Các loại cá sốc, cá hồng nhao nướng dằm với mắm ớt ngò gai, chấm với đọt rau lang, rau cải non, đọt bí, đọt bầu...; cá rói thì kho với bông nhím nêm với ớt xiêm; cá mương băm nhỏ vò viên nấu cháo gạo lúa đỏ, hay làm từng miếng chiên dầu hoặc mỡ cuốn với rau rừng, chấm mắm nêm ngon lạ lùng.
Có lúc bắt được cá sốc, cá rói nhiều ăn không hết thì người dân xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, (tỉnh Phú Yên) kẹp gắp phơi trên gác bếp hong khô, để nấu canh với cà nút áo hoặc để dành những khi thiếu thực phẩm.
Bà con dân làng cho biết, trên dòng sông Cà Lúi xưa kia có các loại cá sấu, rái cá, cá chình..., đặc biệt là con hà mã, dân địa phương gọi là trâu nước sinh sống ở vực Tròn, vực Dao Chìm...Nhưng những loài này đã mất dạng từ lâu. Các loại cá khác chủ yếu ở vực Toác, vực Mó Rác và dưới dòng thác Rù Rì...
Tôi nhớ có lần về xã Phước Tân, được già làng Sô Minh Trị ở buôn Ma Hóa đãi một bữa cơm với cá đá nướng than trong bẹ chuối hột, chấm với muối ớt xiêm; cá hồng nhao nấu canh chua với lá nho rừng và lá dít, có vị thơm rất đặc trưng núi rừng.
Các món cá suối, cá sông này ăn cơm với gạo lúa to trâu trỉa rẫy, bữa cơm dân dã, ăn no cành hông.
Sông Cà Lúi ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) không chỉ có các loại cá ngon, mà còn có những thác ghềnh hùng vĩ, những cây cổ thụ tỏa mát soi bóng hai bên dòng sông, một bức tranh sơn thủy đẹp đến nao lòng.
Những ngày lễ, Tết, thanh niên ở địa phương và các vùng lân cận thường đến dòng sông Cà Lúi đánh bắt cá, chiêm ngưỡng không gian đại ngàn và tận hưởng không khí trong lành nơi đây.