Theo ông Bùi Thế Nhân, trong năm 2023, Bình Thuận được vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" nên các hoạt động hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe du khách.
Bên cạnh đo là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững.
Để phục vụ tốt cho năm du lịch trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã mở 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng du lịch cho bà con nông dân và nhiều hướng dẫn viên du lịch liên quan biết rõ cách phục vụ khách du lịch ngày một tốt hơn và mục tiêu lớn nhất làm làm cho du khách luôn nhớ về Bình Thuận là điểm đến đến an toàn, hấp dẫn…
Theo ông Bùi Thế Nhân, thời gian qua, ngoài các điểm du lịch sinh thái như: Núi Tà Cú, Bàu Trắng… Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình, mở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch như: Tour khám phá thác 9 tầng, kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc. Đặc biệt là tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo của lòng hồ Hàm Thuận; phát triển các điểm tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai, thác Bà, huyện Tánh Linh; tham quan trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam...
Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng do cơ sở hạ tầng, dịch vụ bổ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư, thiếu sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp du lịch, lữ hành du lịch và cơ quan Nhà nước.
Để xây dựng và phát triển thành công mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp bền vững ở tỉnh Bình Thuận, trong năm 2022, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 3790/KH-UBND(ngày 9/11/2022) về triển khai Chương trình phát triển Du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bình Thuận. Trong thời gian tới ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp như:
Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn...
Trả lời câu hỏi của phóng viên người nông dân làm du lịch sinh thái được hưởng lợi thế nào từ chương trình này?
Ông Bùi Thế Nhân thông tin: Với mục tiêu xây dựng, khẳng định, quảng bá điểm đến thì mục tiêu song hành là tạo điều kiện cho tất cả người dân được cùng làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch. Từ đó, về lâu dài, người dân sẽ cùng đồng hành với chính quyền để làm du lịch. Như vậy không chỉ riêng nông dân mà còn có các thành phần khác được hưởng lợi từ du lịch….
Cũng theo ông Nhân, những năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, thời gian qua, du khách đến Bình Thuận rất thích tham quan các mô hình du lịch sinh thái ở các vùng nông thôn như vườn thanh long, các trang trại chăn nuôi sạch…
Anh Nguyễn Trung Thanh, một du khách từ TP.HCM cho biết, Tết Dương lịch vừa qua, anh đưa người thân đến tham quan vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) và ai cũng thích thú với chương trình này.
"Tại đây, chúng tôi được thưởng thức món "gà vườn, cá ao"và những món ăn chế biến từ những quả thanh long chín do tận tay mình hái khiến cả đoàn ai cũng thích…", anh Thanh chia sẻ.
Liên quan đến việc này, ông Bùi Thế Nhân cho biết, trong thời gian qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành có liên quan đã triển khai thực hiện mục tiêu mở rộng không gian du lịch và hướng du lịch sinh thái, du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững.
"Hiện nay, Bình Thuận tiếp tục triển khai mô hình "Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam", với chương trình tham quan như: Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long, tham quan các vườn thanh long chong đèn, khám phá hoa thanh long nở, trải nghiệm sản xuất thanh long kết hợp thưởng thức ẩm thực chế biến từ thanh long; tổ chức các sản phẩm và dịch vụ đi kèm trong chương trình tham quan.
Các điểm tham quan như: Nhà vườn Sáu Trúc, trang trại Bình An với các chương trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp thăm, hái, thưởng thức các sản phẩm dưa lưới, nho, thanh long, bưởi, dừa, câu cá,… cùng các tour, tuyến, điểm du lịch khác như tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai, huyện Tánh Linh; xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc…", ông Nhân nói.
Được biệt, trên thực tế các mô hình trên, vừa qua tỉnh Bình Thuận đã thông tin, giới thiệu sản phẩm du lịch đến các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa khách đến tham quan; thực hiện công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh bước đầu thu hút khách du lịch...
Theo ông Bùi Thế Nhân, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã tổ chức gần 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kỹ năng du lịch với số lượng gần 4.000 học viên cho các thành phần khác nhau, trong đó chủ yếu là tập huấn về kỹ năng bán hàng, ứng xử, phục vụ khách du lịch cho người lao động và cộng đồng dân cư.
Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp; UBND các địa phương đẩy mạnh sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến nâng cao chất lượng từng điểm du lịch nhằm thu hút khách.
Ngành du lịch tỉnh Bình Thuận cũng triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp và khuyến khích nông dân tham gia và thực hiện các nội dung trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bình Thuận.