Dân Việt

Mỹ tức giận với 'tối hậu thư' Nga đưa ra cho Ukraine

Minh Nhật (theo Pravda) 18/01/2023 17:02 GMT+7
Ngoại trưởng Anthony Blinken ngày 18/1 tuyên bố, Mỹ coi yêu cầu của Nga về việc buộc Ukraine phải tính đến "các thực tế về lãnh thổ mới" như là điều kiện tiên quyết để đàm phán là không thể chấp nhận được và có hại cho tiến trình đàm phán hòa bình, theo Pravda.
Mỹ tức giận với 'tối hậu thư' Nga đưa ra cho Ukraine - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Ảnh Pravda.

Trong cuộc họp giao ban chung với Ngoại trưởng Anh James Cleverly, ông Blinken nhấn mạnh: "Tôi nghĩ bạn chỉ cần nghe tuyên bố của chính ông Putin trong cuộc trò chuyện gần đây với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan, trong đó ông ấy nói trừ khi và cho đến khi Ukraine chấp nhận các thực tế lãnh thổ mới, thì không có gì để đàm phán cả. Điều đó tất nhiên là không thể chấp nhận được".

Ông Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ cùng với các đồng minh của mình đang cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga.

"Cách nhanh nhất để đưa cuộc chiến này đến một kết thúc chính đáng và lâu dài, để tiến tới ngoại giao, đàm phán, là trao cho Ukraine thế mạnh trên chiến trường. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm", nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan hồi đầu tháng 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng Liên bang Nga sẵn sàng đối thoại về Ukraine, nhưng Kiev phải tính đến "các thực tế lãnh thổ mới".

Về phần mình, ông Erdogan đã nói với người đồng cấp Nga rằng, Moscow nên ngừng bắn đơn phương để đảm bảo các nỗ lực hòa bình với Ukraine.

Ông Erdogan và ông Putin đã nói chuyện nhiều lần kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Trong cuộc điện đàm mới nhất hôm 16/1, ông Putin đã chỉ trích các chính sách "phá hoại" của Kiev và việc phương Tây đổ vũ khí vào Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng lên án việc Ukraine từ chối đề nghị ngừng bắn Giáng sinh vào ngày 7/1 vừa qua của Moscow và cáo buộc đây là bằng chứng cho thấy Kiev "đạo đức giả".

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã đóng vai trò trung gian hòa giải cùng với Liên Hợp Quốc để thiết lập một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.