Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu yếu trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm khiến giá dầu thô có tuần lao dốc mạnh, tuột mốc 80 USD/thùng.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 9/1 (6h50 theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 74,083 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 78,849 USD/thùng.
Tuần vừa qua là tuần đầu năm yếu nhất của giá dầu trong nhiều thập kỷ. Cả hai mặt hàng dầu chuẩn Brent và WTI đều “trượt” sâu tới gần 9% xuống dưới mức 80 USD/thùng. Giá dầu Brent đóng cửa giao dịch trong tuần ở mức 78,57 USD/thùng; giá dầu WTI đóng cửa ở mức 73,77 USD/thùng.
Sự “lao dốc không phanh” của giá dầu là bởi nhu cầu yếu do hiệu quả kinh tế chậm chạp trên khắp châu Âu, châu Á và Mỹ, cùng với việc các ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng ở Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này đang gỡ bỏ những hạn chế dịch, mở cửa biên giới từ 8/1.
Mặc dù giá dầu trải nghiệm tuần đầu tiên của năm 2023 trong sắc đỏ, nhiều nhà phân tích vẫn lạc quan về việc giá dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm.
Sau kỳ nghỉ lễ, giá dầu thô bước vào phiên giao dịch ngày 3/1 với xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thắt chặt lấn át những lo ngại suy thoái và dịch Covid-19 ở Trung Quốc đe dọa triển vọng tiêu thụ dầu.
Theo kế hoạch, Nga sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 5-7% vào đầu năm 2023.
Tại Mỹ, thời tiết khắc nghiệt đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất năng lượng tại khu vực, trong khi nước này cũng có kế hoạch mua dự trữ thêm 3 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược vào đầu tháng 2/2023.
Trong khi nguồn cung dầu đang bị thắt chặt, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu lại đang khá tích cực trước quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Ở diễn biến khác, OPEC+ được dự đoán sẽ vẫn giữ nguyên mức chính sách giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày như đã áp dụng trong những tháng vừa qua.
Tuy nhiên, khi những dự báo không lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và đồng USD mạnh hơn, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh.
Cụ thể, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, những động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đang giảm tốc và năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn năm 2022.
Trước đó, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bất ổn. Trong đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra trước đó; Fitch Ratings (FR) điều chỉnh mức dự báo từ 1,7% xuống còn 1,4%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ dự báo xuống còn 2,2% trong năm 2023, giảm mạnh từ mức 3,1% của năm 2022.
Ở diễn biến mới nhất, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục ghi nhận dữ liệu không mấy lạc quan. Theo đó, Chỉ số nhà quản lý mua hàng lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã giảm từ mức 49,4 trong tháng 11/2022 xuống 49 trong tháng 12/2022.
Đà giảm của giá dầu tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch ngày 5/1 khi các dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có vai trò dẫn dắt như Mỹ, Trung Quốc, EU… ngày một rõ ràng.
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc gia tăng cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về việc tiêu thụ dầu thô ở nước này.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, giá dầu thô đang chịu áp lực lớn về các cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu, tiến trình phục hồi mờ nhạt của Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 mới và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc yếu hơn là việc chính phủ nước này mới đây đã tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế.
Giá dầu có xu hướng giảm mạnh còn do Saudi Arabia được cho là đang cân nhắc tiếp tục giảm giá bán đối với các loại dầu thô Arab Light bán cho thị trường châu Á từ mức thấp nhất 10 tháng trong tháng này do lo ngại dư cung.
Giá dầu chỉ lấy lại được đà tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần khi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng thấp hơn dự báo, trong khi xăng và các sản phẩm chưng cất giảm mạnh.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ 15h ngày 3/1. Giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 3/1/2023 sau biến động tăng lên của giá xăng dầu thế giới và sau khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường mới.
Cụ thể, theo thông báo của các doanh nghiệp xăng dầu, từ 15h ngày 3/1, giá xăng E5 tăng 330 đồng/lít, giá bán là 21.350 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 350 đồng/lít, giá bán 22.150 đồng/lít. Giá dầu diesel giữ nguyên (giá bán là 22.150 đồng/lít). Dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, giá bán là 22.760 đồng/lít.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 9/1 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.352 đồng/lít (tăng 332 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 802 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.154 đồng/lít (tăng 347 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 22.151 đồng/lít (giữ nguyên so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 22.767 đồng/lít (tăng 601 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.740 đồng/kg (tăng 107 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Cũng theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành này, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng tăng giá của giá xăng dầu thế giới và thuế bảo về môi trường (theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban thường Vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023) nên để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các loại xăng dầu, trong đó ngừng trích lập với xăng và dầu mazut do giá tăng cao, bên cạnh đó thực hiện chi Quỹ BOG với xăng và dầu mazut để hạn chế mức tăng giá cao so với giá kỳ trước.
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/12/2022-03/01/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; việc Nga có khả năng cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đối với các quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu,…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/12/2022 và kỳ điều hành ngày 03/01/2023 là: 89,110 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 5,897 USD/thùng, tương đương tăng 7,08% so với kỳ trước); 92,513 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 5,217 USD/thùng, tương đương tăng 6,04% so với kỳ trước); 114,617 USD/thùng dầu hỏa (tăng 5,640 USD/thùng, tương đương tăng 5,17% so với kỳ trước); 113,466 USD/thùng dầu điêzen (tăng 0,969 USD/thùng, tương đương tăng 0,86% so với kỳ trước); 397,361 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 29,293 USD/tấn, tương đương tăng 7,95% so với kỳ trước).
Đáng lưu ý, tại kỳ điều chỉnh giá hôm 3/1, cơ quan điều hành tiếp tục không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 và RON 95; trích lập quỹ với dầu diesel là 605 đồng/lít, dầu hỏa 200 đồng/lít, dầu mazut 100 đồng/kg.
Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước còn tăng theo giá xăng dầu thế giới và thuế bảo vệ môi trường, áp dụng từ 1/1- hết 31/12/2023) nên liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các loại xăng dầu, trong đó ngừng trích lập với xăng và dầu mazut do giá tăng cao; chi quỹ với xăng và dầu mazut.
Từ ngày 1/1, giá bán lẻ xăng dầu đã được cập nhật mới, với mức tăng khá cao sau khi Quốc hội thông qua thuế bảo vệ môi trường mới với xăng dầu.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 1.045 đồng/lít, giá bán không quá 21.020 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 1.100 đồng/lít, giá bán không cao hơn 21.807 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 550 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.151 đồng/lít.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, kỳ điều hành giá vẫn theo quy định là ngày 3/1/2023. Nhưng từ 0h ngày 1/1/2023, giá xăng dầu được “điều chỉnh” là theo mức thuế bảo vệ môi trường mới.
"Lưu ý là chỉ cập nhật mức thuế bảo vệ môi trường mới vào giá của kỳ hiện hành", đại diện Bộ Công Thương lưu ý.
Được biết, Bộ Công Thương lại đề xuất giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu. Bộ Công Thương cho rằng phương án chuyển việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối và phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương vừa gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Trong dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Trước khi lựa chọn phương án này, Bộ Công Thương có đưa ra ba phương án. Phương án 1 là giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
Phương án 2 là việc điều hành giá xăng dầu và rà soát, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính thực hiện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và chức năng nhiệm vụ được giao.
Phương án 3 là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương.
Sau khi phân tích ưu, nhược của cả ba phương án, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2. Bộ này lý giải chọn phương án nói trên nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối và phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.