Đơn Dương là huyện có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như K’Ho, Churu, Ê Đê, Chu Ru...Chính vì vậy văn hóa của người dân tộc cũng rất đặc sắc, độc đáo và đa dạng. Nghề làm nhẫn bạc của nghệ nhân nổi tiếng Ya Tuất nhiều năm qua. đã nhiều người biết, thế nhưng nữ nghệ nhân Ma Ly, dân tộc Chu Ru làm gốm chẳng cần bàn xoay thì còn nhiều người chưa biết đến.
Đến xã P’Ró vào những ngày cuối năm để thăm vườn quýt nổi tiếng trên mạng xã hội ở thôn Đông Hồ, phóng viên Dân Việt được biết đến câu chuyện của nữ nghệ nhân Ma Ly. Câu chuyện về văn hóa của người dân tộc Chu Ru luôn hấp dẫn và đã thôi thúc phóng viên tìm đường đến được nhà của nữ nghệ nhân Ma Ly.
Bà Ma Ly, dân tộc Chu Ru, thôn Krăng Gọ 1, xã P’Ró, (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bên những sản phẩm gốm của mình làm ra được sử dụng trong gia đình.
May mắn thay, khi phóng viên đến được căn nhà của bà Ma Ly khi nữ nghệ nhân này đang bắt đầu công việc hàng ngày của mình. Dù đã được nghe kể nhưng điều làm phóng viên bất ngờ là đồ nghề của bà Ma Ly rất đơn giản, không có bàn xoay cũng chẳng có lò nung nào quanh nhà.
"Nghề làm gốm của người Chu Ru chúng tôi ở đây có từ bao giờ thì chẳng ai biết. Tôi từ khi lên 12 tuổi đã được người cô chỉ cho cách làm gốm truyền thống của dân tộc. Đến nay, tôi vẫn thường xuyên làm và giữ lửa nung gốm. Khi dạy tôi làm gốm, cô tôi luôn nhắc "con không bao giờ được bỏ nghề này. Làm ruộng, làm rẫy có khi mất mùa chứ làm gốm, chỉ một cái tô cũng đổi được 5 trái bắp để ăn".
Trước đây, nghề gốm của chúng tôi có giá lắm, đồ gốm làm ra chủ yếu là những vật dụng trong gia đình như nồi nấu cơm, tô ăn cơm, ấm đun nước. Sản phẩm làm ra được đưa đi nhiều nơi đổi lấy lúa, gạo, trâu, bò, heo...Chính vì vậy, cái tên Krăng Gọ nghĩa là buôn làm gốm được ra đời", bà Ma Ly đôi tay cầm chiếc sàng đất kể lại.
Với mong muốn được bà Ma Ly "thể hiện" tay nghề làm gốm truyền thống của người Chu Ru, phóng viên đã nhận được cái gật đầu của nữ nghệ nhân. Đôi bàn tay của bà Ma Ly thoăn thoắt sàng đất để mau chóng trộn nước làm gốm.
Bà Ma Ly cho biết, đất làm gốm của buôn từ trước tới nay luôn được người dân lấy từ đỉnh núi Toom Uh. Nghi thức lấy đất trên núi Toom Uh cũng rất đặc biệt, phải làm lễ cúng Yàng (ông Trời) rồi mới được lấy đất mang về. Khi nghi thức xin đất đã hoàn thành thì chỉ có những người phụ nữ mới được dùng thuổng, xà beng để lấy loại đất như ý mang về.
Những người đàn ông đi cùng chỉ được ở bên ngoài bảo vệ nghi thức đang diễn ra và gùi đất mang về làng để làm gốm. Đây chính là điều thể hiện vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ của đồng bào người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Khi đất thiêng được đưa từ núi Toom Uh, người nghệ nhân sẽ giã đất ra rồi dùng sàng tre sàng để lấy được đất mịn nhất. Từ đó, đất sẽ được trộn với nước để cho ra hỗn hợp dẻo quánh.
Khi bà Ma Ly giải thích xong các công đoạn cũng là lúc thứ đất trên núi Toom Uh dẻo quánh được hoàn thiện. Tiếp đó, đồ nghề của nữ nghệ nhân chỉ có chiếc ghế nhựa cao chừng 70cm, bên trên ghế được đặt một miếng xốp bọc bao tải. Phần đất đã trộn được bà Ma Ly đưa lên ghế rồi bắt đầu dùng đôi tay nhuần nhuyễn của mình tạo hình cho vật dụng mình đã lên ý tưởng ban đầu.
Bà Ma Ly chia sẻ: "Đã nhiều người hỏi tôi tại sao không dùng bàn xoay để cho nhàn, đỡ phải đi vòng quanh tạo hình cho sản phẩm, nhưng tôi đã quen với cách làm truyền thống này rồi, bàn xoay mình không làm được. Trước khi làm cái gì, mình cũng phải suy nghĩ, lên ý tưởng trước để tạo hình được dễ dàng hơn. Không dùng bàn xoay nên người làm gốm Chu Ru phải đi vòng quanh chiếc ghế để tạo độ tròn cho sản phẩm đó như ý muốn.
Sau khi vật dụng đã thành hình thì người làm gốm phải căn chỉnh lại để làm sao cho thật tròn, vừa mắt. Rồi sau đó là dùng nước và tay để làm bề mặt gốm thật mịn. Tiếp đến là khắc những họa tiết, hoa văn mà mình thích".
Nghề làm gốm của dân tộc Chu Ru rất đặc biệt, khi những sản phẩm được tạo hình bằng đất hoàn thành, người ta phải phơi khô thành phẩm đó ít nhất 2 tuần. Sau thời gian đó, những sản phẩm sẽ được đưa ra giữa sân, chất củi xung quanh rồi châm lửa đốt. Đây là phương pháp nung gốm lộ thiên đặc trưng của người dân tộc Chu Ru tại huyện Đơn Dương.
Đến nay, khi đất nước phát triển, nhiều sản phẩm gốm tinh xảo, đa dạng đã khiến cho gốm ở Krăng Gọ bị mai một. Số gia đình người Chu Ru làm gốm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nghi lễ xin đất thiêng trên đỉnh núi Toom Uh cũng thưa dần. Chính vì vậy, bà Ma Ly cũng rất trăn trở về việc giữ nghề làm gốm truyền thống của dân tộc.
Tháng 9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022- 2030. Trong đó, nghề làm gốm của người đồng bào dân tộc Chu Ru ở buôn Krăng Gọ 1 được đưa vào mục nghề truyền thống có nguy cơ mai một thất truyền, cần được giữ gìn của các dân tộc Tây Nguyên.
Chính vì vậy, người yêu và luôn giữ lửa nghề như bà Ma Ly sẽ phần nào yên tâm nghề truyền thống của dân tộc không bị thất truyền, con cháu bà sẽ yêu và thừa kế nghề làm gốm độc đáo này.