Dân Việt

Vợ chồng làm nghề y hơn 20 năm miệt mài với công tác thiện nguyện

Quang Sung 27/01/2023 06:10 GMT+7
Hơn 20 năm qua, vợ chồng lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy và bác sĩ Lê Thanh Nga luôn tận tụy với công việc cứu người, giúp đời.

Hơn 20 năm qua, vợ chồng lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy và bác sĩ Lê Thanh Nga (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện. Đến nay, vợ chồng đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình thiện nguyện như: Phòng khám 0 đồng tại nhà, nhà lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân nghèo, bếp ăn 0 đồng tại các bệnh viện,...

Đồng vợ, đồng chồng cùng làm thiện nguyện

Chia sẻ về cơ duyên đến với công tác thiện nguyện, bác sĩ Lê Thanh Nga cho biết, xuất thân từ một gia đình khó khăn, từng gặp nhiều biến cố nên hiểu được những vất vả của người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

“Nỗi lo lớn nhất của bệnh nhân nghèo không phải bệnh tật, mà là chi phí điều trị. Nhiều người đi khám, nhưng trong đầu luôn sợ không đủ tiền để trả. Có khi mình khám, nhưng bệnh nhân không dám nói hết triệu chứng vì sợ khám nhiều, tốn nhiều tiền”, bác sĩ Nga cho hay.

Cặp vợ chồng làm nghề y, hơn 20 năm miệt mài với công tác thiện nguyện giúp bệnh nhân nghèo - Ảnh 1.

Vợ chồng lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy và bác sĩ Lê Thanh Nga (bên trái) đang chuẩn bị cháo để phát cho bệnh nhân nghèo tại mô hình Bếp ăn 0 đồng. Ảnh: NVCC

Từ thời sinh viên, bác sĩ Nga đã tham gia các đoàn tình nguyện đi khám bệnh miễn phí cho mọi người trên khắp mọi miền đất nước. Đến nay, bác sĩ Nga đã đi qua 63 tỉnh thành và số lượng bệnh nhân bà đã khám không thể nhớ hết.

Lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy dù không phải xuất thân từ ngành y. Nhưng từ khi nên duyên cùng bác sĩ Nga, ông nhận thấy công tác thiện nguyện của vợ cần có người đồng hành. Từ đó, ông bắt đầu theo học ngành Y học cổ truyền và cùng vợ đi giúp đỡ mọi người.

Đến nay, lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy đã khám, chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người, có những bệnh nhân đã được ông giành lấy sự sống từ tay “tử thần”.

Chia sẻ về hành trình theo nghề y, ông kể: “Nhiều khi đứng ở bệnh viện, mình nhìn thấy bệnh nhân đã đi đến cổng nhưng không dám vào khám, vì không đủ tiền. Mình là bác sĩ, phải tạo được niềm tin cho bệnh nhân, để họ sẵn sàng nói hết những cơn đau đang gánh phải. Chữa bệnh trước hết phải để bệnh nhân tin tưởng, chia sẻ cùng họ, phải tâm an thân mới an”.

Cặp vợ chồng làm nghề y, hơn 20 năm miệt mài với công tác thiện nguyện giúp bệnh nhân nghèo - Ảnh 3.

Bác sĩ Lê Thanh Nga trong một lần đi phát quà cho bà con vùng sâu, vùng xa. Ảnh: NVCC

Hiện nay, vợ chồng bác sĩ Nga đều đang công tác tại những bệnh viện lớn ở TP.HCM. Dù công việc bận rộn nhưng cả hai vẫn dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện. Mỗi ngày, họ dành ra từ 4 - 5 giờ đồng hồ để khám miễn phí cho người nghèo, tại nhà riêng. Trong các bệnh viện, vợ chồng bác sĩ Nga xây dựng bếp ăn 0 đồng để phát cháo, cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

“Khi đi làm, tôi thấy có nhiều bệnh nhân buổi chiều phải truyền dịch, nhưng buổi trưa chỉ ăn vội cái bánh mì để bớt đói. Ăn uống như vậy rất lâu khỏi bệnh, nhưng tôi hiểu rằng không phải ai cũng có điều kiện để ăn uống đầy đủ. Vì vậy, chúng tôi mở bếp ăn để nấu và phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân. Mặc dù bếp ăn không lớn, nhưng phần nào sẽ giúp bệnh nhân no bụng, đủ dinh dưỡng và bớt gánh nặng về kinh tế để yên tâm điều trị”, bác sĩ Nga tâm sự.

"Quả ngọt" là niềm vui của bệnh nhân

Đến nay, mô hình phòng khám 0 đồng tại nhà của vợ chồng bác sĩ Nga hoạt động thường xuyên. Mỗi ngày, phòng khám mở cửa từ 17h30 đến khi hết bệnh nhân. Đối với mô hình bếp ăn 0 đồng, đã có thêm nhiều đơn vị tham gia đồng hành với vợ chồng bác sĩ Nga. Bếp ăn hoạt động tất cả các ngày trong tuần, riêng ngày chủ nhật, vợ chồng bác sĩ Nga trực tiếp đến thăm hỏi và gửi tặng thức ăn đến bà con.

Cặp vợ chồng làm nghề y, hơn 20 năm miệt mài với công tác thiện nguyện giúp bệnh nhân nghèo - Ảnh 4.

Lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy thăm hỏi bệnh nhân tại Nhà lưu trú 0 đồng. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, vợ chồng bác sĩ Nga còn thường xuyên đi phát thức ăn tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Có những bệnh nhân không thể di chuyển đến phòng khám, vợ chồng bác sĩ Nga sẵn lòng chạy xe đến tận nhà thăm khám.

“Chúng tôi làm công việc này trước hết là giúp người, từ đó mong lan tỏa giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng, xã hội. Mình giúp một người, sau đó họ khỏe lại và có thể giúp được thêm nhiều người khác. Đó là điều rất tuyệt vời”, lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy chia sẻ.

Cặp vợ chồng làm nghề y, hơn 20 năm miệt mài với công tác thiện nguyện giúp bệnh nhân nghèo - Ảnh 6.

Bệnh nhân Vũ Xuân Láng tặng bức tranh chữ "Tâm" cho lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy và bác sĩ Lê Thanh Nga. Ảnh: CC

Mặc dù làm công tác thiện nguyện từ tâm, nhưng nhiều lúc cả hai vợ chồng bác sĩ Nga không tránh khỏi “lời ra, tiếng vào”. Nhiều người cho rằng cả hai vợ chồng đang lo chuyện bao đồng.

Bỏ ngoài tai những lời đó, bác sĩ Nga quan niệm: “Chúng tôi rất vui khi làm những công việc thiện nguyện. Nhiều người nói, chê nhưng có lẽ do quan điểm của họ khác với vợ chồng tôi. Thứ khẳng định rõ nhất việc làm của vợ chồng tôi đúng hay sai, đó là nụ cười, niềm vui của bệnh nhân mỗi khi gặp chúng tôi. Có những bệnh nhân sau khi được chữa lành, họ xem chúng tôi như gia đình, thường xuyên ghé qua trò chuyện, thăm hỏi rất tình cảm”.

Ông Vũ Xuân Láng (73 tuổi, Tp.HCM), là một trong những bệnh nhân được vợ chồng bác sĩ Nga cứu chữa. Từ chỗ tuyệt vọng khi bị bệnh viện “tuyên án” chỉ sống được 2 tháng và trả về gia đình, đến nay ông Láng đã có thể tự chạy xe máy hàng chục Km để ghé thăm vợ chồng bác sĩ Nga.

“Vợ chồng bác sĩ Nga là ân nhân của tôi. Lần đầu tiên tôi gặp một bác sĩ gần gũi và lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ với bệnh nhân. Nếu nói về vợ chồng bác sĩ Nga, tôi chỉ có thể nói một chữ, đó là chữ Tâm”, ông Vũ Xuân Láng chia sẻ.

Bà Lê Thị Bấc - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Đức (TP.HCM) đánh giá cao đóng góp của vợ chồng bác sĩ Nga đối với công tác thiện nguyện trên địa bàn thành phố.

"Tôi rất vui mừng vì có thêm cơ sở từ thiện xã hội trên địa bàn thành phố. Vợ chồng bác sĩ Nga luôn luôn cống hiến hết mình cho công tác thiện nguyện. Lúc trước, trong đợt dịch Covid-19, bếp ăn 0 đồng của vợ chồng chị Nga mỗi ngày cung cấp hơn 2.000 suất ăn cho bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, lực lượng phòng chống dịch", bà Lê Thị Bấc cho hay.