Mô hình nuôi cá dưới tán cây sầu riêng anh Lê Ngọc Ba mang về áp dụng lần đầu tiên trên địa bàn xã Mỹ Đức, huyện Đạ Terh, tỉnh Lâm Đồng, bước đầu cho tín hiệu đáng mừng.
Lúc chúng tôi đến thăm, anh Lê Ngọc Ba vẫn đang bận bịu dưới những tán cây, thu lượm từng quả cam, quả quýt rơi rụng trong vườn để làm thức ăn cho cá.
Anh Ba tươi cười kể, gia đình anh vốn có truyền thống làm vườn trồng các loại cây chủ lực như điều, bưởi, cam, quýt.
Tuy nhiên, gã nông dân liều lĩnh Lê Ngọc Ba vẫn luôn ấp ủ có thể áp dụng những cách làm hay, mô hình sản xuất mới giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống về lâu về dài.
Từ sự khát khao luôn âm ỉ trong thâm tâm đó, nhà nông Lê Ngọc Ba thông qua các trang báo và mạng xã hội đã tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng thành công mô hình nuôi cá dưới tán cây sầu riêng đầu tiên tại địa phương.
Từ đầu năm 2022, trên diện tích 1 sào đất sẵn có, anh đã bắt tay vào trồng khoảng 30 cây sầu riêng con, kết hợp nuôi cá trê. Đàn cá trê được anh nuôi trên 6 mương rãnh ngay dưới mỗi tán sầu riêng, mỗi mương có chiều dài 50 m và chiều rộng là 1,5 m.
Anh Lê Ngọc Ba bên mô hình nuôi cá dưới tán sầu riêng của gia đình tại thôn 5, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng).
Anh Ba quyết định chọn cá trê để nuôi là vì so với các loại cá khác, cá trê có khả năng sinh trưởng và thích ứng vô cùng tốt trong nhiều môi trường khắc nghiệt, nơi có hàm lượng oxy thấp.
Bên cạnh đó, đây còn là loại cá ăn tạp, nên nguồn thức ăn rất phổ biến và dễ dàng tìm được. Anh Ba cho biết nguồn giống được anh xuống tận Đồng Nai tuyển chọn và mua về. Mỗi lần anh thả cá giống với mật độ dày đặc từ 8.000 - 10.000 con, chia đều trên tất cả các mương rãnh.
Thức ăn cho cá là các loại quả cam, quýt từ vườn cây của gia đình; cơm nguội và các loại thực phẩm được nấu chín khác. Cùng với đó, anh Lê Ngọc Ba còn tự ủ phân sinh học từ rơm, rạ để làm thức ăn cho cá.
Ngoài ra, nguồn nước nuôi cá được tận dụng để tưới cho cây sầu riêng và tuyệt đối không bón phân hóa học. Vì vậy mà chi phí đầu tư mô hình nuôi cá dưới tán sầu riêng của anh Lê Ngọc Ba được tối ưu hoá, vườn sầu riêng và đàn cá trê ngày một sinh trưởng mạnh mẽ.
Trung bình, cá trê có thể sinh sản nhiều lần trong năm, từ 5 - 6 lần. Hiện, gia đình anh Ba đã thu hoạch được 3 lứa cá trê thương phẩm, sản lượng mỗi lần từ 4 - 5 tấn, trọng lượng cá đạt tiêu chuẩn từ 300 gam - 1,2 kg/con, bán với giá 16.000 đồng - 18.000 đồng, được các thương lái từ Đồng Nai đến tận nơi để thu mua.
“Thời gian đầu, do chủ quan, cộng với việc chưa nắm bắt tốt các kỹ thuật nuôi cá trê mà lứa cá đầu tiên của gia đình bị mắc bệnh lở loét, thiệt hại mất một nửa đàn cá. Về sau, nhờ vào việc tích cực học hỏi qua sách vở, báo, đài, dần dần tôi đã nắm bắt được cách làm hiệu quả nên những lứa cá sau này đều đã phát triển khoẻ mạnh.
Cần phải luôn duy trì mực nước ổn định trong suốt thời kỳ nuôi cá. Nên định kỳ thay nước từ 10 - 15 ngày/lần và thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của cá để có sự điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp.
Nuôi cá trê rất dễ, tuy nhiên người nuôi phải luôn cẩn thận, chú ý trong từng khâu để đề phòng các loại bệnh dễ gặp trên cá trê, giúp cá tăng trưởng tốt hơn”, anh Lê Ngọc Ba nói.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) kết quả bước đầu cho thấy mô hình nuôi cá kết hợp trồng cây ăn trái là một trong những mô hình đầy triển vọng, nhiều tiềm năng và rất phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của địa phương.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Đức sẽ triển khai đánh giá để nhân rộng mô hình nuôi cá dưới tán cây sầu riêng này đến toàn thể người dân trên địa bàn.
Đồng thời, tích cực hỗ trợ cho bà con nhân dân xã tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá kết hợp trồng cây ăn trái. Từ đây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất mới, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người nông dân.