Dân Việt

Một thạc sỹ bỏ Sài Gòn về quê Bình Thuận "sáng chế" ra thứ phân hữu cơ đem bón thì "cây gì cũng tốt"

Thái Khoa 06/01/2023 13:35 GMT+7
Câu chuyện dịch cá biển thủy phân của thạc sĩ Hồ Trinh (SN 1971 ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được giới khoa học công nghệ trong, ngoài tỉnh biết đến bởi mang đến cái mới lạ, khác biệt, hữu ích phân bón hữu cơ sinh học thế hệ mới, giúp nhiều loại cây trồng xanh tươi, sớm đơm hoa kết trái, cho trái ngọt đầu mùa...

Cùng với các sáng kiến phục vụ nông nghiệp, anh được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông”.

Rời Sài thành về phố biển

Tôi từng biết anh qua các hội nghị khoa học công nghệ của tỉnh, anh Hồ Trinh trao đổi với tôi cởi mở, chân tình về các sáng kiến hữu ích giúp nhà nông và câu chuyện khởi nghiệp từ sáng kiến ấy: Bước đầu với dịch cá biển thủy phân. Nó như bước ngoặt đưa anh trở về thành phố biển. 

Giữa những năm thập niên 1990, Hồ Trinh tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, sau đó lấy bằng thạc sĩ trường này. Ra trường anh gắn bó đất Sài thành thời gian dài, làm việc cho một số doanh nghiệp lớn ở đây, từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mở TP. HCM. 

Chính những năm tháng ở thành phố sôi động này, anh đã dành thời gian tham khảo, nghiên cứu thành công chế biến dịch cá biển thủy phân từ ứng dụng công nghệ hiện đại, phục vụ cây trồng nông nghiệp. “Nguồn nguyên liệu cá dồi dào cho việc chế biến ấy không đâu bằng ngư trường Bình Thuận”, anh nhớ lại. 

“Với suy nghĩ ấy cũng như tấm lòng nhiệt huyết hướng về nông nghiệp ở quê nhà đã trỗi lên trong tôi bấy giờ, tôi đã rời Sài Gòn trở về thành phố biển Phan Thiết để khởi nghiệp từ sáng kiến thủy phân cá của mình. Tôi biết rằng, con đường khởi nghiệp lắm chông gai”, anh chia sẻ.

Một thạc sỹ bỏ Sài Gòn về quê Bình Thuận "sáng chế" ra thứ phân hữu cơ đem bón thì "cây gì cũng tốt" - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bắt tay chúc mừng Th.S Hồ Trinh được tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông", năm 2020

Chuyện khởi nghiệp ban đầu huy động tổng lực bằng vốn tự có, vay người thân, bạn bè ở thành phố biển, anh thuê khu đất nhỏ ven biển khu phố 5, phường Đức Long làm phân xưởng. 2 máy thủy phân cá ứng dụng công nghệ vi sinh Nhật Bản được lắp đặt theo ý của chủ nhân được anh đưa từ Sài Gòn về phân xưởng. 

Còn nguồn nguyên liệu các loại cá nhỏ còn tươi như ngừ, nục, sòng, trích… được các vựa, chủ tàu quen biết ở cảng Phan Thiết cung cấp sau chuyến biển, giá thành rẻ. Cá tươi sau thủy phân giàu axit amin, phong phú dưỡng chất với nhiều loại cây trồng…

Với cách ủ truyền thống trước đây ngâm ủ cá trong bồn chứa thông thường, ủ môi trường tự nhiên phải từ 3 đến 6 tháng mới ra thành phẩm thủy phân. Giải pháp của Hồ Trinh đã rút ngắn thời gian rất nhiều, bởi nhờ ứng dụng thiết bị công nghệ có tính năng gia nhiệt, đảo khuấy tự động để xúc tác quá trình thủy phân đạm cá protein thành axit amin đạt hiệu suất cao hơn. 

Việc thủy phân được kiểm soát, diệt khuẩn trùng độc hại, khuẩn trùng gây mùi, cho ra sản phẩm hữu cơ sạch hữu ích cho cây trồng. Tôi ngửi thử một chai dịch cá biển thủy phân trong phân xưởng, quả thật không mùi, phảng phất mùi hương nhẹ. 

TS. Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần IP Group TP. Hồ Chí Minh ra Phan Thiết giảng dạy nói rằng: “Tôi dùng mấy chai dịch cá biển thủy phân anh Hồ Trinh tặng tưới cây cảnh, các chậu rau xanh vườn nhà; cây trồng đều sinh trưởng nhanh, ra hoa tươi đẹp, rau ăn giòn, ngọt”.

Một thạc sỹ bỏ Sài Gòn về quê Bình Thuận "sáng chế" ra thứ phân hữu cơ đem bón thì "cây gì cũng tốt" - Ảnh 4.

Th.S Hồ Trinh được Hội Nông dân VN tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ ba, năm 2020

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở KH & CN cho hay: “Sáng kiến của anh Hồ Trinh thiết thực với nông nghiệp. Bởi dịch cá biển thủy phân cung cấp gần đủ 20 loại axit amin cho các loại cây trồng; thông thường cây chỉ tổng hợp được 11 loại, 9 loại axit amin khác phải bổ sung. 

Giải pháp này có thể ứng dụng cho các cây trồng trong tỉnh như lúa, thanh long, cà phê, tiêu, sầu riêng, bưởi da xanh, dưa lưới, táo, rau ăn lá… bởi dưỡng chất hữu cơ tự nhiên thân thiện môi trường, tăng chất lượng nông sản. Giải pháp giảm chi phí phân bón 30 - 50% cho nhà nông, khi dùng dịch cá biển kết hợp các loại phân bón khác”.

Đam mê sáng kiến

Như tâm sự của Hồ Trinh, tấm lòng tâm huyết với nông nghiệp đã hướng anh đam mê nghiên cứu tìm giải pháp thiết thực lĩnh vực này, nhất là cây thanh long quê nhà. Các sáng kiến hữu ích ra đời từ đó. Đó là sáng chế độc đáo: Zắc giăng đèn thanh long lưu động và cách điện (đầu nối điện lưu động) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 22742, có hiệu lực 20 năm. 

Anh chia sẻ rằng: “Tôi trăn trở rất nhiều thực trạng bà con nông dân trong tỉnh giăng đèn thắp sáng cây thanh long ra hoa. Bởi họ thường dùng 2 kim ghim bằng kim loại để trần đâm xuyên qua 2 cực dây điện nguồn. Việc này không ít nguy hiểm, người thao tác sơ suất dễ té ngã vào vườn thanh long trong lúc giăng đèn. 

Trước đây, hầu như năm nào cũng xảy ra tai nạn điện gây chết người trong vườn là vậy. Giải pháp “Zắc giăng đèn thanh long lưu động & cách điện” có cấu tạo đơn giản: Chỉ gồm 2 nguyên liệu nhựa và kim nhọn đúc thành 1 khối nhỏ, giúp bà con nông dân an toàn khi giăng đèn thanh long trái vụ, giảm chi phí đầu tư rất nhiều”.

Một thạc sỹ bỏ Sài Gòn về quê Bình Thuận "sáng chế" ra thứ phân hữu cơ đem bón thì "cây gì cũng tốt" - Ảnh 6.

GS.TS Võ Tòng Xuân (bên phải ảnh) trao bằng tôn vinh "Doanh nhân nông nghiệp tiêu biểu" cho anh Hồ Trinh

Hay như sản phẩm “Khay nhựa bảo vệ bóng đèn compact” do Hồ Trinh làm chủ nhiệm đề tài cùng các tác giả khác được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. 

Ở thủ phủ thanh long Bình Thuận, nông dân sử dụng số lượng bóng đèn compact rất lớn vào mỗi mùa rồng xanh ra hoa trái vụ, nhưng bóng rất dễ vỡ. 

Sáng kiến khay nhựa có kiểu dáng hình trụ đựng 50 bóng, xếp chồng lên nhau, giúp người trồng giảm chi phí, thuận tiện vận chuyển, bảo quản bóng đèn, tránh chuột bọ cắn phá dây điện, chống bụi bẩn, tiết kiệm thể tích kho chứa; bà con thao tác dễ dàng khi giăng, tháo bóng. 

Trong đại dịch Covid-19, Hồ Trinh đã tìm tòi cho ra sản phẩm “Máy tự động phun cồn khử khuẩn tay, nước rửa tay dùng hương liệu thảo mộc”; anh tài trợ 50 máy tự động, hàng trăm lít nước cồn trị giá hơn 50 triệu đồng cho nhiều trường tiểu học trong tỉnh, cơ quan, sở ngành tại TP. Phan Thiết.

Một thạc sỹ bỏ Sài Gòn về quê Bình Thuận "sáng chế" ra thứ phân hữu cơ đem bón thì "cây gì cũng tốt" - Ảnh 8.

Anh Hồ Trinh khởi nghiệp từ máy thủy phân cá biển

Niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ứng dụng hữu ích cây trồng nông nghiệp, Hồ Trinh được các cấp Trung ương, địa phương tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. 

Vinh dự nhất, thạc sĩ Hồ Trinh được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao bằng chứng nhận của Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ ba, năm 2020. GS. TS Võ Tòng Xuân trao biểu tượng của VCCI tôn vinh “Doanh nhân nông nghiệp tiêu biểu” cho Hồ Trinh. 

Cùng đó, Trung ương Hiệp hội Trang trại & Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã tôn vinh anh “Có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam”. 

Tại địa phương, Hồ Trinh được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tặng danh hiệu “Trí thức tiêu biểu về Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Thuận” lần thứ II năm 2020. Các sáng kiến của anh đoạt các giải cao qua Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận nhiều năm nay.