Bình Liêu có trên 96% bà con là người dân tộc thiểu số, trong đó người Dao chiếm trên 25%, với 02 nhánh là Dao Thanh Y và Dao Thanh phán.
Du khách đến với Bình Liêu có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều sắc phục của bà con thiểu số nơi đây, người Tày với màu chàm, đen là chủ đạo, người Sán Chỉ là các sắc xanh với chiếc váy xếp ly còn người Dao là màu đỏ rực rỡ.
Đặc biệt trong những dịp lễ hội ngày Tết hay hoạt động sự kiện của huyện, du khách sẽ được ngắm nhìn thỏa sức các bộ trang phục của bà con dân tộc. Rất nhiều du khách trong nước, đặc biệt du khách nước ngoài đã thích thú chụp ảnh và tò mò về những trang phục này cũng như cách tạo nên chúng.
Phụ nữ người Dao đi chợ mua sợi, chỉ về để thêu trang phục truyền thống. Ảnh: Bùi Bích Thuỷ
Trang phục của người Dao là một câu chuyện dài về văn hóa, với người Dao bên cạnh sắc đỏ chủ đạo còn điểm đặc biệt là có thể dễ dàng phân biệt thiếu nữ và phụ nữ đã lập gia đình qua cách mặc trang phục.
Thiếu nữ Dao Thanh Phán thường quấn trên đầu một chiếc khăn màu đỏ, in hoạ tiết hoa văn và buộc dây ở cằm. Đối với người đã có chồng thì phần lông mày và tóc sẽ cạo trọc, đội một hộp màu đỏ bao gồm các lớp vải phủ xốp có độ cao từ 5, 7,9 phân tùy nhu cầu và phủ khăn hoạ tiết lên trên.
Phụ nữ người Dao có thể tranh thủ thêu trang phục ở bất cứ đâu, khi ngồi nhà, khi đi chăn trâu, đi làm nương, đi chợ...miễn là đôi tay rảnh rỗi. Ảnh: Hoàng Nga
Một bộ trang phục của người phụ nữ Dao Thanh Phán khá cầu kỳ, gồm có: Quần, áo, khăn (mũ) đội đầu, thắt lưng. Áo thường được may bằng chất vải thô, màu đen, dài qua hông, nẹp cổ to, gấu áo xẻ hai bên, trong đó phần nẹp cổ, thắt lưng, hai gấu quần được thêu khá tỉ mỉ, hoa văn trang trí trên trang phục được thêu bằng chỉ thêu ngũ sắc, trong đó màu đỏ là màu chủ đạo, thể hiện sự gần gũi, giao hòa với thiên nhiên, đất trời.
Chị Chíu Si Múi, bản Sông Moóc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết, phụ nữ Dao có cách rất độc đáo, không theo khuôn mẫu mà theo trí nhớ và sự tưởng tượng của mình.
Mỗi bộ trang phục truyền thống được các cô các chị tỉ mẩn thêu tay mất rất nhiều thời gian. Một bộ trang phục để hoàn thiện nhanh cũng phải mất bốn tháng còn nếu không 5 tháng mới xong một bộ. Trung bình một năm chỉ thêu được 2 bộ trang phục.
Phụ nữ người Dao có thể tranh thủ thêu trang phục ở bất cứ đâu, khi ngồi nhà, khi đi chăn trâu, đi làm nương, đi chợ...miễn là đôi tay rảnh rỗi.
Bộ trang phục được thêu họa tiết khoảng 30 phân mỗi ống quần và nẹp áo. Họa tiết bao gồm hoa hồi, hoa đỗ, hoa sâm, cái bừa, họa tiết chân chó… những họa tiết gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất của bà con.
Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Phán được làm ra với sự cần mẫn, tinh tế, khéo léo và được người phụ nữ trân trọng và được mặc trong những dịp quan trọng như đi chơi, ngày Tết, lễ hội, đám cưới. Đặc biệt nếu thiếu nữ người Dao càng thêu được nhiều bộ trang phục cho mình thì người đó được coi trọng và giàu có, đó sẽ là của hồi môn để thiếu nữ đi lấy chồng mang về nhà chồng.
Theo chị Sám Múi, một bộ trang phục truyền thống được kỳ công thêu gần một năm với nhiều họa tiết như vậy sẽ có giá là 6 triệu đồng và trong thôn một vài thiếu nữ đã rất chịu khó, chăm chỉ và thêu được 6 bộ trang phục.
Chị Sám Múi, ở thôn Nà Pò của xã Hoành Mô còn chia sẻ câu chuyện thú vị, rằng rất nhiều du khách, đặc biệt du khách nước ngoài tới đây đã bất ngờ và khâm phục sự tỉ mẩn, chịu khó của phụ nữ người Dao. Họ trầm trồ trước sắc màu cũng như họa tiết trên bộ trang phục. Một vài du khách bày tỏ muốn thử trải nghiệm thêu và thích thú khi chụp ảnh cùng những người phụ nữ người Dao ngồi thêu bên hiên cửa.
Có thể nói Trang phục của người phụ nữ Dao Thanh phán tựa như một tác phẩm nghệ thuật thế nhưng cuộc sống ngày càng hiện đại, tân tiến nên các trang phục truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Giới trẻ ngày càng ưa chuộng những trang phục hiện đại.
Khi được hỏi về việc các cháu gái nhỏ người Dao có biết thêu và học thêu trang phục truyền thống của dân tộc không, chị Sám Múi ở thôn Nà Pò của xã Hoành Mô cho biết các cháu nhỏ vẫn được cha mẹ truyền dạy các kỹ thuật thêu và việc mặc trang phục truyền thống vẫn được duy trì. Bản thân chị có một cửa hàng may trang phục người Dao để lan tỏa vẻ đẹp của trang phục dân tộc mình đến với đông đảo mọi người và phục vụ nhu cầu thuê trang phục cho khách du lịch.
Trang phục truyền thống của phụ nữ người Dao đã không chỉ còn là câu chuyện văn hóa, là bản sắc, là sự giàu có, đảm đang nữa, mà giờ đây với sự phát triển của xã hội, của du lịch những bộ trang phục truyền thống đã được nhiều du khách biết đến, được quảng bá khắp trong nước và thế giới.