Đó là Nguyễn Thị Thùy Dương (Sarah Dương, 37 tuổi) quê hương ở ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An). Lớn lên phải đi học xa nhà, rồi tốt nghiệp đại học và là một trong những ứng viên đạt loại giỏi chính thức nhận vào làm tiếp viên hàng không.
13 năm "tung tăng" trên bầu trời, sau này em quyết định sang bên trời Tây định cư. Nhưng dù ở đâu, trái tim của cô tiếp viên vẫn luôn hướng về đất nước hình chữ S thân yêu.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều nằm trong "vùng đỏ" nên mọi hoạt động tạm dừng để chống dịch. Đầu tháng 5/2021, em kịp trở lại nhà. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không thể nào diễn tả đối với cô gái xa xứ nhiều năm mới quay về.
Quê hương nghèo khó bên dòng sông ngày nào giờ tuy có khấm khá, đã công nghiệp hóa nhưng vẫn còn không ít hộ nghèo mức thu nhập thấp. Thấy cuộc sống của bà con còn nhiều vất vả, Dương gợi ý muốn làm điều gì đó đối với bà con nghèo. Thấy con gái có tấm lòng yêu thương, chia sẻ ba má Dương gật đầu: "Con cứ giúp họ như giúp chính bà con ruột thịt trong gia đình".
Được sự ủng hộ từ gia đình, cô gái trẻ bắt đầu hành trình lan tỏa yêu thương. Đó là buổi chiều đang ăn cơm, Thùy Dương nghe tin anh N.V.T (41 tuổi, quê An Giang) cùng vợ ở nhà trọ (ấp 1, xã Nhựt Chánh) chẳng may anh bị trượt chân chết đuối trong lúc mò cua bắt cá để thêm bữa cơm có thức ăn mặn. Nhìn gia cảnh thiếu trước, hụt sau, đến cỗ áo quan rẻ nhất không tiền mua, mọi chi phí khác gần như trắng tay, em chẳng hề do dự, cùng anh em lo trọn vẹn cho người đã mất an nghỉ nơi chín suối.
Vài ngày sau, nghe khu nhà trọ có ca nhiễm F0 bị phong tỏa, trong số đó có 19 trẻ em là con cháu của những công nhân nghèo, rất vất vả khi thiếu gạo, thực phẩm và sữa. Dù chưa hề quen biết hoặc tiếp xúc nhưng em quyết định lấy nguồn tiền "tích lũy" để mua quà tặng họ. Mỗi lần em mua từ 200 đến 300 phần quà rồi chuyển tận tay các anh chị trong khu nhà trọ.
"Lúc đó, họ thất nghiệp đã 3 tháng, chính quyền cũng hỗ trợ nhưng do dịch bệnh kéo dài, số gạo, tiền không thể đủ ăn. Vì vậy, thêm một tấm lòng sẻ chia là giúp nhiều gia đình vượt qua", Thùy Dương kể.
Với vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hùng (46 tuổi) quê quán tại huyện Cầu Kè (Trà Vinh) tấm lòng của cô “Việt kiều” đã khắc sâu vào tâm trí: “Chúng tôi làm công nhân vì dịch bệnh nên thời gian nghỉ việc bị kéo dài. Lúc đó, cứ hai hoặc ba tuần cô Việt kiều lại đến tặng phần gạo, đường, cá khô và cho sữa con. Cảnh sống tha phương, nghèo khó giữa lúc dịch dã mà được sự tận tình, chia sẻ của cô Dương chúng tôi không bao giờ quên ơn".
Từng đồng hành với nhau trên chặng đường thiện nguyện khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Nguyễn Thị Thảo Hương (34 tuổi, ở xã Nhựt Chánh) nhớ lại: “Thời điểm dịch bệnh tôi cùng Thùy Dương đồng hành giúp đỡ rất nhiều hộ dân khu nhà trọ gặp khó khăn. Chị Dương mua rất nhiều sữa tặng cho 19 trẻ em từ 2 đến 4 tuổi để các em đảm bảo sức khỏe trong thời gian dài. Ngày chị chuẩn bị trở lại Canada gần như tiền cạn túi phải nhờ người cha hỗ trợ”.
Cuối tháng 10/2021, Thùy Dương trở lại Canada để bắt đầu công việc mới. Gần đến ngày bay, Dương lại nhận được thông tin từ anh Nguyễn Quốc Chung (42 tuổi, ở ấp 1, xã Nhựt Chánh) khi anh gọi ra nói nhỏ: "Khu nhà trọ gần mình lại có người xấu số vừa qua đời, họ nghèo lắm, em xem giúp đỡ được gì không".
Vé máy bay đã mua, tiền dành dụm chẳng còn nhiều, nhưng cô gái trẻ không hề chần chừ: "Anh hỗ trợ mua những thứ cần thiết giúp ông ấy, em góp tiền lo hữu sự". Khi hài cốt nạn nhân đưa về quê, cũng là lúc cô tiếp viên bước lên chuyến bay về phương trời xa xôi.
Tôi thắc mắc: “Tại sao Yêu quê hương tha thiết nhưng em chọn định cư ở một đất nước xa lạ? Và tôi nhận được câu trả lời xúc động từ Dương: "Đó là cơ hội tạo thêm nhiều thu nhập, sau này giúp những hoàn cảnh khó khăn được nhiều hơn. Gia đình ủng hộ, ba luôn căn dặn: Yêu thương là sự cho đi mọi thứ".
Thùy Dương tâm sự, năm nay, em sẽ về nước trước ngày đón giao thừa 4 ngày. Em sẽ thăm dòng sông Vàm Cỏ Đông đầy kỷ niệm của tuổi thơ và mang theo tình cảm của người con xa xứ cùng hành trang để sống với bà con, công nhân nghèo khó. Giọng em hồn nhiên khi nói trong điện thoại: “Tiiền tích lũy hàng tháng hơn 1 năm nay, em sẽ làm cầu nối giúp người khổ hơn mình. Đó là niềm mơ ước mà em luôn chờ đợi”.
Mai vàng đã bắt đầu nở trên cành như chuẩn bị đón chào cô gái Sarah Dương trở về với mảnh đất quê hương.