Vực nước nào ở Phú Yên "ngủ say" đang được nhiều người đến "đánh thức" rồi trầm trồ, xuýt xoa
Vực nước nào ở Phú Yên "ngủ say" đang được nhiều người đến "đánh thức", ai cũng trầm trồ, xuýt xoa
Thứ năm, ngày 05/01/2023 15:05 PM (GMT+7)
Trong chuyến đi tham quan các di sản, khám phá các danh lam thắng cảnh phía tây huyện Tuy An mới đây, Vực Hòm thuộc thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) là một danh thắng khá độc đáo, gây ấn tượng với đoàn chúng tôi.
Theo sách địa chí huyện Tuy An năm 2021, phía trên Vực Hòm có tảng đá dựng đứng cao tới 30m, rộng khoảng 40m; nước từ suối Dòng Rọ đổ xuống thành vực sâu. Cách đấy không xa còn có Vực Song cũng thuộc thôn Vĩnh Xuân.
Xe ô tô dừng trên con đường bê tông liên thôn, từ đây xuống Vực Hòm khoảng 2km với độ cao chừng 200m. Từ trên nhìn xuống con đường hun hút, hai bên là thảm thực vật xanh tốt, núi đồi trùng điệp nối đuôi nhau xa tắp. Con đường tựa như lòng suối cạn, đá nhỏ, đá to rất khó đi.
Các anh chị trong đoàn dìu nhau, động viên cố lên, cuối cùng tất cả các thành viên đều xuống được vực. Mùa khô này nước ít nhưng ở độ cao hơn 20m, thác nước vẫn đổ xuống va vào các trụ đá tung tóe, rồi rơi xuống vực nghe ầm ì.
Theo các nhà khoa học, cách đây hàng triệu năm, khi núi lửa ở cao nguyên Vân Hòa hoạt động, phun trào nham thạch chảy về phía biển. Dòng nham thạch này khi gặp nước cứng lại, răn nứt thành những khối đá lăng trụ đều nhau, có hình lục giác, một loại hình kết cấu đá siêu bền.
Bao quanh gần một nửa vực là vách đá, do những trụ đá bazan có hình lục giác như gành Đá Đĩa (ở xã An Ninh Đông) nhưng khác lạ và độc đáo là chồng bát úp mặt xuống.
Các văn nghệ sĩ khám phá Vực Hòm - một cảnh đẹp hoang sơ ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh CTV
Vách đá như hình bán nguyệt, phía trên là cây lá phủ một màu xanh của rừng già, phía dưới là các trụ đá cao thấp để lộ ra bề mặt hình lục giác. Những tia nắng xuyên qua kẽ lá chiếu vào vách đá, vào thác nước tạo ra ánh hào quang lung linh như bảy sắc cầu vồng đung đưa trên mặt nước.
Mặt nước Vực Hòm rộng chừng 500m2, bên ngoài thì cạn và sâu dần về phía vách đá, nước trong veo giúp ta có thể nhìn thấy những hòn đá dưới đáy vực, thấy đàn cá bơi lội tung tăng.
Do sự bào mòn của nước cả hàng triệu năm về trước nên vực bị khoét sâu vào núi đá, phía trên là khối đá lớn tua tủa hình lăng trụ như muốn rớt xuống, bên dưới là mặt nước tạo thành hang động hàm ếch sâu hoắm trông kỳ thú và dễ sợ.
Lên đây ai cũng muốn tắm để tìm cảm giác lạ, nước trong mát rượi, những đàn cá thi nhau rỉa lông chân, làm cho ta có cảm giác nhồn nhột và dễ chịu. Tới Vực Hòm, ta chỉ khám phá được phía dưới dòng thác, còn phía trên là suối Dòng Rọ lại không có đường đi lên.
Thực trạng và khai thác du lịch
Vực Hòm là danh thắng khá độc đáo, mang đậm nét văn hóa đá, nơi đây thuận đường đi, nằm trong hành trình du lịch miền Tây Phú Yên.
Trong đoàn với 50 văn nghệ sĩ tới đây khá sớm, hôm đó là ngày chủ nhật đẹp trời, khi ra về gặp một đoàn khoảng 15 người, tuổi từ 40-50 đang trên đường bước thấp, bước cao xuống vực. Con đường đá lởm chởm, rất dễ trượt chân, họ vẫn hồ hởi tươi cười, còn mời chúng tôi ăn bánh và uống nước, rất thân thiện.
Đi tiếp một đoạn lại gặp hơn 10 thanh niên, họ mạo hiểm hơn, còn tính chuyện đưa cả xe máy xuống vực. Các đoàn nói cười, hò reo làm rộn ràng cả khu rừng.
Theo chúng tôi, địa phương và các cơ quan quản lý di sản cần lập bộ hồ sơ để xin được công nhận là danh thắng cấp tỉnh; trên cơ sở đó khoanh vùng bảo vệ, quảng bá và có kế hoạch đầu tư...
Đối với khu vực tiền trạm, nơi tiếp giáp với đường bê tông liên thôn là nơi bán vé, nơi gửi xe, có các ki ốt bán nước giải khát, củ quả và các sản phẩm của địa phương làm quà cho khách du lịch. Khu vực này hiện đã có một số hộ dân bắt đầu làm các dịch vụ này.
Nơi đây cũng cần có bảng chỉ dẫn cắm tại các ngã ba lối xuống Vực Hòm để du khách không bị đi lạc. Đồng thời, con đường xuống vực cần đầu tư đổ bê tông, hai bên là cấp đi bộ, ở giữa là ram dốc dành cho xe máy; độ dốc con đường theo hiện trạng, không nên san ủi.
Trên tuyến đi này cũng cần xây dựng một trạm dừng chân, có mái che, ghế đá để cho khách ngồi. Thêm nữa, chỗ này cũng cần tạo dựng một đập tràn bằng bê tông cốt thép phía dưới vực nước, nhằm nâng cao và mở rộng diện tích mặt nước để du khách có điều kiện tắm thoải mái hơn.
Trong tương lai xa, cần làm bậc thang đảm bảo an toàn để leo lên phía trên thác. Nơi này dành cho những ai muốn tìm cảm giác mạnh, đứng trên đỉnh thác, thả tầm mắt xuống vực theo dòng chảy của thác sẽ tìm được nhiều cảm giác lạ trên con suối Dòng Rọ.
Khi tắm tại vực, bạn cần lưu ý không nên bơi sát vào vách đá, nhất là vào bên trong hang hàm ếch vì nơi đây rất sâu, đôi khi luồng gió va vào vách đá tạo cho mặt nước xoáy, ai bơi yếu sẽ khó quay lại bờ. Độ sâu dưới đáy vực không đều, bên ngoài thì cạn, sát với vách đá lại rất sâu; đá to, đá nhỏ có hình dáng tròn, do sự bào mòn của nước và rất trơn dễ làm ta trượt chân.
Khám phá Vực Hòm, các bạn nên sử dụng quần áo và giày dép gọn gàng để đi lại dễ dàng, mang theo đồ tắm, đồ ăn thức uống và nên đi theo đoàn để có sự trợ giúp lẫn nhau. Khu vực này là rừng sâu nên chưa có sóng điện thoại nhưng du khách có thể tha hồ chụp ảnh bên nền vách đá, bên tháp nước tung bọt trắng xóa và bên những gốc cây trong rừng già…
Vực Hòm là một vực nước, là danh thắng như cô gái đẹp của núi rừng Tuy An (Phú Yên) đang còn ngủ say. Nơi đây là một điểm du lịch hấp dẫn đang được du khách gần xa quan tâm đánh thức, họ tới đây để tìm cảm giác mới lạ ở nơi hoang sơ của núi rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.