Quảng Trị có những làng cổ hàng trăm năm tên gọi không thay đổi, có làng ghép tên gốc từ 2 tỉnh khác nhau

Thứ tư, ngày 04/01/2023 19:33 PM (GMT+7)
Một số làng cổ hình thành từ xa xưa ở Quảng Trị nay vẫn còn giữ nguyên tên gốc làng cũ từ phía Bắc đèo Ngang trở ra như làng Cổ Trai (huyện Vĩnh Linh) là một trường hợp đặc biệt. Tên làng cổ này vốn xuất xứ từ trấn Hải Dương, ngày nay thuộc TP Hải Phòng.
Bình luận 0

Quảng Trị có khoảng 1.000 làng lớn, nhỏ, xưa và nay, cũ và mới. Từ 65 làng cổ đầu tiên được thành lập vào khoảng năm 1075 - 1553 đến nay trải qua khoảng 6-9 thế kỷ. 

Một số làng cổ hình thành từ xa xưa ở Quảng Trị nay vẫn còn giữ nguyên tên gốc làng cũ từ phía Bắc đèo Ngang trở ra như làng Cổ Trai (huyện Vĩnh Linh) là một trường hợp đặc biệt.

Tên làng cổ này xuất xứ từ trấn Hải Dương, ngày nay thuộc TP Hải Phòng. Còn sau mốc này thì có các làng như Cang Gián (huyện Gio Linh, đúng ra tên gốc phải viết là Do Linh) vốn gốc Hà Tĩnh, hay Bích Khê (trước là Hồng Khuê vì kỵ húy nên đổi thành Bích Khê, gốc tỉnh Hà Nam)...

Quảng Trị có những làng cổ hàng trăm năm tên gọi không thay đổi, có làng ghép tên gốc từ 2 tỉnh khác nhau - Ảnh 1.

Làng cổ Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với quang cảnh, không gian thanh bình -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Quá trình hình thành làng ở Quảng Trị cũng theo thông lệ, tức là chủ yếu từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây. 

Nhưng dù vậy vẫn có một số trường hợp được coi là ngoại lệ như từ làng Cam Lộ, có một số hộ ngược ra phía Bắc sông Hiếu lập nên làng Bắc Bình hiện nay thuộc xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) hay làng Tân Xuân (xã Cam Thủy) vốn người dân hầu hết là dân vạn đò từ sông Thạch Hãn lên bờ định cư...

Quá trình phát triển làng, có nhiều làng phát triển từ đồng bằng lên miền núi trong cùng một tỉnh, chỉ khác huyện, tức từ Đông sang Tây, như: Mai Đàn, Mai Lộc (huyện Hải Lăng) lên huyện Cam Lộ hay thậm chí trong cùng một huyện nhưng chỉ khác xã như trường hợp làng Quật Xá từ Cam Thành lên Cam Nghĩa cũng có một làng khác cùng tên, đều ở huyện Cam Lộ...

Sau năm 1975 có phong trào kinh tế mới rầm rộ, hàng vạn dân Quảng Trị đã đi vào miền Trung-Tây Nguyên hoặc miền Nam mang theo những tên đất, tên làng gốc rễ như Quảng Trị, Triệu Hải, Cửa Tùng... và di dân trong nội bộ tỉnh, nhất là từ Triệu Phong, Hải Lăng đến với miền núi Gio Linh, Hướng Hóa hình thành nên các địa danh như xã Hải Thái ở huyện Gio Linh, hoặc Tân Thành (gốc Triệu Thành), Tân Phước (gốc Triệu Phước)... thuộc huyện Triệu Phong ở vùng núi Hướng Hóa.

Cá biệt có làng mới ở đây được ghép tên gốc từ hai tỉnh khác nhau như Đại Thủy thuộc xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa) là dân từ xã Triệu Đại (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) hợp lại tạo thành. 

Vật đổi sao dời, có làng (thôn) Cây Muồng thuộc vùng Cam Lộ qua tám lần đổi tên nay chính thức là thôn Thượng Lâm thuộc xã Cam Thành.

Có nhiều tên làng vẫn giữ nguyên và còn sinh sôi nảy nở như tên làng Cam Lộ được đặt tên cho chợ phiên Cam Lộ, thị trấn Cam Lộ và huyện Cam Lộ; còn tên làng Đông Hà (nay thuộc Phường 1, TP. Đông Hà) được đặt tên cho thành phố tỉnh lỵ Đông Hà, trung tâm đầu não của cả tỉnh Quảng Trị.

Địa danh là chuyện thú vị nên mới nảy sinh những câu đối (thơ) đa nghĩa dựa vào cách chơi chữ như: “Trai Tân Trúc chặt tre thở hoi hóp/Gái Đông Hà xúc hến hát nghêu ngao”. 

Đúng là làng Tân Trúc (xã Cam Hiếu) có nhiều tre và trúc, hóp đều thuộc họ tre, còn làng Đông Hà có sông Hiếu vốn nhiều con hà, hến, nghêu, ngao cùng là một họ, nên đọc lên thật là đăng đối và dí dỏm, chưa nói chuyện: nhất chặt tre, nhì ve gái (ve: tán tỉnh) chỉ sự khó nhọc nên chặt tre phải thở hoi hóp (tượng thanh), đối lại với xúc hến không đến nỗi cực nhọc nên vừa làm, vừa hát nghêu ngao (tượng thanh). 

Cũng như một câu khác: “Cam Lộ buôn cam, Cam Lộ lộ/Bích La đau bụng, Bích La la!”. Lợi dụng sự đồng âm, địa danh và phương ngữ mà chơi chữ (Cam Lộ lộ: Cam Lộ buôn cam lỗ vốn) để đối với... Bích La la, thật là câu trên tám lạng, câu dưới nửa cân, đôi lứa xứng đôi, thể hiện tài quan sát, đối đáp nhanh nhạy, thông minh và hóm hỉnh.

Quảng Trị tuy không có bảng tấn phong chính thức nhưng nhiều làng quê nổi tiếng từ lâu như làng Thủy Ba bắt cọp, làng Tùng Luật nghệ sĩ, làng khoa bảng Hà Trung, làng hào kiệt Bích La Đông, làng văn vật Bích Khê, làng khai khoa Câu Nhi... 

Còn chợ quê thì Quảng Trị nức tiếng với chợ Cầu “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”; chợ Đình Bích La Đông với phiên chợ độc đáo vào đêm mùng Ba tết Nguyên đán được gần xa biết đến; chợ Kẻ Diên (Diên Sanh) có con gà vỗ cánh trong bài ca dao được xếp vào hạng đầu bảng xưa nay; chợ phiên Cam Lộ là đầu mối nội thương và đặc biệt là ngoại thương trong lịch sử xứ Đàng Trong...

Làng quê Quảng Trị có nhiều chuyện hay, nay xin dẫn hai chuyện mà rất nhiều người địa phương vẫn chưa biết đến. Chuyện hay, thú vị và để lại nhiều bài học nhân sinh quý giá. Chuyện thứ nhất là xưa kia có vạn đò lênh đênh sông nước, tập hợp ngư dân gần xa, cứ tá túc trên sông Cánh Hòm tại xã Trung Hải (Gio Linh) ngày nay. 

Họ không chỉ không có nổi tấc đất cắm dùi mà ngay đến cả một hòn đất ném chim cũng không thuộc về mình. Sống đã vậy, còn thác về đâu? Câu hỏi làm đau đầu và đau lòng bà con sông nước.

Làng Xuân Mỵ (vè: “Văn chương Xuân Mỵ, lý sự Thủy Khê...”) thấy vậy thương tình nhường lại cho hai mẫu đất để phơi chài lưới, lâu dần thành làng Bách Lộc ngày nay, làng mới sinh thành từ làng cũ, vậy là làng ở trong làng.

Thật là tấm lòng thơm thảo, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Nếu làng văn chương, học hành có tiếng như Xuân Mỵ chỉ biết bo bo chữ nghĩa, không thấu nhân tình thì sao có làng Bách Lộc ngày nay? Khi tôi về đây điền dã, các cụ cao niên Bách Lộc kể lại chuyện xưa vẫn không hề quên đạo lý uống nước nhớ nguồn, cảm tạ bà con Xuân Mỵ.

Chuyện thứ hai là danh thần Trần Đình Ân, người làng Hà Trung được thờ phụng ở nơi “chôn nhau cắt rốn” thì không ai lấy làm lạ, nhưng cụ được làng Mai Xá Thị trang trọng thờ trong chốn đình trung thì ai cũng ngạc nhiên.

Hỏi ra mới biết khi cụ làm quan, nhân một vụ kiện đã xử công bằng cho làng này. Dân làng nhớ ơn nên nhắc nhau đời này sang đời khác luôn kính cẩn hương khói để tưởng niệm công đức của ngài. Thế nên câu ca dân gian tình nghĩa mà riết róng: “Thương dân, dân lập đền thờ/Hại dân, dân đái ngập mồ cho coi” không phải là chuyện viển vông, xa vời mà chính là nhân nào, quả ấy.

Người ta nói nhiều đến huyết mạch truyền thống chảy vào hiện tại, tạo nên nguồn lực tinh thần và vật chất cho đời sống hôm nay.

Nhưng đó là nói chung, còn cụ thể thì sao, nên làm như thế nào để không chỉ “ôn cố tri tân” mà còn vận dụng khéo léo lợi thế từ quá khứ, của quá khứ cho đời sống bây giờ, khi đang nói chuyện về xây dựng nông thôn mới.

Hy vọng rằng nông thôn Quảng Trị tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh lâu đời, tích cực đồng hành trong cuộc sống hôm nay để kiến thiết quê hương ngày càng ấm no, an lành và đáng sống.

Phạm Xuân Dũng (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem