Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang khai thác với một nhà ga hành khách quốc tế và một nhà ga hành khách quốc nội với công suất thiết kế 28 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sân bay luôn đón lượng khách vượt xa công suất,
Chính vì quá tải công suất, tình trạng ùn tắc nhà ga thường xuyên diễn ra. Hệ quả ảnh hưởng dây chuyền khiến khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trở thành "điểm nóng" về ùn tắc giao thông. Theo báo cáo đầu năm 2023 của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, quý 4/2022, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng trở lại, đặc biệt là tại một số tuyến đường các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho hành khách và người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo các chuyên gia, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn này là phải sớm đầu tư nhà ga T3 và đường kết nối để giải tỏa áp lực hành khách trong khi sân bay Long Thành còn rất lâu nữa mới có thể đi vào khai thác.
Trước tình hình trên, cuối tháng 12/2022, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã được khởi công trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ban ngành.
Với tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng, ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là công trình lớn nhất, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai sau hai năm Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế công suất 20 triệu lượt khách mỗi năm. Cùng với nhà ga T1 và T2 hiện hữu, ga T3 khi hoàn thành nâng tổng công suất khai thác ở sân bay lên 50 triệu khách, giảm tình trạng ách tắc, quá tải nhiều năm.
Dự án ga T3 gồm ba hạng mục chính, gồm: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn. Trong đó, nhà ga có một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500 m2, thiết kế theo tiêu chuẩn sân bay quốc tế, đảm bảo khách đi thuận tiện cũng như được tiếp cận nhiều tiện nghi, khu mua sắm... Khu vực nhà xe cũng được thiết kế hiện đại, gồm hai tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên tổng diện tích 130.000 m2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nhà ga T3 hoàn thành ngoài giúp giảm ùn tắc cho sân bay sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Với mục tiêu dự án hoàn thành năm 2024, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, TP.HCM cùng các bộ ngành liên quan phải bám sát tiến độ, không đội vốn bất hợp lý và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.
Để kết nối đồng bộ với ga T3, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, dài 4 km, ở quận Tân Bình cũng được TP.HCM khởi công cuối năm 2022 với kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng. Công trình nằm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, điểm đầu tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh.
Tuyến có đường chính rộng 25-48 m, 6 làn xe, vận tốc 50 km/h, cùng hai đường nhánh quy mô 3-4 làn. Trên tuyến có một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe, ở trước ga T3 của sân bay. Ngoài ra, dự án làm hai hầm chui ở các nút giao, mỗi hầm cho 2 làn xe.
Theo kế hoạch, dự án này hoàn thành tháng 9/2024, ngoài kết nối trực tiếp ga T3 còn tạo trục đường mới tiếp cận sân bay, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn cũng như giảm ùn tắc giao thông cho khu vực, vốn đã quá tải nhiều năm.
Ngoài ra, một dự án khác cũng được TP.HCM đẩy nhanh tiến độ để giảm áp lực giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là dự án cải tạo đường Cộng Hòa, đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long. Theo đó, dự án dài 134 m, mở rộng 14-19 m phía bên phải tuyến cũng mới được TP.HCM triển khai những tháng cuối năm 2022.
Được biết, dự án này có tổng vốn đầu tư 142 tỷ đồng, tuy không lớn, nhưng Sở Giao thông Vận tải thành phố đánh giá đây là công trình đặc biệt quan trọng giúp xoá "nút thắt cổ chai" ở vòng xoay Lăng Cha Cả. Đây là nút giao kết nối các tuyến Cộng Hoà, Hoàng Văn Thụ, Phan Thúc Duyện, Trần Quốc Hoàn thường xuyên ùn tắc.
Theo các chuyên gia, dự án trên góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải theo quy hoạch của thành phố; phát triển mạng lưới đường giao thông trên địa bàn quận Tân Bình. Đồng thời, góp phần cải thiện tình trạng giao thông khu vực xung quanh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trước đó, năm 2016, nhằm kéo giảm ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sở GTVT TP.HCM đã lập 6 dự án bao gồm: Cầu vượt trên đường Trường Sơn, cầu vượt ở nút giao Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm, mở rộng đường Hoàng Minh Giám, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa ở nút giao Lăng Cha Cả.
Đến năm 2019, 3 dự án đầu tiên trong tổng số dự án trên đã hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ giải quyết được một phần áp lực giao thông tại khu vực nhà ga T1 và T2. Các nút thắt cổ chai vẫn hình thành trên luồng phương tiện đổ về cổng nhà ga T3 tương lai dẫn đến thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Vì vậy, dự án quan trọng nhất để phá thế độc đạo dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.