Chuyện nhà văn vùng cao và hành trình giải mã điều bí ẩn xung quanh bản thảo gốc "Nhật ký trong tù"

Lương Kết Chủ nhật, ngày 22/01/2023 15:19 PM (GMT+7)
Ít ai biết sau hoàn khi thành vào năm 1943, tác phẩm "Nhật ký trong tù" chìm trong bộn bề và biến động của lịch sử, mãi đến năm 1960, tác phẩm xuất hiện dưới hình thức bản dịch tiếng Việt, đến với đông đảo công chúng. Vậy trong những năm tháng đó, bản thảo cuốn "Nhật ký trong tù" đã ở đâu?
Bình luận 0

Năm nay 2023 - tròn 80 năm lãnh tụ Hồ Chí Minh hoàn thành bản thảo "Nhật ký trong tù", cũng là tròn 80 năm Người ra khỏi lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch (tháng 9/1943). "Nhật ký trong tù" - cuốn sổ tay ghi các bài thơ chữ Hán và một số nội dung luôn đi theo Người cho tới khi về nước trong bối cảnh công việc cách mạng cuốn hút khẩn trương… Trước khi được dịch sang tiếng Việt, trong những năm tháng đó, bản thảo cuốn "Nhật ký trong tù" đã có một thời gian dài rời xa chủ nhân.

Ngược dòng lịch sử

80 năm ngày Hồ Chí Minh hoàn thành bản thảo "Nhật ký trong tù" - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (phải) chụp tại nơi Bác Hồ từ Pắc Bó về Lam Sơn làm việc tháng 4/1942. Ảnh: N.V

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên sinh năm 1948, dân tộc Tày, quê Cao Bằng. Ông là tác giả của cuốn "Đi tìm Nhật ký trong tù" và các tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ như "Trông vời cố quốc", "Mặt trời Pác Bó", "Giải phóng"…

Chúng tôi lên Cao Bằng, tìm đến nhà của ông Hoàng Quảng Uyên - nhà văn người dân tộc Tày - vào một ngày cuối năm Nhâm Dần 2022, để nghe ông kể về hành trình ngược dòng lịch sử ly kỳ của mình nhằm giải mã cho điều bí ẩn xung quanh bản thảo gốc "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên cho biết: Năm 2003, ông đọc được bài báo đăng trên báo Nhân Dân nói về bản thảo gốc cuốn "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ bị "thất lạc" ở Cao Bằng, đến năm 1955 mới tìm thấy và trở về với Bác. Bài báo có nội dung: "Một hôm, vào khoảng giữa năm 1955…, tại Văn phòng giúp việc cho Bác, đồng chí Tạ Quang Chiến đang ngồi nhận số công văn các nơi gửi đến thì thấy trong số đó có một phong bì dày cộm hơn các phong bì công văn khác. Ngoài phong bì cồm cộm này không đề tên ai gửi mà chỉ biết từ Cao Bằng gửi đến ghi là: "Gửi Văn phòng Chủ tịch phủ để trình lên Bác Hồ". Khi bóc phong bì ra thấy một cuốn sổ nhỏ viết bằng chữ Hán… Cầm cuốn sổ nhỏ này xem qua một lượt, niềm vui của Bác hiện ra rõ trên nét mặt. Bỗng Bác nắm chặt tay đồng chí Tạ Quang Chiến nói: "Bác cảm ơn chú".

Lặng giây lát, Bác nói tiếp rất cảm động với đại ý: Qua kháng chiến 9 năm, Bác tưởng nó thất lạc đâu rồi. Bác chỉ nhớ mang máng khi ở Cao Bằng, công việc cách mạng cuốn hút khẩn trương, Bác gửi lại giắt nó trên mái tranh của một nhà đồng bào... Rồi Bác nói là Văn phòng nên có thư cảm ơn và thưởng cho người giữ nó và chuyển đến đây tài liệu này".

80 năm ngày Hồ Chí Minh hoàn thành bản thảo "Nhật ký trong tù" - Ảnh 3.

Bản gốc viết tay “Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh (hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Ảnh: V.T

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên cho hay: "Bản thảo cuốn "Nhật ký trong tù" bị thất lạc như thế nào, ai đã giữ sau đó gửi về Hà Nội cho Bác là điều bí ẩn. Tôi thấy việc này nếu làm rõ ngọn ngành sẽ có nhiều điều thú vị cho lịch sử. Không ai phân công một người viết báo, viết văn tự do như tôi đi làm việc ấy, nhưng là người con của quê hương cách mạng đã thôi thúc tôi ngược dòng lịch sử tìm hiểu hành trình bản thảo "Nhật ký trong tù" lưu lạc".

Chuyện nhà văn vùng cao và hành trình giải mã điều bí ẩn xung quanh bản thảo gốc Nhật ký trong tù - Ảnh 4.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên. Ảnh PV

Nơi đầu tiên ông Hoàng Quảng Uyên tìm đến trong hành trình của mình là Ban Quản lý Di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng, tuy nhiên không thu thập được thông tin gì. Ông tìm về Hà Nội gặp ông Hồng Khanh –tác giả bài báo đăng trên báo Nhân Dân, nhưng cũng chẳng có thông tin gì hơn ngoài những điều đã viết trong bài. Ông Khánh khuyến khích việc làm của ông Uyên nhưng cũng nói "khó lắm".

Ông Uyên tiếp tục tìm gặp cụ Tạ Quang Chiến, và cụ Chiến đã khuyên ông tìm về Cao Bằng, xem gia đình nào giữ được thư khen của Bác Hồ (nếu có) về việc lưu giữ bản thảo gốc. Lời khuyên có lý nhưng việc đó rất mông lung, vì thời gian đã lâu, vùng biên giới Cao Bằng còn trải qua chiến tranh năm 1979, tài liệu, giấy tờ của cá nhân và các cơ quan đã mất gần hết.

Để bổ sung cho những thiếu hụt, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã tìm thêm tài liệu lịch sử đã được in thành sách và tài liệu chưa in để tìm kiếm manh mối. Tài liệu ghi rõ: Bác Hồ trở về nước sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch vào ngày 20/9/1944. Bác không về Pác Bó như lần đầu (tháng 1/1941) mà đến vùng Nà Sác (Hà Quảng- toàn xã là Việt Minh). 

Thời kỳ đó địch khủng bố trắng, nhân dân tan tác khắp nơi, dân vùng Pác Bó dạt về Lũng Ỷ, Lũng Cát, cả gia đình ông Dương Văn Đình (người anh em kết nghĩa với Bác) cũng sơ tán về đây… Ông Hoàng Quảng Uyên tìm đến các vùng đất này đôi lần nhưng không có kết quả gì. Ông tiếp tục lần tìm đến các địa chỉ khác theo tư liệu nơi Bác đã lưu lại trên mảnh đất Cao Bằng khi từ Pác Bó về Tân Trào, thời gian của các đợt tìm kiếm tính ra gần một năm nhưng vẫn không có manh mối.

Từ chi tiết rất nhỏ..

Trong khoảng lặng giữa những đợt tìm kiếm, nhà văn Hoàng Quảng Uyên tiếp tục tìm đọc liên quan đến lịch sử cách mạng Cao Bằng, chủ yếu là hồi ký của những người đã được gặp Bác và các đồng chí cùng làm việc với Bác năm 1944 -1945. Trong số những bài hồi kỳ cách mạng đã đọc, ông Uyên đặc chú ý đến bài "Bác lại về Lam Sơn" của ông Hoàng Đức Triều (in trong cuốn hồi ký "Bác Hồ về nước"). Hồi ký kể lại khoảng thời gian ngắn Bác Hồ dừng lại ở Lam Sơn (huyện Hòa An, Cao Bằng) trên đường từ Pác Bó về Tân Trào. Trong những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa khí thế cách mạng dâng cao, Người đã đàm đạo thơ với các đồng chí của mình, trong đó có ông Hoàng Đức Triều…

Từ nội dung của hồi ký trên, ông Uyên đã định hướng mới cho cuộc tìm kiếm. Ông tìm đến Lam Sơn khảo sát nhiều lần, gặp nhà thơ Hoàng Triều Ân và ông Hoàng Tuấn Nam (2 con của ông Hoàng Đức Triều) và đã thu được một số chi tiết quan trọng.

Ông Hoàng Triều Ân (người tuyển chọn cuốn "Bác Hồ về nước") khẳng định thời gian đến Lam Sơn, Bác có đàm đạo thơ với ông Hoàng Đức Triều, đọc và bình một số bài thơ trong cuốn sổ tay giấy mềm, rồi "để quên" nơi Bác ở, đó là lán Pác Tẻng (lán của gia đình ông Triều dựng sau nhà khi cần sơ tán, nay đã được dựng bia công nhận điểm di tích lịch sử).

Chuyện nhà văn vùng cao và hành trình giải mã điều bí ẩn xung quanh bản thảo gốc "Nhật ký trong tù" - Ảnh 6.

Câu chuyện về hành trình giải mã điều bí ấn xung quanh bản thảo gốc Nhật ký trong tù đã được nhà văn Hoàng Quảng Uyên viết thành sách và cho xuất bản.

Khi được hỏi về bản thảo "Nhật ký trong tù", ông Hoàng Triều Ân kể: "Đầu năm 1950, tôi đến công tác ở 372 (Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng). Một hôm, bố đưa cho tôi một quyển sổ nhỏ, chữ Hán bảo là của Bác Hồ, làm thế nào gửi cho Bác được. Tôi liền đem quyển sổ đó giao cho ông Dương Công Hoạt - khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (đã qua đời) nhờ ông gửi cho Bác Hồ. Giao được quyển số cho ông Hoạt, bố tôi rất yên tâm, vì ông Hoạt là bạn cùng lứa với bố tôi, lại giỏi chữ Hán và yêu thơ".

Sau đó ông Hoàng Triều Ân cũng không hỏi ông Dương Công Hoạt về việc gửi quyển sổ cho Bác Hồ. Mãi tới năm 2003, khi đọc báo mới biết năm 1955, quyển số đó mới đến được tay Bác theo đường công văn mà ngoài phong bì ghi: Gửi Văn phòng Chủ tịch phủ để trình lên Bác Hồ. Phải là cán bộ cấp cao mới ghi thế, chứ người dân ai dám ghi như thế. Ông Hoàng Triều Ân khẳng định "chắc chắn là ông Dương Công Hoạt đã gửi".

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên sinh năm 1948, dân tộc Tày, quê Cao Bằng. Ông là tác giả của cuốn Đi tìm Nhật ký trong tù và các tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ như Trong vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem