Nuôi cá lóc ham mồi trong vèo lưới, dịp Tết nông dân Sóc Trăng xúc lên hàng tấn, bán 40.000-50.000 đồng/kg

Thứ hai, ngày 26/12/2022 05:16 AM (GMT+7)
Trong những ngày Tết, nhu cầu sử dụng cá lóc để chế biến món ăn trong gia đình và đãi khách rất lớn. Nắm bắt nhu cầu thị trường nên nhiều hộ dân tại xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã thả nuôi cá lóc trong vèo lưới từ giữa năm 2022
Bình luận 0

Hiện tại, cá lóc đang giai đoạn phát triển tốt và cá nuôi sẽ được xuất bán vào khoảng thời gian cận tết Nguyên đán.

Dọc theo tuyến kênh Ba Súa, thuộc ấp An Tập, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) có hàng chục vèo nuôi cá lóc của hộ dân nằm cặp bờ kênh và tùy theo số lượng cá nuôi mà diện tích vèo cá có kích thước lớn, nhỏ khác nhau. 

Cho chiếc vỏ lãi lách qua vèo cá của gia đình để cập vào bờ, vợ chồng ông Lương Thanh Hà, ấp An Tập phấn khởi mở từng thùng đựng đầy cá đồng để hàng xóm xem.

Ông Thanh Hà khoe: “Hôm nay, nước trên đồng rút gần cạn nên cá đồng kéo được nhiều hơn so với mấy ngày qua. Chắc chắn bữa nay đàn cá lóc vèo có bữa ăn thỏa thích, vì số lượng cá mồi bắt được tầm 50 - 60kg”.

Ông Thanh Hà có 12 năm nuôi cá lóc vèo, thông thường nuôi 2 đợt/năm. Đợt 1 thả giống cá vào đầu năm đến tháng 6 sẽ thu hoạch; đợt 2 thả giống cá vào tháng 6 và thu hoạch vào đúng dịp tết Nguyên đán.

Do cá lóc nuôi đợt 2 cung cấp thị trường Tết nên số lượng cá đợt nuôi này tăng lên 30 - 40% so đợt thả nuôi cá đợt đầu. 

Tháng 6/2022, ông Thanh Hà thả nuôi 6.000 con cá lóc thương phẩm trong vèo nuôi. Hiện tại, cá đang giai đoạn phát triển tốt, có trọng lượng ước 300 - 400 gram/con và tính tới thời điểm xuất bán (từ ngày 20 - 25 Tết), cá sẽ đạt trọng lượng ước 700 - 900 gram/con. 

Với 6.000 con cá lóc nuôi vèo, ước sản lượng thu về 1,5 tấn, giá cá lóc ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng.

Nuôi cá lóc ham mồi trong vèo lưới, dịp Tết nông dân Sóc Trăng xúc lên hàng tấn, bán 40.000-50.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Để nuôi cá lóc vèo có lợi nhuận tốt, nhiều hộ dân ấp An Tập, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đánh bắt cá ngoài tự nhiên dùng làm mồi cho cá lóc. Ảnh: THÚY LIỄU

“Để nuôi cá lóc vèo đem lại nguồn thu nhập tốt, tôi tự đi tìm mồi cho cá ăn, bằng cách đi kéo lưới trên đồng hay các sông, kênh rạch. Mùa nước nổi (tháng 8 đến tháng 11 dương lịch), số lượng thủy sản bắt được trên đồng rất nhiều, ngoài cho đàn cá nuôi ăn cá mồi, tôi còn bán các loại cá bắt được để kiếm thêm thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng/buổi kéo cá. 

Đặc biệt, trong đợt nuôi cá bán thị trường Tết, lượng cá mồi rất dồi dào cho đàn cá lóc vèo ăn, bởi đúng dịp mùa nước nổi, cá mồi bắt được trên đồng từ 50 - 100kg/buổi sáng. Nhờ bỏ mồi cho ăn đầy đủ, đàn cá lóc nuôi vèo lớn nhanh, thịt cá thơm ngon không khác gì cá đồng nên thị trường rất ưa chuộng” - ông Lương Thanh Hà chia sẻ bí quyết.

Hơn 5 năm gắn bó với việc nuôi cá lóc trong vèo, bà Nguyễn Thị Nương, ấp An Tập cho rằng: "Nuôi cá lóc vèo nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, cá ít gặp dịch bệnh. Nhờ nuôi cá dưới kênh, nước ra vào thường xuyên, tạo được môi trường nước trong tự nhiên nên cá tăng trưởng tốt". 

Trong vụ nuôi cá lóc vèo phục vụ thị trường tết Nguyên đán sắp đến, bà Nương thả nuôi 3.000 con cá lóc, số lượng cá trên sẽ xuất bán vào 20 tết Nguyên đán, ước sản lượng 500 - 700kg. Theo bà Nương, số lượng cá của hộ bà xuất bán được thương lái thu mua để bán cá tươi hoặc làm khô một nắng cung cấp trên thị trường. 

Ngay thời điểm này cũng có thương lái đến thu mua cá lóc về làm khô, chuẩn bị nguồn khô cá lóc bán dịp Tết, nhưng bà Nương chưa bán cá, đợi đến gần Tết mới bán, để cá đạt trọng lượng lớn, lợi nhuận sau thu hoạch sẽ tốt hơn.

Đồng chí Lê Thanh Truyền - Phó Bí thư Chi bộ ấp An Tập thông tin, nuôi cá lóc vèo đã trở thành một trong những mô hình nuôi thủy sản lâu năm của nhiều hộ dân trên địa bàn ấp An Tập, bởi hộ dân tận dụng tuyến kênh Ba Súa để phát triển nuôi cá lóc vèo, kiếm thêm thu nhập. Hơn 10 năm trước, mô hình nuôi cá lóc vèo đã phát triển mạnh trên địa bàn ấp An Tập, với hơn 30 hộ tham gia.

Hiện nay, số hộ nuôi đã giảm xuống khoảng 50%, nguyên nhân chủ yếu là do giá thức ăn tăng cao, giống cá nuôi chậm lớn, nguồn cá ngoài tự nhiên ngày càng khan hiến, khó kiếm cá mồi cho cá lóc nuôi ăn và giá bán cá lóc thương phẩm xuống thấp, hộ nuôi không có lợi nhuận tốt, nếu như nuôi cá bằng thức ăn. 

Số hộ dân còn lại vẫn duy trì mô hình nuôi cá lóc vèo, bởi họ có thể tự tìm nguồn thủy sản ngoài tự nhiên làm mồi cho cá lóc nuôi vèo. 

Bà con xem đây như là mô hình nuôi thủy sản chính tại nhà, vì góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Nhất là trong đợt thả nuôi cá bán vào dịp tết Nguyên đán, giá bán cá khá tốt, giúp bà con có thêm tiền trang trải trong những ngày Tết đến xuân về.

Lượng cá lóc nuôi trong vèo của hộ dân trên địa bàn ấp An Tập đã tạo thêm nguồn thực phẩm thủy sản nước ngọt phong phú, đa dạng trên thị trường cho người tiêu dùng lựa chọn. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán, để đàn cá nuôi phát triển tốt, hộ nuôi cần chú ý cho cá ăn đủ lượng thức ăn, giúp cá tăng trọng tốt và chú ý phòng tránh dịch bệnh trên cá…

Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem