Dân Việt

Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” ở Lâm Đồng

Văn Long 06/01/2023 13:44 GMT+7
Cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) được người K’Ho, Lạch, Cil bản địa xem là “cây thần linh” nên không được xâm phạm mà phải tìm mọi cách bảo vệ.

Những ngày cuối năm 2022, phóng viên có cơ hội được ông Lương Quốc Minh – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cùng nhiều cán bộ và đồng nghiệp đi khám phá quần thể thông 2 lá dẹt tại "Cổng Trời", địa giới hành chính huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Đây được xem là quần thể thông 2 lá dẹt còn sót lại tại Việt Nam với những cây từ 500-1.000 năm tuổi.

Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” - Ảnh 1.

Nhóm phóng viên phải đi bộ khoảng 2km đường rừng trước khi đến được cây thông 2 lá dẹt 1.100 năm tuổi trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Từ lời giới thiệu về sự đa dạng sinh học trong Vườn cũng như về quần thể thông 2 lá dẹt tại "Cổng Trời", phóng viên háo hức muốn lập tức đến mục sở thị những cây thông sống cùng thời với loài khủng long. Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà được xem là "nóc nhà Tây Nguyên" với đỉnh Bidoup cao 2.287m so với mực nước biển.

Theo sự hướng dẫn của ông Lương Quốc Minh và ông Trần Văn Tình – Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cổng Trời, chúng tôi bắt đầu di chuyển ra vùng ngoại ô TP.Đà Lạt. Theo đường Trường Sơn Đông, chúng tôi đến được con đường mòn để dẫn đến khu vực có quần thể thông hai lá dẹt. Đi bộ hơn 2km trong rừng, khi bước chân của những người cùng đoàn bắt đầu lún xuống lớp mùn lá rừng thì chúng tôi đã thấy được những cây thông 2 lá dẹt nhỏ đang vươn mình lên đón nắng.

Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” - Ảnh 2.

Những cây thông 2 lá dẹt nhỏ được đánh số để thống kê và bảo vệ nghiêm ngặt trước tình trạng rừng tự nhiên bị suy giảm.

"Chúng ta đã bắt đầu đến khu vực quần thể thông 2 lá dẹt phát triển nhiều năm qua. Hiện nay, những cây thông đều được chúng tôi đánh số nhằm thống kê, bảo vệ nghiêm ngặt trước tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng do môi trường sống là rừng tự nhiên bị thu hẹp.

Trong quần thể thông 2 lá dẹt có cây thông 1.100 tuổi đã được các chuyên gia xác định bằng phương pháp kiểm tra chéo để tính toán chu kỳ sinh trưởng. Cây thông 1.100 tuổi được người K’Ho, Lạch, Cil bản địa xem là "cây thần linh", nơi trú ngụ của thần linh. Vì vậy, "cây thần linh" luôn được người dân tộc thiểu số bản địa cũng như lực lượng kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt", ông Lương Quốc Minh giới thiệu.

Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” - Ảnh 3.

Nhóm tham quan chụp ảnh kỷ niệm cùng cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi.

Trên con đường tiếp tục dẫn vào cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi, phóng viên cũng được thấy nhiều cây thông 2 lá dẹt khác, nhưng có độ tuổi khoảng 500 năm. Những cây thông này cũng phải mất 3-4 người ôm mới hết vòng. Thân cây thẳng đứng, cao vút đâm qua tán rừng để đón ánh nắng mỗi ngày.

Ông Lương Quốc Minh cho hay, hiện nay, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đang triển khai mở các tour, tuyến du lịch đến quần thể thông 2 lá dẹt quý hiếm này. Quần thể thông 2 lá dẹt này nằm trong khu vực rừng cấm của vườn, thuộc địa giới hành chính huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” - Ảnh 4.

Gốc cây thông 2 lá dẹt cần phải đến khoảng 7 người ôm mới trọn.

Đến được cây thông sống cùng thời đại với khủng long, cảm xúc của chúng tôi vô cùng khó tả khi lần đầu được thấy. Chu vi gốc thông 2 lá dẹt lên đến 7,3 mét, đoàn chúng tôi phải mất đến 7 người ôm mới hết. Đặc biệt, phần rễ cây thông trải qua hàng ngàn năm đã lan ra rất rộng, tạo thành những hang hốc bên dưới rất bí ẩn. Lớp mùn dày hàng mét được ông Lương Quốc Minh đo thử bằng đoạn cây tươi chứng tỏ sự phong phú và lâu đời của gốc cây này.

"Tôi chưa bao giờ thấy được gốc cây nào to như thế này, trên thân cây xù xì của "cây thần linh" rêu bám xanh ri, chưa kể các loại phong lan rừng đang phát triển rất tốt trên các nhánh cây. Đây đúng là báu vật của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà nói riêng và của Việt Nam nói chung. Vườn đang tổ chức các tour du lịch để giáo dục về môi trường, nghiên cứu đúng là rất phù hợp và tạo được sự quan tâm của du khách thích khám phá rừng", một đồng nghiệp đi cùng đoàn với phóng viên chia sẻ.

Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” - Ảnh 5.

Các phóng viên, thành viên đoàn tham quan chụp ảnh lưu niệm dưới gốc thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi.

Không chỉ có thông 2 lá dẹt từ thời cổ đại, ông Trần Văn Tình – Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cổng Trời còn cho biết, trong Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà còn có khoảng 2.077 loài thực vật có mạch, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan…Đây còn là một trong 221 vùng chim quan trọng của thế giới, là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và là Vườn di sản ASIAN.

Dời khu rừng với hàng trăm cây thông 2 lá dẹt cổ thụ từ thời khủng long, nhóm tham quan chúng tôi vẫn mong muốn được trở lại để khám phá thêm về loài cây đặc hữu này tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. Chứng kiến "cây thần linh" vẫn sinh trưởng bình thường, sinh sôi nảy nở mà không phải hóa thạch thì ý thức bảo vệ môi trường của người tham quan càng được nâng lên.

Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” - Ảnh 6.

Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà giới thiệu về tuổi của các cây thông 2 lá dẹt hàng trăm năm tuổi.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Phương án này vừa phát triển du lịch sinh thái vừa gắn kết với an sinh cộng đồng, trong đó, cộng đồng người dân tộc thiểu số bản địa cùng được hưởng lợi.