Độc đáo với tục lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu

Tô Đình Hiệu Thứ năm, ngày 03/02/2022 13:12 PM (GMT+7)
Cũng như nhiều dân tộc khác, ngày cưới của người Dao Thanh Phán là một ngày trọng đại, nhiều thủ tục thực hành trong ngày cưới được gìn giữ khá nguyên vẹn, có nhiều nét độc đáo. Trong đó, tục đưa dâu là một trong những thủ tục quan trọng và kỹ lưỡng nhất để đôi bên nam nữ chính thức ra mắt họ hàng…
Bình luận 0

Độc đáo với tục lễ rước dâu của dân tộc Dao Thanh Phán: Cô dâu không được chú rể và nhà trai đến đón

Độc đáo với tục lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu - Ảnh 1.

Cô dâu người dân tộc Dao Thanh Phán ngồi chờ thủ tục làm lễ trong buồng. Ảnh: Tô Đình Hiệu

Trong ngày cưới của người Dao Thanh Phán, hầu như tất cả các hoạt động đều diễn ra ở nhà trai vì họ hàng, bạn bè bên nhà gái đều được mời sang nhà trai dự. Bên nhà gái chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là chuẩn bị tâm thế cho cô dâu về nhà chồng vào đúng giờ đẹp mà thầy cúng đã chọn.

Căn cứ vào tuổi của cô dâu, thầy cúng sẽ chọn giờ đẹp để xuất giá. Đó là giờ không phạm vào bất kì điều cấm kỵ nào, như: không phải giờ khắc với bố mẹ, không bị tà ma chiếm đường, ngăn cản bước chân… Theo giờ đã chọn, nhiều cô dâu phải rời nhà mẹ đẻ của mình lúc nửa đêm, hoặc khi mờ sáng.

Độc đáo với tục lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu - Ảnh 2.

Cô dâu người Dao Thanh Phán không được chú rể và nhà trai đến đón

Cô dâu người Dao Thanh Phán không được chú rể và nhà trai đến đón. Giải thích cho điều này, các cụ cao niên kể lại câu chuyện: "Có chàng trai mồ côi từ nhỏ, phải lên núi tìm hang đá để làm nơi trú thân. Gần nơi chàng ở có tổ chim Côồng phấn (loài chim lông xanh đầu đỏ, to bằng nắm tay, ăn quả đa, thường mổ cây mục, khoét lỗ làm tổ ở đó). 

Chim mẹ vừa ấp nở được đàn chim con béo mẫm. Chàng mồ côi đi qua thấy liền nhặt thêm bông lau khô rải ổ cho chim non, lại tìm mồi cho lũ chim ăn. Chim mẹ được người giúp đỡ trong lúc mệt mỏi nên cảm động, nhận mồ côi làm con nuôi.

Ngày qua ngày, đàn chim non khôn lớn, biết chuyền cành và bay xa. Chim mẹ hỏi mồ côi sống một mình buồn, có muốn lấy vợ không? Chàng mồ côi nói là cơm chưa đầy bụng, áo chưa ấm thân nên không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Chim mẹ nói nếu muốn là sẽ có, và hứa sẽ tìm cho chàng một người vợ tốt.

Nói rồi chim mẹ bay tới đậu ở đầu hồi nhà một người giàu có nổi tiếng quanh vùng, rỉa lông rồi hót vào nhà: "Ba con gái tươi xinh/ phải gả cô đẹp nhất/cho chàng trai chân thật/nhà ở chốn rừng xanh". Lúc đầu ông chủ nhà không để ý, sau chim cứ hót mãi, ông ra hỏi "chim hót đùa hay thật?". 

Tiếng chim ở đầu hồi trả lời : "thật mà! Thật mà!". Lão bảo chim xuống thấp, hót lại cho hắn nghe. Chim mẹ sà trước cửa và hót lại mấy câu như trước, lão bực lắm, xông lên tóm được chim, vặt hết lông rồi ném đi. Chim trốn vào bàn thờ nhà hắn, ngày nào cũng cất tiếng nói như người, vọng từ bàn thờ : "khát nước! khát nước! bàn thờ! Bàn thờ!", và hót lại bài ca đòi vợ cho con nuôi. 

Chủ nhà sợ quá, đành phải sửa soạn cho con gái út đi làm vợ chàng trai chân thật, nhà ở chốn rừng xanh mà chưa hề biết mặt, biết người. Thấy chủ nhà đã làm theo ý mình, chim kín đáo bay đi.

Từ sáng sớm, chim mẹ đã có mặt ở đầu hồi ông nhà giàu để đưa dâu. Lễ đón dâu vắng vẻ, chỉ có cô dâu, chim mẹ và con chó tinh khôn. Bố cho con chó quý của nhà đi cùng và dặn hễ chó dừng lại ở đâu thì con ở đó, ông nói thêm "nếu chồng con thương, con thấy yên thân thì thôi, nếu khổ cực thì con về với bố".

Độc đáo với tục lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu - Ảnh 3.

Cô dâu ra khỏi buồng phải chùm kín khăn trên đầu. Ảnh: Tô Đình Hiệu

Họ gặp được nhau và trở thành vợ chồng, chung lòng làm ăn, sinh con đẻ cái và hưởng hạnh phúc trọn vẹn trên nương rẫy.

Từ đó trở đi người Dao có tục con gái láy chồng thì phải tự về nhà chồng, được bà con xóm bản chấp nhận dù không có chú rể và đoàn nhà trai đi đón".

Tục lễ rước dâu của dân tộc Dao Thanh Phán, cô dâu mặc 6 đến 8 bộ quần áo

Độc đáo với tục lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu - Ảnh 4.

Bố mẹ chọn người đưa con gái mình về nhà chồng rất cẩn thận, ngoài thầy mo, gồm một người đàn ông và một người phụ nữ trong dòng họ. Đó là những người khỏe mạnh, phúc hậu, gia đình hạnh phúc, có đủ con gái, con trai, thông thạo phong tục tập quán, giỏi hát đối đáp.

Trước giờ đưa dâu, người phụ nữ được lựa chọn sẽ cùng mẹ chuẩn bị trang phục cho cô dâu. Trang phục cưới là 6 đến 8 bộ áo quần đã được chuẩn bị từ 1, 2 năm trước. Những bộ quần áo này được mặc lồng vào nhau, cái trong dài hơn cái ngoài để lộ ra từng tầng, lớp quần áo. Ngoài ra còn cài thêm những lớp khăn màu trắng, màu đỏ, đội hộp mũ màu đỏ mới nhất, phủ tấm khăn đẹp nhất.

Độc đáo với tục lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu - Ảnh 5.

Cô dâu được mẹ chuẩn bị chu đáo trước khi về nhà chồng

Đến giờ đẹp, sau khi đã chuẩn bị xong trang phục, cô dâu bước ra khỏi cửa từ gian nhà chính. Mẹ (hoặc người thân của cô dâu) sẽ đưa cho cô ăn một chút cơm, với mong muốn là khi đi làm dâu nhà người phải no đủ. Người phụ nữ gùi túi lưới đựng một chút gạo nếp, một chút gạo tẻ, bánh kẹo, rượu, thuốc… Người đàn ông gánh chăn, màn, các vật dụng cá nhân mà bố mẹ sắm cho cô dâu.

Gần đến nhà chú rể, đoàn đưa dâu sẽ dừng lại ở một địa điểm mà thầy cúng chọn (người ngoài đoàn đưa dâu không được biết trước) để chỉnh trang lại trang phục cho cô dâu. Lúc này cô dâu mặc thêm áo quần (để đủ 6 hoặc 8 bộ), vì trước đó chưa mặc đủ để tiện cho việc di chuyển.

Sau đó đoàn đưa dâu sẽ vào sân nhà trai, đến ở tại một cái lán dựng tạm, chờ đến giờ đẹp (do nhà trai chọn) để bước vào ngưỡng cửa và làm lễ bái đường, chính thức trở thành vợ chồng.

Độc đáo với tục lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu - Ảnh 6.

Không tưng bừng, rộn rã như lễ đưa dâu của các dân tộc khác, cô dâu người Dao Thanh Phán về nhà chồng trong lặng lẽ với hành trang là những lời dặn dò của bố mẹ, những kinh nghiệm làm các công việc nhà được rèn luyện từ nhỏ ở nhà, hơn hết là trách nhiệm và đạo lý khi về làm dâu được người đưa và thầy mo truyền đạt. 

Rất hiếm khi có chuyện li hôn, tan vỡ ở vợ chồng người Dao Thanh Phán. Phải chăng cuộc hôn nhân còn được giữ bền chặt bởi sợi chỉ văn hóa xuyên suốt, thắt chặt trong từng nghi lễ của tộc người này.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem