Dân Việt

Luỹ tre bảo vệ biên thùy

Gia Tưởng 23/01/2023 10:00 GMT+7
Mùa xuân lên biên thùy xứ Lạng, chúng tôi sẽ bắt gặp những nụ cười chan chứa niềm tin của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao... Bà con đã và đang cùng bộ đội biên phòng Lạng Sơn trồng những khóm tre đầu tiên nơi mốc giới, trong tương lai gần sẽ có những thành lũy xanh góp phần bảo vệ vững chắc biên cương.

Bảo vệ biên giới xanh

Nghe chúng tôi trình bày muốn đi thực tế về cuộc sống và hoạt động của bộ đội biên phòng, đại tá Trịnh Hữu Tăng - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn gợi ý: "Các bạn chịu khó đi đồn Ba Sơn ở huyện Cao Lộc một chuyến, ở đó bộ đội mình cùng bà con nhân dân đang có phong trào trồng tre, tạo hành lang xanh bảo vệ biên giới".

Là người bám trụ ở Lạng Sơn nhiều năm qua, tôi đã biết đồn Ba Sơn cũng chỉ cách trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn 40km. Nhưng để đến được đó thì phải mất vài giờ đi xe ô tô, vì đường đi quá xấu. Có thể nói đường đến đồn Ba Sơn là con đường đau khổ của cán bộ chiến sĩ và đồng bào nơi đây bởi vô số ổ voi, ổ trâu, và cũng là con đường tới đồn tệ nhất của toàn Bộ đội Biên phòng xứ Lạng hiện giờ.

tat/Luỹ tre bảo vệ biên thùy   - Ảnh 1.

Đồn trưởng Đặng Hùng Cường và Chính trị viên phó đồn Ba Sơn bàn giao nhiệm vụ. Ảnh: G.T

"Mình là người dân sống nhiều đời ở đây, thấy trồng tre bảo vệ đường biên rất hợp lý. Người dân hàng ngày lên đây chăm sóc, thu hái măng cũng sẽ là những vọng gác thường xuyên nơi biên giới, có điều gì bất thường sẽ báo với bộ đội biên phòng để xử lý kịp thời".

Anh Lương Văn Đài

Ngồi chiếc xe ôtô 2 cầu, chúng tôi đi như rùa bò trên con đường tới 2 xã biên giới Cao Lâu, Xuất Lễ của huyện Cao Lộc, cũng mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới thấy cánh cổng Đồn biên phòng Ba Sơn sau lớp bụi mù. 

Trung tá đồn trưởng Đặng Hùng Cường - tác giả của ý tưởng "lũy tre biên giới Việt" vồn vã đón chào chúng tôi, nhưng cũng chỉ dành được ít phút vì: "Các anh thông cảm, hôm nay huyện Cao Lộc diễn tập phòng thủ cụm, gồm 4 đồn biên phòng, có tổ chức bắn đạn thật. Là chỉ huy đơn vị nên mình phải có mặt cùng bộ đội diễn tập". 

Anh Cường chia sẻ thêm, sau nhiều lần suy nghĩ, anh nảy ý tưởng xây dựng lũy tre để bảo vệ biên giới một cách vững chắc. Ý tưởng này đã được cấp trên ủng hộ, chính quyền địa phương đồng thuận, và nhất là bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn đồn đóng quân (gồm 3 xã Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn) rất đồng lòng. Đầu tháng 9/2022, Đồn biên phòng Ba Sơn đã cùng với bà con ra quân trồng 3.500 khóm tre đầu tiên ở các mốc giới 1193, 1195, 1189. Đây là giống tre Bát Độ được đồn lựa chọn kỹ từ vùng đất Tổ Phú Thọ. Qua trồng thử nghiệm thì giống tre này rất phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, chỉ 2 năm sau là tạo nên những hàng rào vững chắc, đồng thời sẽ cho măng - tạo ra sinh kế không nhỏ cho bà con các dân tộc nơi đường biên này.

Đã đến giờ phải xuất phát đến thao trường, anh Cường giao nhiệm vụ đưa chúng tôi tới thăm cột mốc và kiểm tra tre mới trồng cho Chính trị viên phó, thiếu tá Lương Văn Tuấn - một cán bộ người dân tộc Mông. Chúng tôi thở phào khi thiếu tá Tuấn thông tin: "Các anh yên tâm, tuy từ đồn đến mốc giới dài 20km thôi, nhưng đường bê tông đẹp lắm rồi. Xe ôtô của chúng ta sẽ đi đến tận tổ công tác Tân Cương ở xã Xuất Lễ, do cán bộ chiến sĩ của Đồn Ba Sơn đang đóng ở đó từ khi dịch Covid-19 bùng phát…".

Quân - dân cùng chăm tre

tat/Luỹ tre bảo vệ biên thùy   - Ảnh 3.

Bộ đội và nhân dân chăm sóc những khóm tre mới trồng. Ảnh: G.T

Thiếu tá Nguyễn Văn Hướng (sinh năm 1980) - Tổ trưởng tổ công tác Tân Cương, đã đợi sẵn chúng tôi để đi lên mốc, cạnh chiếc xe máy có buộc sẵn một con dao quắm để phát cỏ. Trên đường chạy lên mốc, chiếc xe máy do anh Hướng chở tôi cứ mấy lần chực nhấc bổng đầu lên vì dốc, hay loạng choạng do đường lầy. 

Chưa đầy nửa giờ ngồi xe máy từ nơi tổ công tác Tân Cương đóng, đường biên đã hiện ra rất rõ ràng. Bên phần đất nước bạn, đã có một hàng rào cứng kiên cố, được phủ kín dây thép gai và cao đến 5m. Ngay bên cạnh hàng rào đó là những khóm tre Bát Độ của quân và dân chúng ta mới trồng đã bắt đầu đâm mầm phát triển.

Vừa vung dao phát những đám cỏ xung quanh các khóm tre, thiếu tá Hướng nói: "Để có những khóm tre này, bộ đội cùng người dân đã phải gánh bộ lên tới đây để trồng, mang từng can nước tưới đảm bảo trồng khóm nào sống khóm đó. Hơn nữa, tuần nào chúng tôi cũng đi thăm, kiểm tra, rồi phát dọn cỏ, vì ở đây chỉ vài tuần không để ý tới, là cỏ mọc ăn mất chất dinh dưỡng của tre. Nếu tính toán đúng thì chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ có những hàng rào bằng tự nhiên kiên cố, đảm bảo che chắn biên giới rất tốt và tăng cường cho công tác bảo vệ đường biên ngày càng vững chắc hơn, lại không phải bảo dưỡng vì hỏng hóc xuống cấp như hàng rào cứng bằng sắt thép...".

Cùng bộ đội và chúng tôi đi thăm, chăm sóc những khóm tre nơi đường biên là anh Lương Văn Đài (sinh năm 1987), nhà ở thôn Tân Cương chỉ các đường biên vài trăm mét. Anh Đài bảo, trước kia đường biên giới chưa rào chắn, thì bà con vẫn qua lại thăm thân, tảo mộ cuối năm. Vì tuy là công dân 2 nước nhưng thực tế thì ở đây bà con họ hàng với nhau khá nhiều. Hàng xóm làm hàng rào cứng thế này thì bây giờ bà con chịu không giao lưu được nữa. Mình là người dân sống nhiều đời ở đây, thấy trồng tre bảo vệ đường biên rất hợp lý. Người dân hàng ngày lên đây chăm sóc, thu hái măng cũng sẽ là những vọng gác thường xuyên nơi biên giới, có điều gì bất thường sẽ báo với bộ đội biên phòng để xử lý kịp thời.

Đứng từ cột mốc 1193 nhìn xuống thôn Tân Cương (xã Xuất Lễ) thấy đa số là những căn nhà gác được xây vừa đẹp mắt vừa kiên cố. Trong đó nổi bật nhất là ngôi nhà kiểu biệt thự sơn trắng của gia đình anh Lương Văn Đài. 

Anh Đài bảo: "Tất cả đều nhờ trồng rừng. Những năm gần đây nhựa thông có giá ổn định, nên bà con chúng tôi xây được nhà ở kiên cố, có điện và có internet tốc độ cao… Người dân có được cuộc sống như hôm nay phần lớn là do bộ đội biên phòng luôn đồng hành cùng bà con nơi biên giới. Tôi và bà con đều tin tưởng là mỗi khóm tre mà bộ đội và dân thôn mình trồng sẽ góp phần bảo vệ biên giới vững chắc hơn nữa, cho bà con yên tâm sinh sống và làm giàu ngay trên chính quê hương mình".