Nghịch cảnh vùng kinh tế "mới hóa cũ"

Thứ hai, ngày 02/01/2023 15:00 PM (GMT+7)
Nằm cách trung tâm Thủ đô 40km, nhưng cuộc sống người dân Ắng Bằng, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) vốn là vùng kinh tế mới lại như “tụt hậu” hàng chục năm.
Bình luận 0

Cứ mưa là… biệt lập

Giai đoạn 1990-1991, UBND tỉnh Hà Tây trước kia đã tiến hành di dân, xây dựng khu kinh tế mới với hơn 21 hộ gia đình trên khu vực núi Ắng Bằng, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). 

Sau hơn 30 năm, nhiều hộ gia đình đã có ba thế hệ sinh sống, hoặc có thêm một số hộ gia đình khác chuyển đến. Tuy nhiên, khu kinh tế mới ngày ấy hiện giờ chỉ còn là một ngôi làng nhỏ với chưa đầy 10 hộ dân sống trên núi Ắng Bằng.

Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp muôn vàn khó khăn. 

Vùng đất này của thủ đô đang như "tụt hậu" hàng chục năm, có loại sâm quý mang tên sâm Mã Viện - Ảnh 1.

Người dân tự đổ xi-măng cải tạo đường vào khu kinh tế Ắng Bằng, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Con đường từ dưới xã lên đến Ắng Bằng cứ trời mưa lại trôi hết sỏi đá, nước ngập tới bụng không thể đi nổi. Khi ấy các hộ dân chúng tôi như bị cách ly, biệt lập với bên ngoài. Có những lúc mưa lớn dài ngày phải nhờ người nhà dưới xã mang gạo, nhu yếu phẩm lên hỗ trợ. 

Việc vận chuyển đồ những ngày mưa gió phải nhờ thuyền của những người trông cá chuyển lên. Bởi vậy, sau mỗi cơn mưa, người dân Ắng Bằng lại phải hò nhau cùng vá tạm lại đường đi, chứ không đủ khả năng xây sửa lại lâu dài. 

Có những tháng mùa mưa, người dân phải sửa đi sửa lại con đường tới 15 lần nhưng đâu vẫn hoàn đó!”, ông Phùng Văn Bằng (54 tuổi), trưởng khu kinh tế Ắng Bằng chia sẻ.

Chỉ vừa cách đây vài năm, người dân Ắng Bằng mới có lưới điện về mỗi hộ gia đình. Nhưng toàn bộ đường từ dưới xã Tuy Lai lên đến khu kinh tế không có đèn đường. 

Ánh đèn duy nhất hiện giờ chính là nhờ anh Nguyễn Văn Hiệu (35 tuổi) người trong xã kêu gọi các nhà hảo tâm trên facebook đóng góp. Nước sinh hoạt tại đây chủ yếu bơm từ nước ở các khe suối vào mỗi hộ, nhà nào khá hơn thì có xây thêm bể trữ nước mưa. Ngày nào mất điện, không có mưa thì người dân phải đi gánh nước dưới khe suối.

“Khu kinh tế cũng không có nhà văn hóa nên cột đèn mới lắp trên đường vào khu này trở thành nơi người dân thường ngồi chơi, gặp gỡ mỗi buổi tối, đồng thời ngồi bắt mạng điện thoại để dùng vì trong khu này không có sóng. 

Trước ở đây cũng có một trạm y tế nhưng hiện cũng đã bỏ hoang, người dân nếu có bệnh sẽ phải xuống xã khám. Con em trong khu kinh tế đi học cũng rất xa và vất vả. Có lẽ ít người tưởng tượng được gần Thủ đô lại có nơi hẻo lánh, điều kiện thiếu thốn không kém vùng sâu, vùng xa như thế này”, anh Hiệu ngậm ngùi.

Mong tìm hướng thoát nghèo

Các hộ dân sống trong khu kinh tế Ắng Bằng chủ yếu dựa vào trồng trọt hoa màu, chăn nuôi dê và gia cầm, sau đó đem xuống xã bán, tạm đủ để chi dùng, sinh hoạt. Đất trồng ở đây rất tốt đối với các loại cây ăn trái, nhưng đặc biệt nhất phải kể tới cây sâm. 

Vùng này nổi tiếng với loại sâm hiếm có mang tên sâm Mã Viện. Cách đây hơn chục năm, Hội nghiên cứu bảo tồn dược liệu thuộc Khu bảo tồn sinh quyển Đồng Nai nghe tiếng về củ sâm Mã Viện đã nhiều lần cử cán bộ đến nơi để nghiên cứu. 

Thấy sâm có nhiều dược tính quý, Hội định mở rộng diện tích trồng nhưng lúc đó vướng vào quy hoạch dự án làng dưỡng sinh và du lịch sinh thái Tuy Lai - Mỹ Đức của Công ty cổ phần An Dưỡng Đường Việt Nam nên đành phải bỏ dở. 

Tuy nhiên, dự án khu du lịch sinh thái này sau đó cũng bị hủy. Còn cây sâm thì chỉ mọc tự phát trên núi mà không có kế hoạch hay hướng đầu tư nuôi trồng cụ thể.

Hiện nay các hộ dân trên núi Ắng Bằng đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo lời ông Bùi Văn Biền sống ở đây, người dân Ắng Bằng đã gần 30 năm đề nghị, gửi đơn thư xin UBND xã Tuy Lai và các cấp có thẩm quyền xem xét, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình tại khu kinh tế này. 

Thế nhưng cho tới nay, tất cả mọi đơn thư, yêu cầu và khiếu nại, phản hồi của người dân, kể cả trong các cuộc họp trực tiếp với chính quyền xã cũng chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó là UBND xã Tuy Lai đã “ghi nhận”, sau đó lại rơi vào… im lặng.

Thực tế này đã dẫn tới sự bức xúc của người dân trong thời gian dài. Một số người trẻ đã rời khu kinh tế về trung tâm xã hoặc đi xa hơn nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm. 

Những người còn trụ lại chủ yếu là lớn tuổi nhưng ai cũng hiểu rằng tương lai của khu Ắng Bằng đang rất khó khăn. 

Dù có làm du lịch sinh thái, trồng nông sản, chăn nuôi hay phục vụ sinh hoạt đời thường thôi, vẫn cần phải có con đường thuận lợi dẫn về trung tâm xã. Mỗi năm nếu chúng tôi xin thì xã chỉ cấp cho khoảng 3-5 triệu đồng, trong khi con đường này cứ một trận mưa là dân lại phải xắn tay vá lại, rất tốn công, tốn kém. 

“Chúng tôi chỉ mong mỏi có hai điều, đó là con đường vào khu kinh tế được tu sửa chắc chắn, chống xói mòn. Điều thứ hai, các cơ quan hữu quan sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chúng tôi có thể an tâm sản xuất, hoặc thế chấp vay vốn, thoát khỏi sự bế tắc trong chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp”, ông Bùi Văn Bằng, đảng viên duy nhất và là người lớn tuổi nhất trong khu kinh tế bày tỏ.

Vũ Anh (Thời Nay/Báo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem