Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Năm 2000, cô giáo Phạm Thị Tâm cùng anh trai nam tiến. Cả nhà lựa chọn dừng chân sinh sống tại vùng đất Phú Yên. Kể từ đây mảnh đất này đã chứng kiến nghị lực theo đuổi nghề giáo phi thường của cô Tâm.
Đặt chân tới Phú Yên khi vừa tốt nghiệp THPT, nữ sinh Phạm Thị Tâm lúc bấy giờ đã quyết định đăng ký thi tuyển sinh vào trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Phú Yên và đạt thủ khoa ngành Văn-Sử.
Tưởng chừng cứ thế yên ổn học tập nhưng sau ba năm theo học tại trường Cao đẳng sư phạm, cô buộc phải bỏ ngang. Theo quy định của địa phương, học sinh, sinh viên muốn tiếp tục theo học phải có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên.
Dừng học, không đồng nghĩa với dừng ước mơ. Để tiếp tục theo đuổi nghề giáo viên, cô giáo Phạm Thị Tâm đã thi vào trường Cao đẳng sư phạm mầm non Trung ương 2 Nha Trang và trúng tuyển. Như vậy cô lại bắt đầu từ mốc đầu tiên.
Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mầm non Trung ương 2 Nha Trang và quay trở về Phú Yên, cô Tâm được phân công, tới làm việc tại huyện Đồng Xuân. Câu chuyện sẽ không có gì đặc biệt nếu không có chính sách tăng cường giáo viên tới các điểm trường khó khăn mà tỉnh đang thực hiện.
Năm 2018, theo quy định của địa phương, cô giáo Phạm Thị Tâm được tăng cường tới điểm Trường Mầm non Phú Mỡ. Lúc đó trường cơ sở vật chất của trường còn rất kém, nhà nội trú và cả khu trường tiểu học, mầm non vẫn chưa có nhà tắm, nhà vệ sinh. Hệ thống điện thiếu ổn định, thường xuyên mất điện ảnh hướng tới việc học của các cháu.
Cực nhất là nước sinh hoạt, nước được lấy từ một con suối trên núi dẫn về cái hồ nhỏ cho dân làng dùng chung. Vào mùa mưa thì tạm đủ nước nhưng gặp nắng hạn kéo dài, thiếu nước phải lội bộ vài cây số để xuống suối sâu vác từng can nước về dùng.
Trải qua một năm sống, học tập và chăm sóc học sinh của điểm trường, cô giáo Tâm chợt nhận ra mình cần ở lại nơi này. Cô đã viết thư tình nguyện xin ở lại Phú Mỡ, ở lại vùng khó khăn nhất để giúp đỡ học sinh và đồng nghiệp.
Cô giáo Phạm Thị Tâm chia sẻ, khi chấp nhận về dạy ở đây là một sự dấn thân và vô cùng thử thách. Tuy phải đối mặt với khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt nhưng cô luôn ý thức, việc đến công tác tại trường là trách nhiệm của một nhà giáo. Với tinh thần như vậy, cô không ngừng thôi thúc chính mình làm điều gì đó cho điểm trường còn nhiều khó khăn này.
Tại điểm trường mầm non Phú Mỡ, đường đến trường của con em đồng bào dân tộc Ba Na khó khăn đến lạ. để giúp học sinh tới trường, cô giáo Phạm Thị Tâm nhiều lúc còn phải đóng vai tuyên truyền viên tới từng nhà vận động gia đình cho con đi học.
Cô giãi bày, học sinh của cô 100% là con em đồng bào Ba Na, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ chủ yếu làm nương rẫy, phong tục còn lạc hậu. Đặc biệt, đường đến trường rất nguy hiểm, đường núi dốc cao, mùa mưa xe máy phải trang bị thêm bánh xích vào bánh xe thì mới đi được.
Cũng từ những lần đi vận động đó mà cô Tâm dần được dân làng yêu mến. Dân làng từ cái nhìn dò xét, ngượng ngùng nay đã họ đã tỏ ra tin tưởng và có thiện cảm với cô. Các mí ở đây không chỉ coi cô như người giữ trẻ mà còn là người dạy dỗ sự hiểu biết cho con cháu làng mình. Nhờ vậy, công sức của cô cũng được bù đắp, nếu như những năm trước, trường chỉ hơn chục cháu tới lớp, nay đã tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Điều đáng khâm phục là khi cô một mình đi xe máy về trung tâm xã họp, cuối tuần về lại gia đình. Gia đình cô Tâm ở ngoài trung tâm huyện, mỗi tháng cô chỉ có thể về nhà 2-3 lần, có thời điểm một tháng một lần.
Con đường đất trên chục cây số, hai bên cây rừng với những đèo dốc dựng ngược, sóng rãnh, chạy xe thắng trước, trượt sau… Mỗi lần đi về sao cứ thấy con đường trở nên hun hút, xa thẳm. Cứ sau chuyến đi, đêm nằm người cứ ê ẩm, chân tay rã rời. Hồi cô mới về Phú Mỡ, buổi đi có tới vài lượt bị trượt ngã xe. Dẫu khó khăn là vậy nhưng bản thân cô giáo Tâm vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề.
Là một giáo viên mầm non tại điểm trường đặc biệt khó khăn, cô giáo Tâm phải kiêm rất nhiều công việc. Cô phải chăm sóc, dạy dỗ các con từ bữa cơm đến giấc ngủ. Nhiều khi cô còn đóng vai “luật sư” đứng ra giảng hòa giữa các bạn học sinh khi có xích mích, trêu đùa nhau quá đà. Cũng có lúc cô hoá thân thành một nghệ sĩ để dạy các em múa hát; có khi đổi vai thành một đầu bếp nấu cơm cho các em ăn; đặc biệt cô còn sắm vai bác sĩ chữa bệnh cho chính những học trò người dân tộc Ba Na của mình.
Nói về nghề giáo viên mầm non, cô giáo Phạm Thị Tâm chia sẻ, khi tìm hiểu và lựa chọn nghề này, cô nghĩ rất đơn giản, chỉ có múa hát, chơi cùng trẻ, dỗ dành trẻ. Nhưng khi thực sự làm nghề, cô đã sốc trước những áp lực mà một giáo viên mầm non phải đối mặt hàng ngày. Không chỉ làm công việc của một giáo viên, cô còn đóng vai là người mẹ chăm sóc cho lũ trẻ.
Mức lương của cô giáo Phạm Thị Tâm được hưởng khoảng dưới 10 triệu đồng/ tháng, với mức lương này và khối lượng công việc phải làm quả thực rất khó khăn. Cô Tâm chia sẻ, lương tháng chỉ đủ cô duy trì chi tiêu sinh hoạt, phí xăng xe, điện thoại. Để có thêm thu nhập, cô phải tranh thủ thời gian đem những sản vật của địa phương mà cô thu mua được từ đồng bào dân tộc như mật ong, gạo, trái cây, ... ra ngoài trung tâm huyện để bán.
Cô giáo Phạm Thị Tâm tâm niệm rằng muốn gắn bó với nghề, giữ trọn vẹn tình yêu với nghề thì trước tiên cũng phải đảm bảo cuộc sống của mình trước đã. “Cứ nghề gì chân chính và có thể cải thiện thêm thu nhập thì giáo viên chúng tôi cũng phải làm". Cô giáo Tâm chia sẻ.
Hơn năm năm gắn bó với Phú Mỡ, cô giáo Phạm Thị Tâm đã tích cực vận động các cơ quan đoàn thể, các nhà hảo tâm trao nhiều phần quà có quá trị cho các gia đình khó khăn và các cháu nhỏ.
Thu gom hơn 300 trăm bao đồ ủng hộ bà con và trẻ em nghèo nơi mình sinh sống, xin tài trợ 50 xe đạp cho học sinh nghèo, trao tặng rất nhiều đồ dùng, sách vở, giày dép, học bổng cho học sinh từ mẫu giáo tới cấp 2, trao tặng tiền mặt, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo trị giá hơn một tỷ đồng... kết nối tài trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời, kéo nước từ trong núi xuống bản.
Năm qua, cô giáo cũng mở được hai thư viện tự quản cho trường tiểu học Phú Mỡ và trường phổ thông dân tộc bán trú Đinh Núp. Theo cô, mỗi một thư viện mở ra đều góp phần nâng cao văn hóa đọc trong trường học, giúp học sinh nâng cao hiểu biết.
Từ ngày cô giáo Tâm về với điểm trường vùng cao, khuôn viên nhà nội trú trong ngoài luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Những luống rau sạch sau hè, trước ngõ cô trồng đã góp phần cải thiện bữa ăn thiếu rau xanh của anh em giáo viên. Thấy cô cặm cụi, chăm chỉ và hiền lành nên mọi người gọi trìu mến “cô Tấm vùng cao”.
Hơn 17 năm trong nghề, cô giáo Phạm Thị Tâm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, dạy chuyên đề cấp tỉnh, top 10 giáo viên tài năng duyên dáng, giải Nhất Dân vận khéo, Bằng khen UBND Tỉnh, Tỉnh ủy, giấy khen của Huyện ủy, UBND huyện Đồng Xuân cùng nhiều giấy khen, nhiều giải thưởng phong trào khác.
Năm 2022, cô là một trong 400 nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc được Bộ GD-ĐT tuyên dương nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.