Những ngày "khai sơn phá thạch"
Chỉ tay về hướng hàng lát có đường kính 30-40cm, chiều cao 15-20m được trồng thẳng tắp, dọc con dốc ngay cổng Đoàn KTQP 5, Trung tá Nguyễn Văn Thịnh khoe: "Tuổi đời của hàng cây lát này đúng bằng tuổi quân của tôi gắn bó với đồng bào nơi đây! Ngày ấy, nơi đây hoang vu lắm, anh em đến nhận công tác ở Đoàn hôm trước, ngay ngày hôm sau là bắt tay vào trồng...".
Ôn lại câu chuyện những ngày "khai sơn phá thạch" 20 năm trước, Trung tá Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ: Khu KT-QP Mường Lát ban đầu thành lập gồm 5 xã: Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu, Mường Chanh và xã Tén Tằn với 48 bản, trong đó có 26 bản biên giới; diện tích đất tự nhiên vùng dự án chiếm 60% diện tích toàn huyện, dân số chiếm hơn 54% dân số của huyện. Với địa hình phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn, đất đai cằn cỗi, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, bà con nơi đây thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, trong khi sản xuất phần lớn dựa vào nương rẫy, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trình độ dân trí thấp và vẫn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước. Lúc đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 79%.
Theo câu chuyện anh Thịnh kể, khi mới thành lập, điều kiện hoạt động khó trăm bề, do Đoàn chưa thành lập được các Đội sản xuất ở vùng dự án, anh cùng đồng đội phải ở tạm tại các nhà dân. Với nhiều người dân lúc đó, hình ảnh bộ đội vừa gần gũi nhưng cũng có điều gì đó xa lạ. Họ ít giao tiếp, cởi mở trò chuyện. Hằng ngày, anh Thịnh cùng các đồng đội phải bắt đầu từ những việc nhỏ, thiết thực như học tiếng, trồng rừng, trồng rau, trồng lúa nước, tăng gia cùng dân; hướng dẫn người dân cách ăn ở vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh. Các bản trong xã hầu như không có nhà vệ sinh. Người dân đi vệ sinh quanh nhà, nắng mưa bốc mùi rất hôi thối, xuất hiện ổ dịch bệnh. Vận động, hướng dẫn người dân làm nhà vệ sinh, anh Thịnh và các đồng đội phải vận động bà con chặt tre, nứa, tự tay dựng nhà vệ sinh, làm mẫu cho các gia đình.
Ở vùng núi rừng rộng lớn, dân cư thưa thớt, mỗi gia đình cách nhau vài quả núi, ruộng nương canh tác xa xôi. Đến gặp người dân đã khó, vận động họ thay đổi phương thức sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế là hành trình vất vả hơn rất nhiều. Tình trạng sản xuất tự cung tự cấp, phổ biến của các xã là 5 không: "Không đường, không điện, không trạm, không chợ, không nước sạch". Bà con chủ yếu tắm khe suối nên có những lúc đến với nhiều hộ ở xa, các anh vài ngày không tắm. Điều kiện ăn ở khắc khổ, anh em chủ yếu phải ăn mì tôm, lương khô. Những ngày đóng quân nhờ nhà dân, họ phải trải áo mưa xuống đất ngả lưng, mệt đâu nghỉ đấy, khi ở vệ đường, khi ở gốc cây.
Suốt 20 năm qua, anh Thịnh đã cùng đồng đội vượt suối, băng rừng vào "khai sơn phá thạch" trên vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ăn ở, sinh hoạt trong nhà tạm, nhà dã chiến, sử dụng nước thượng nguồn sông Mã để sinh hoạt, không đường, không có điện lưới.
Tranh thủ mọi thời gian, ban ngày họ vạt đồi, bạt núi hoang sơ để dựng nhà ở, làm khu tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống, ban đêm tổ chức các lớp bồi dưỡng cho nhân dân phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, khuyến nông, khuyến lâm; bài trừ phong tục tập quán lạc hậu, dạy chữ xóa mù. Đồng thời, tranh thủ mọi thời gian để khảo sát, nắm chắc tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu cho đơn vị xây dựng, triển khai các chương trình, dự án trong khu KT-QP.
Thâm niên 20 năm gắn bó với đồng bào vùng phên giậu phía Tây tỉnh Thanh Hóa, vốn liếng anh Thịnh có đến nay là có thể nói, nghe được 3 thứ tiếng: Mông, Thái, Khơ Mú, biết mọi phong tục tập quán của bà con, nhưng cái được lớn nhất là mỗi khi về với dân bản, anh luôn được bà con kính trọng, yêu mến, coi anh như người con của bản làng.
Vốn là một kỹ sư lâm nghiệp, hơn 20 năm gắn bó với núi rừng và đồng bào vùng biên giới huyện Mường Lát, theo anh Thịnh, đây là vùng đất "dụng võ" đối với chính anh. Từ kiến thức được trang bị, anh đã nghiên cứu kỹ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng địa phương để có cơ sở khoa học tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KTQP 5 có kế hoạch, chương trình thực hiện các dự án đúng, trúng hiệu quả.
Gặp lại Trung tá Nguyễn Văn Thịnh, ông Lộc Văn En phấn khởi như đón đứa con xa quê trở về, ông En nguyên là trưởng bản Na Hin, sau đó phát triển lên Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh. Bản Na Hin được biết đến là bản xa trung tâm nhất của huyện Mường Lát, tiếp giáp với huyện Viêng Say, nước bạn Lào. Mới đây, bản vinh dự là bản đầu tiên về đích nông thôn mới của xã Mường Chanh, ông En phấn khởi cho biết: Bản làng được như hôm nay là có công sức của bộ đội Thịnh nhiều lắm đấy!
Bản chúng tôi không chỉ hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới mà hơn 50ha rừng lát hoa đang hằng ngày phát triển rất tốt cũng do Đoàn KTQP 5 cung cấp cây giống và chính bộ đội Thịnh ươm cây, hướng dẫn bà con trồng đấy. Khi chưa có bộ đội Thịnh về, dân bản đói nghèo lắm, đến nay, nhiều hộ dân đã mua được ti vi, xe máy, trẻ em trong độ tuổi được cắp sách tới trường.
Anh Thịnh dẫn tôi đi thăm các hộ dân vùng dự án, từ chỗ nghèo đói, được sự hỗ trợ của Đoàn KTQP 5, đến nay đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá. Anh tâm sự: "Công tác nơi vùng biên cương này, cùng sống với đồng bào dân tộc thiểu số, trong những hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, cần lắm những con người biết hy sinh, biết vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu không có tâm sáng, không đồng hành với những gian khó của người dân và không lên "dây cót" cho chính bản thân mình thì sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ".
Riêng giai đoạn 2015-2020, từ việc nghiên cứu, khảo sát nắm chắc tình hình thực tiễn các xã vùng dự án, anh Thịnh đã tham mưu cho Đoàn KTQP 5 khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng 5 nhà văn hóa thôn, bản; xây dựng trạm biến áp và hệ thống đường điện lưới quốc gia vào xã Pù Nhi; triển khai 15 lớp xóa mù, tái mù chữ; xây dựng hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn; mỗi năm ươm hàng vạn cây giống cấp hỗ trợ cho nhân dân; bảo vệ, trồng mới rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nâng độ che phủ rừng trong vùng dự án từ 30% lên 46%; giảm hộ nghèo trong vùng dự án từ 71,4% năm 2016 xuống còn gần 48% năm 2021.
Nói về kinh nghiệm trong công tác tham mưu kế hoạch thực hiện các dự án, anh Thịnh chia sẻ: Thực tế trong những năm qua, đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, tôi tham mưu cho đơn vị có sự điều chỉnh dự án, vì có những dự án không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Ví dụ như dự án di giãn dân nội vùng, được quy hoạch từ năm 2003, dự kiến ở điểm A, nhưng sau khi xảy ra lũ lụt năm 2018 thì xác định kết cấu đất liên quan đến các khu dân cư có nhiều vấn đề không bảo đảm an toàn, buộc đơn vị phải có sự điều chỉnh theo quy hoạch chung của địa phương.
Đối với việc phát triển các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, quá trình thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, việc lựa chọn mô hình, xác định hộ dân để hỗ trợ phải có định hướng, có trọng tâm trọng điểm, không phải hỗ trợ chung chung, dàn trải, đại trà cho tất cả hộ nghèo. Từ đó, xây dựng mô hình điểm và nhân rộng ra các mô hình khác, Đoàn không đủ tiềm lực để hỗ trợ cho tất cả hộ nghèo trên địa bàn quản lý. Ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo trước, sau đó mới đến các hộ khác, thậm chí hỗ trợ cho các hộ cận nghèo. Hộ nghèo mà không có ý thức vươn lên thoát nghèo, ỷ lại vào chính sách thoát nghèo thì không hỗ trợ.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình anh Thịnh ở TP Thanh Hóa, cách đơn vị gần 300km, công tác xa gia đình, 20 năm đồng cam cộng khổ cùng đồng bào, từ những ngày nhà cửa tạm bợ. Có những thời điểm mưa lũ, giao thông chia cắt, cả 6 tháng anh mới có điều kiện về thăm gia đình, khó khăn là vậy, nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm, bản lĩnh, ý chí và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, anh luôn đồng hành, sẻ chia khó khăn cùng đồng bào, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu, góp công sức, trí tuệ cùng tập thể ổn định cuộc sống cho bà con, đứng vững trên vùng kinh tế-quốc phòng cực Tây tỉnh Thanh Hóa.
Thượng tá Nguyễn Duy Trung, Phó chính ủy Đoàn KTQP 5 cho biết: Có thể khẳng định, thành tích 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Đoàn KTQP 5 gắn liền với thành tích của đồng chí Thịnh, đồng chí là người có thâm niên lâu nhất tại đơn vị, từ những ngày đầu tiên thành lập Đoàn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn, hầu hết các chương trình, dự án của đơn vị đều có đồng chí Thịnh tham gia khảo sát, nghiên cứu, nắm chắc tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, tổ chức tham mưu đúng, trúng với nhiều giải pháp thực hiện khả thi, đem lại hiệu quả, chất lượng cao. Vừa là cán bộ dày dạn kinh nghiệm, vừa là người cán bộ có tinh thần, trách nhiệm, đồng cảm với những khó khăn, vất vả của bà con dân bản, đồng chí Thịnh đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc của 26 bản biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa.