Lý do được Bộ này đưa ra là để đảm bảo giá xăng dầu sát với giá thị trường. Đây là nội dung được đưa ra tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.
Theo phương án Bộ Công Thương đưa ra, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được ấn định vào thứ năm hàng tuần, Tết Nguyên đán được ngoại trừ 3 ngày (1-3).
Nghị định 95/2021 hiện quy định thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến các Bộ, ngành và doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đồng tình đề xuất hai phương án điều hành giá.
Tại phương án 1, giữ nguyên thời gian điều hành giá 10 ngày một lần (vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng); tại phương án 2, rút ngắn xuống còn 7 ngày như đã nêu trên.
Lý giải chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, không kể ngày nghỉ lễ, chỉ trừ Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cho rằng: Việc này là để đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới.
Thêm nữa, việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Về tác động, Bộ Công Thương cho rằng việc rút ngắn xuống 7 ngày cũng gây khó cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu bởi thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam mất trung bình từ 13-15 ngày.
Vì vậy, khi thị trường bất ổn, giá xăng dầu nhập cao, về nước lại giảm mạnh sẽ khiến ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu ngắn đòi hỏi doanh nghiệp phải có lượng trữ kho xăng dầu lớn, trong điều kiện giá bình thường, không tăng nhanh, giảm mạnh, việc điều chỉnh này không tác động tiêu cực tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi có các yếu tố bất lợi như giá đầu vào tăng, giá bán thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lợi nhuận, thậm chí khiến doanh nghiệp thua lỗ, phá sản.