Thời điểm này, anh Đỗ Văn Hưng - chủ một nhà hàng tại phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) tất bật đưa xe tải đi về các huyện vùng cao để tìm mua lợn "cắp nách" phục vụ nhu cầu kinh doanh tăng cao dịp cận Tết Nguyên đán.
Lợn "cắp nách" hay còn gọi là lợn đen, lợn "tên lửa" được nuôi chủ yếu tại các tỉnh vùng cao phía Bắc. Thời điểm giáp Tết, giống lợn này được nhiều người tìm mua.
Theo anh Hưng, đây là giống lợn mõm dài, thân thon gọn, có màu đen hoặc nâu. Vì thế còn được gọi là lợn đen hay lợn "tên lửa". Loại lợn này được nuôi tại các trang trại hoặc nhỏ lẻ ở nhà dân. Thức ăn chủ yếu là ngô, rau xanh.
"Bình thường, tôi chỉ mua 1,2 con khi có người đặt cỗ nhưng cận Tết, gần như ngày nào cũng có khách đặt, nên mỗi lần đi huyện bắt cả chục con về thả chuồng để thịt dần. Giá thành khá cao, từ 100 đến 130 nghìn/kg thịt hơi nhưng nhiều người vẫn thích ăn" - anh Hưng cho hay.
Các thương lái đến tận nhà người dân để thu mua lợn cắp nách chuyển đi tiêu thụ.
Ngược lên một số huyện vùng cao như Hàm Yên, Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang, người dân nuôi khá nhiều lợn "cắp nách". Thời điểm này, các hộ gia đình đang chuẩn bị xuất chuồng những lứa lợn sau hơn 1 năm chăm sóc.
Tận dụng những đảo nổi trên lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, gia đình ông Phùng Văn Tỵ (xã Khuân Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) nuôi gần 50 con lợn "cắp nách" mỗi lứa. Vì trên đảo nên lợn được thả rông và kết hợp cho ăn thêm ngô, rau củ.
Vừa ném ít vỏ cây chuối đã thái nhỏ xuống vườn cho đàn lợn, ông Tỵ cho biết, loại lợn này chậm lớn, nuôi cả năm cũng chỉ đạt trọng lượng khoảng 30 kg. Lợn được thả trên đồi, trong rừng, thức ăn gần như lấy từ tự nhiên nên thịt săn chắc, ít mỡ, thơm ngon, bù lại giá thành cao và ổn định.
"Nhà tôi vừa xuất chuồng hơn 20 con rồi, thương lái từ tận thành phố về mua. Giá lợn cuối năm cũng ổn định, ở mức hơn 100 nghìn/kg hơi là cao rồi, trừ chi phí thu về hơn 30 triệu đồng. Từ giờ đến Tết, tôi sẽ bán nốt đàn lợn để lấy tiền mua giống nuôi mới" - ông Tỵ chia sẻ.
Xã Khuân Hà hiện có khoảng 200 hộ gia đình chăn nuôi lợn đen với số lượng hơn 4.000 con. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lợn không bị dịch bệnh và giá thành tăng nên người nuôi khá yên tâm.
Ông Ma Văn Dự - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khuôn Hà cho biết, trên địa bàn khá nhiều gia đình nuôi số lượng từ 30 - 50 con, tuy chưa phải trang trại lớn nhưng cho hiệu quả kinh tế tốt. Thời điểm này, thương lái từ khắp nơi tìm về mua, người dân gần như không phải tự mang đi bán.
Cũng theo ông Dự, địa phương khuyến khích các hộ chăn nuôi tự nhân giống lợn bản địa, phát triển đàn lợn theo hướng thực phẩm sạch, an toàn, bằng thức ăn có sẵn của địa phương để giữ được chất lượng thịt khi đưa ra thị trường.
Thức ăn của giống lợn này chủ yếu là các sản phẩm nông sản như cây chuối, ngô.
Trong khi đó, tại huyện Hàm Yên, với địa hình chủ yếu đồi rừng xen lẫn, người dân vừa trồng cây ăn quả vừa chăn thả lợn, gà. Trên địa bàn đã hình thành một số trang trại lớn, còn lại là hình thức chăn nuôi theo hộ gia đình.
Trao đổi với PV, ông Đàm Ngọc Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) cho hay, giống lợn cắp nách được người dân nuôi từ lâu nhưng chủ yếu nhỏ lẻ. Loại vật nuôi này tốn khá nhiều công chăm sóc và thức ăn cũng phải là nông sản tự nhiên.
Đa phần người dân nuôi theo phương thức truyền thống, chăn thả tự kiên kết hợp cho ăn thêm rau củ. Tính giá trị kinh tế cũng khá tốt bởi so với lợn thông thường giá thịt đã cao hơn gần gấp đôi.
"Chúng tôi vẫn có định hướng phát triển giống vật nuôi này, tuy nhiên cũng xem xét từng khu vực phù hợp chứ không nuôi ồ ạt tránh tính trạng cung vượt cầu, mất giá. Trong khi đó giống lợn này mà nuôi kiểu công nghiệp thì lại không còn là đặc sản nữa" - ông Hưng thông tin.