Cụ thể hóa điều này, vừa qua Sở NNPTNT TP.HCM phối hợp UBND huyện Củ Chi tổ chức hội thảo "Phát triển sản xuất, cung ứng hoa, cây kiểng theo định hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM".
Hội thảo nhằm nhận định tình hình sản xuất, tiêu thụ hoa, cây kiểng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong năm 2021 và 2022. Đồng thời, tạo cơ hội để thảo luận, định hướng phát triển sản phẩm hoa, cây kiểng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp đô thị.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện diện tích trồng hoa, trồng cây cảnhg trên địa bàn thành phố là 2.510ha. Giá trị sản xuất hoa, cây kiểng bình quân đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, do dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nên tình hình sản xuất, tiêu thụ hoa, cây kiểng giảm sút.
Về công tác chọn tạo và phát triển giống hoa, cây kiểng, các cơ quan chuyên môn của thành phố đã đánh giá tính thích nghi và các đặc điểm nông sinh học của các mẫu giống và chọn 20 giống lan dendrobium; 10 giống hoa nền, 10 giống kiểng lá phù hợp với điều kiện sản xuất và thị hiếu người tiêu dùng.
Thành phố đã sưu tập, lưu trữ được 273 giống hoa, cây kiểng các loại; và nhân nhanh 1,2 triệu cây giống hoa lan, hoa nền, kiểng lá, xuất vườn trên 500.000 cây giống phục vụ sản xuất. Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM tập trung nhân nhanh các giống chủ lực, như: Lan dendrobium, hồ điệp và các giống hoa nền: Hoa chuông, đồng tiền, cúc Pico...
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 9 HTX và 41 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa kiểng. Từ năm 2016 - 2020, thành phố đã hỗ trợ vốn cho 870 lượt vay vốn cho các hộ sản xuất hoa,cây kiểng trên địa bàn với tổng số vốn đầu tư hơn 1.260 tỷ đồng. Tổng số vốn vay được hỗ trợ lãi vay hơn 730 tỷ đồng.
Phát triển hoa, cây kiểng chưa như kỳ vọng
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết thêm, từ năm 2004, UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết định về chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây, kiểng, cá cảnh trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp cũng như nông dân trong lĩnh vực trồng hoa, cây kiểng, những năm qua phát triển chuỗi cung ứng hoa, cây kiểng của thành phố chưa đạt như kỳ vọng về hoàn thiện sản phẩm, dự báo cung cầu định hướng sản xuất, liên kết chuỗi, thúc đẩy tiêu thụ... Bên cạnh đó, dữ liệu số hóa theo diện tích và hộ tham gia sản xuất được thiết lập nhưng chưa được khai thác nhằm phân tích cung - cầu, kết nối tiêu thụ và điều chỉnh sản xuất.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu, thử nghiệm giống hoa, cây kiểng chưa theo kịp và chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của thị trường; chưa góp phần định hướng cơ cấu chủng loại hoa, cây kiểng trong việc phát triển ngắn và dài hạn; ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng hoa cây cảnh còn hạn chế.
Các chính sách về ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây kiểng cũng chưa được triển khai thực hiện rộng rãi. Việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường, phát triển giao dịch thương mại điện tử thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, gắn kết phát triển du lịch sinh thải chưa phát huy hiệu quả mạnh; kinh doanh hoa cây cảnh hiện còn mang tính tự phát.
Vừa qua, Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề án phát triển ngành hoa, cây kiểng đến năm 2030 với mục tiêu định hướng phát triển sản xuất hoa, cây cảnh tại các vùng trọng điểm. Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành các vùng chuyên canh, các làng nghề về sản xuất hoa, trồng cây cảnh gắn với phát triển du lịch nông thôn, trong đó có TP.HCM.