 bàn giao cho huyện quản lý hết sức khó khăn.

Hội viên nông dân xã Kim Hải đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất, giao quyền sử dụng đất để người nông dân tham gia nuôi trồng thủy sản khu vực trên yên tâm đầu tư sản xuất.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Ninh Bình trả lời: Thực hiện Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 9/6/2010 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 quản lý, không còn nhu cầu sử dụng đất. Hiện nay, UBND huyện Kim Sơn đang triển khai lập quy hoạch từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi. Sau khi quy hoạch tỉnh Ninh Bình, quy hoạch từ đê Bình Minh đến Cồn Nổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Ninh Bình sẽ chỉ đạo UBND huyện Kim Sơn thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích nuôi trồng thủy sản để làm cơ sở giao đất, cho thuê theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 5.

Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022, điểm cầu tại thị trấn Ninh Anh (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: N D

Bà Mai Thị Len-Hội Nông dân xã Yên Thái (huyện Yên Mô) ý kiến: "Năm 2023 là năm diễn ra Đại hội Hội Nông dân từ cấp xã đến toàn quốc. Để tạo điều kiện các cấp Hội Nông dân tổ chức Đại hội. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài Chính, HĐND, UBND các cấp phân bổ ngân sách sớm để Hội Nông dân các cấp tổ chức Đại hội.

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình trả lời: Trên cơ sở đề nghị của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình và UBND các huyện, thành phố. Sở Tài chính đã dự kiến, bố trí dự toán ngân sách năm 2023, để hỗ trợ kinh phí cho Hội Nông dân tỉnh và UBND các huyện, thành phố để tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 6.

Điểm cầu tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: N D

Ông Đinh Hồng Thái-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, chủ trì hội nghị: "Sau một thời gian làm việc với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và hiệu quả, Hội nghị đã được nghe 20 ý kiến phát biểu đại diện cho hơn 130 nghìn hội viên nông dân trong tỉnh.

Hội nghị cũng được nghe các ý kiến trả lời, giải đáp với tinh thần đi thẳng vào những câu hỏi, kiến nghị của thủ trưởng các sở, ngành liên quan đến các nhóm vấn đề phù hợp với chủ đề của buổi đối thoại hôm nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 7.

Điểm cầu Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đối thoại với nông dân năm 2022, tại huyện Kim Sơn. Ảnh: N D

Ngoài những câu hỏi được nêu trong hội nghị, Ban tổ chức hội nghị còn nhận được 127 câu hỏi, kiến nghị khác của nông dân trong tỉnh. Những câu hỏi này có nội dung trùng hoặc đã được các cơ quan chuyên môn tổng hợp, trả lời, giải đáp nên không nêu trực tiếp tại buổi đối thoại hôm nay.

Các câu hỏi tại buổi đối thoại sớm có kết luận để chỉ đạo, giải quyết

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Phạm Quang Ngọc-Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trân trọng cảm ơn Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, các cấp Hội Nông dân tỉnh, Thường trực các huyện, thành ủy đã phối hợp để tổ chức thành công hội nghị đối thoại.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 8.

Ông Phạm Quang Ngọc-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (áo trắng) phát biểu kết luận buổi đối thoại. Ảnh: T G

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết của hội viên, nông dân, cho đây là các ý kiến xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn và những nhu cầu chính đáng của hội viên, nông dân; các ý kiến đã thể hiện tinh thần xây dựng, góp phần cùng các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt hơn chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và trên thực tế nhiều chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, điều đó cũng cho thấy các chính sách được ban hành là đúng, trúng, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Đối với các kiến nghị của nông dân tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc giao các sở, ngành liên quan phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và Thường trực Hội Nông dân tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành thông báo Kết luận để chỉ đạo, giải quyết.

Ông Phạm Quang Ngọc-Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn thời gian tới các cấp Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác thông tin, chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách đến với hội viên nông dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong nông nghiệp, nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem