Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Nên cho doanh nghiệp quyền tự quyết định chọn đầu mối nào, chỉ nên quy định muốn thay đổi đầu mối thì phải có bước đi, thủ tục ra sao, làm sao doanh nghiệp kinh doanh ông A trong 1 thời gian, thấy ông B, C có chiết khấu tốt hơn thì có thể chuyển sang được. Đó mới là tuân thủ thị trường cạnh tranh.
"Với sự công khai, minh bạch, dưới sự giám sát của tổ chức xã hội để thị trường minh bạch hơn", TS Doanh nói.
Về việc thay đổi điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 7 ngày (ấn định thứ 5 hằng tuần), ông Doanh cho rằng, Bộ Công Thương nên cùng với hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi, tình hình thực tế của Việt Nam như vậy thì điều hành mấy ngày phù hợp, để doanh nghiệp có tiếng nói của mình để khi thực hiện cũng không thấy bị áp đặt.
Theo ông Giang Chấn Tây, Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh: "Sau khi đọc xong dự thảo, tôi quá bất ngờ và sững sờ!"
"Họ (Bộ Công Thương. - PV) sửa Nghị định mà cũng y như là không sửa. Tôi tiếc thời gian qua tôi đã bỏ công sức ra kiến nghị, góp ý", ông Tây nhấn mạnh.
Theo ông này, việc không giới hạn tỷ lệ chiết khấu tối thiểu và lý do được Bộ Công Thương đưa ra là chưa thuyết phục. "Doanh nghiệp đầu mối quá nhiều quyền, để rồi họ muốn ban phát cho doanh nghiệp bán lẻ thế nào cũng được".
Hơn thế, theo ông Tây, không cho đại lý bán lẻ quyền nhập xăng dầu từ 2-3 nguồn thay vì một nguồn như hiện nay vô tình tạo ra độc quyền của kênh phân phối xăng dầu. Trong khi giải pháp chống độc quyền cung ứng là phải giải quyết nhanh thủ tục chấm dứt mua, ký mới hợp đồng mua bán xăng dầu giữa đại lý bán lẻ với thương nhân không được quy định, sửa đổi, khiến đại lý bán lẻ có cảm giác không được bảo vệ, và Bộ Công Thương vẫn chưa lắng nghe doanh nghiệp.
Ông Tây cho biết, hiện cho chiết khấu cho đại lý cuối cùng chỉ 200 đồng/lít, trong khi bình quân cửa hàng bán 1000 lít/ngày, trung bình có hai nhân viên trực bán.
"Một tháng, mỗi người phải 15 triệu tiền lương, tương đương 500.000 đồng/ngày, chưa kể điện nước, tiền vay ngân hàng… Chừng ấy thôi, doanh nghiệp xăng dầu đã lỗ 300 đồng/ ngày tiền lương nhân viên rồi", ông Tây phân tích.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Trong dự thảo Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, với mục tiêu giải quyết được chênh lệch giá xăng dầu trong nước và thế giới, tiến tới giá bán cạnh tranh.
Nhiều người cho rằng, Việt Nam đã có các nhà máy lọc hoá dầu ở Nam Trung Bộ (Dung Quất) và Bắc Trung Bộ (Nghi Sơn), hoàn toàn có quyền điều chỉnh giá xăng dầu ngắn hơn 3-7 ngày, thậm chí theo ngày như Singapore.
Ông này cho rằng: Chuyện điều hành xăng dầu ở Việt Nam khác với Singapore. Singapore là điểm trung chuyển xăng dầu khu vực, xăng dầu cập đỗ ngay ở cảng, xăng dầu ở Singapore nằm ngay ở cảng nên họ có thể chủ động được phân phối. "Sở dĩ điều chỉnh hằng ngày được là do sẵn có và là nước "chia bài".
Còn Việt Nam thì sao? Chúng ta vẫn phụ thuộc nhập khẩu từ 20-25% xăng dầu từ nước ngoài. Thông lệ thương mại quốc tế và giao nhận vận tải, nếu mua khối lượng ít, chúng ta phải phụ thuộc vào chuyến hàng, mua nhiều thì phải thuê riêng tàu. Hiện nay, Việt Nam chỉ nhập từ 20-25% thì không thể thuê tàu riêng hàng trăm nghìn, đến hàng triệu tấn được.
Ông Thịnh nói: Các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay chủ yếu nhập xăng dầu theo kỳ hạn trung bình 6 tháng, nếu giao ngay trong tháng chấp nhận giá thị trường, giao đến tay khách mua cũng phải mát 15 ngày đàm phán phương tiện vận tải, giao nhận và phân phối.
Việc cho rằng Việt Nam chủ động được lọc hoá dầu thành xăng dầu nên chúng ta có thể điều chỉnh giá xăng theo 3-7 ngày hoặc ngắn hơn, điều này chỉ đúng một phần thôi. "Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu, đều nằm ở miền Trung, không phải các đầu mối đến Dung Quất hay Nghi Sơn là có thể lấy xăng, mà giá xăng dầu bán lẻ căn cứ trên giá cơ sở, tồn kho và phân giao đầu mối. Hơn nữa, Việt Nam cũng phải nhập khẩu dầu thô, cũng theo kỳ hạn, chính vì vậy phải tuân thủ theo mức giá của thế giới", ông Thịnh cho hay.
Về kiến nghị cho đại lý bán lẻ có quyền nhập xăng dầu từ 2-3 đầu mối, thương nhân, cùng đó là quy định tỷ lệ chiết khấu tối thiểu, ông Thịnh cho biết: "Đây là các vấn đề thị trường quyết định, không nên quy định cứng".
Đối với chiết khấu, "theo tôi nên để thị trường quyết định, không nên quy định cứng để khiến méo mó thị trường và có thể quy định tỷ lệ chiết khấu tối thiểu đúng lúc này, nhưng có thể sẽ sai lúc khác, nhất là trong điều kiện bình thường. Với chiết khấu, phải mua nhiều, chiết khấu nhiều, bán được nhiều, chiết khấu cao, ngành nghề nào cũng vậy. Năng lực bán lẻ tốt thì được hưởng cao, bán bằng 1/10 chỗ khác, vẫn được hưởng chiết khấu tối thiểu, thì họ không có động lực để cố gắng", ông Thịnh nói.
Hiện cả nước có 38 đầu mối kinh doanh được quyền nhập khẩu xăng dầu trong ngoài nước, trong đó có 4 doanh nghiệp chỉ cung cấp xăng dầu cho hàng không. Hệ thống cửa hàng phân phối bán lẻ 17.000 đại lý, cửa hàng xăng dầu, theo nhiều chuyên gia đây là mạng lưới dày và chứng tỏ việc kinh doanh thời gian qua mở rộng, thị trường phát triển lớn mạnh.
Tuy nhiên, việc điều tiết tăng chất lượng đại lý cũng cần tính đến, trong đó có giải pháp tái cơ cấu lại hệ thống đại lý, sao cho chất lượng tốt hơn thay vì mở rộng thêm số lượng.
Về việc cho doanh nghiệp bán lẻ quyền lấy xăng dầu từ 2-3 nguồn thay vì 1 nguồn như hiện nay, ông Thịnh khẳng định: Quy định này khó khả thi và không nên.
"Nhiều năm qua, chúng ta duy trì hệ thống đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối và đầu mối vẫn ổn định, không có vấn đề gì", vị chuyên gia nói.
Ông Thịnh nhấn mạnh, xăng dầu đến tay người tiêu dùng phải qua phối trộn để ra xăng dầu Ron 95, 92, E5, rồi E7, tiến tới E10… không phải đầu mối nào cũng có thể có công nghệ phối trộn đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực chất lượng được. Chính vì vậy, đại lý chỉ cần lấy từ một nguồn để đảm bảo chất lượng xăng dầu, tránh xăng dầu lậu.
"Hơn nữa, việc lấy xăng dầu từ một nguồn là để đảm bảo tính toàn tỷ lệ tồn kho, phân giao. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải xăng tồn kho thừa, bán lúc nào cũng được mà tỷ lệ tồn kho được quy định nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy, nếu việc phân giao không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phân giao và tổng cung thị trường", vị này cho biết.
Theo các chuyên gia, thay vì việc cho phép đại lý bán lẻ được nhập từ 2-3 thương nhân, đầu mối, giải pháp căn cơ, dài hạn là cần nâng cao tính cạnh tranh là phải cải cách thủ tục hành chính.
"Bộ Công Thương cần đưa ra quy định đại lý được quyền từ chối hoặc mua xăng từ một nhà phân phối khác nếu hai bên không có chung tiếng nói, thời hạn giải quyết thủ tục cũ và cấp mới chỉ trong vòng 5-7 ngày", TS Lê Đăng Doanh nêu.
Theo ông Doanh, hiện việc ngưng hoặc ký hợp đồng mua mới mất thời gian khá dài, thậm chí cả 1-2 tháng, đại lý bán lẻ cũng bị ràng buộc bởi hợp đồng 01 năm. Chính vì vậy, chính sách pháp luật đang bảo vệ thương nhân phân phối, tổng đại lý, còn đại lý bán lẻ hiện nay không được bảo vệ.