Đây là thành cổ đầu tiên ở Việt Nam xây dựng theo hình lục giác
Đây là thành cổ đầu tiên ở Việt Nam xây dựng theo hình lục giác
Thứ ba, ngày 17/01/2023 12:53 PM (GMT+7)
Theo GS.TS. Đỗ Văn Ninh, tác giả cuốn sách “Thành cổ Việt Nam”, thành Bắc Ninh là thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác (6 cạnh). Về kiến trúc, thành Bắc Ninh là một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ.
Căn cứ vào các nguồn tài liệu cổ cho biết thành trấn Kinh Bắc xưa được đắp ở địa phận Đáp Cầu, thuộc huyện Võ Giàng, đến tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long cho dời đến xã Lỗi Đình thuộc huyện Tiên Du. Sách “Bắc Ninh tỉnh Dư địa chí(1)” chép về thành Bắc Ninh vào năm Gia Long thứ 14 (1815) như sau: “Thành xây năm Ất Sửu(2), chu vi 1 ngàn 77 tầm, 3 thước.
Ngoài thành có hào nước vây quanh, có 3 cửa: trước, sau, bên phải, mở ra năm Ất Sửu. Cửa thành trên vuông, dưới vuông, hai bên xây tường đất, gạch, đá lẫn nhau. Trên xây các tòa nhà, đều lợp ngói. Cửa bên trái xây vào khoảng năm Giáp Tuất.
Cửa ấy trên vuông, dưới vuông, hai bên vách đứng và trên mảnh đất ấy xây đài (nhà dài) 3 gian, lợp bằng rạ”.
Như vậy, thành Bắc Ninh ban đầu chỉ được đắp bằng đất, cho tới năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), thành được xây lại bằng đá ong và cuối cùng xây lại bằng gạch vào thời vua Thiệu Trị (1841 - 1848).
Theo GS.TS. Đỗ Văn Ninh, tác giả cuốn sách “Thành cổ Việt Nam”, thành Bắc Ninh là thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác (6 cạnh).
Về kiến trúc, thành Bắc Ninh là một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ. Theo hệ đo lường cổ Việt Nam, thì chu vi thành dài 532 trượng, 3 thước, 2 tấc. Tường gạch cao 9 thước. Xung quanh có hào rộng 4 trượng, sâu 5 thước.
Thành có 4 cổng, mỗi cổng đều có cầu đi qua hào. Nhiều năm qua, người và xe cộ ra vào thành cổ chỉ sử dụng cổng tiền ở phía Đông, cổng hậu ở phía Tây, tên hai cổng này cũng được đặt cho hai phố: phố Cổng Tiền thuộc phường Tiền An, phố Cổng Hậu thuộc phường Vệ An.
Trong thành có sắp xếp các bộ phận gồm Doanh trấn thủ, Đài bác vọng, Kho thuốc súng, Nhà công đồng.
Ở sáu góc thành đều có pháo đài nhô ra ngoài, theo kiểu dáng điển hình vô-băng (vauban). Đây là một thành lớn sau thành Hà Nội, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của triều Nguyễn đối với tầm quan trọng mọi mặt của đất Bắc Ninh.
Phía trước cổng tiền Thành Bắc Ninh. (Ảnh tư liệu).
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, thành Bắc Ninh là một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, nằm trong tuyến phòng thủ phía Bắc, bảo vệ kinh đô, ngăn chặn các đạo quân xâm lược trước cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa. Đồng thời đây còn là trung tâm chính trị, quân sự, là lỵ sở của vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh dưới thời Lê - Nguyễn.
Thành cổ Bắc Ninh cũng là nơi ghi dấu những sự kiện gắn với quá trình phát triển của tỉnh và phong trào cách mạng của Bắc Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, thành cổ Bắc Ninh được UBND tỉnh Hà Bắc xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu theo Quy định số 144/QĐ-UB ngày 15-3-1980.
Hiện nay toàn bộ khuôn viên thành cổ Bắc Ninh do Trường Sĩ quan chính trị (trực thuộc Bộ Quốc phòng) quản lý, sử dụng. Do chiến tranh, thiên tai và sự xâm lấn của con người trong nhiều năm qua di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.
Dấu tích còn lại của thành cổ Bắc Ninh là ba cổng thành, một phần tường thành và dãy hào sâu, hai khẩu súng thần công, trong đó nổi bật là cổng tiền với đài gác vọng, cột cờ cao gần 20m.
Thành cổ Bắc Ninh là di tích đặc biệt quan trọng có giá trị về mặt lịch sử, quân sự, văn hóa, khoa học và nghệ thuật kiến trúc - một di sản văn hóa quý báu của nhân dân Bắc Ninh cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị.
Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, thành cổ Bắc Ninh trở thành điểm tham quan du lịch, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân.
Do vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị thành cổ là vấn đề cần thiết và cấp bách, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh, thành phố khẩn trương đưa ra biện pháp nhằm bảo quản, tu bổ, gìn giữ, tránh tình trạng di tích bị bào mòn theo thời gian.
Chú thích
- (1): Tư liệu lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm; ký hiệu A.590)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.