Tại sao đêm 30 Tết, đồng bào người Mông lại thường dùng trứng gà để gọi hồn?

Mùa Xuân Thứ bảy, ngày 21/01/2023 09:31 AM (GMT+7)
Đối với đồng bào người Mông, trong đêm 30 Tết việc dễ nhận thấy ở trên bàn thờ đó chính là những quả trứng được đặt trang trọng trong một cái bát to trên bàn gần với bàn thờ của người Mông. Vậy những quả trứng đó có ý nghĩa gì ngày Tết trong cộng động người Mông?
Bình luận 0

Những ngày này, đồng bào Mông khắp các bản vùng cao huyện Thuận Châu (Sơn La) đang tấp nập đón Tết.

Clip: Những quả trứng gà gọi hồn ngày Tết của đồng bào Mông.

Năm nay, nhiều bản làng có đồng bào Mông sinh sống ở vùng cao huyện Thuận Châu đón Tết muộn hơn so với mọi năm và trùng cùng với Tết Nguyên đán. Bởi vậy, ngay từ ngày 25 tháng Chạp khi những bông đào, bông mận đầu bản nở rộ khoe sắc đồng bào Mông đã rộn ràng giã bánh dày để đón Tết.

Những quả trứng gà ngày Tết của đồng bào Mông tượng trưng điều gì? - Ảnh 2.

Đồng bào Mông vùng cao huyện Thuận Châu (Sơn La) dùng quả trứng gà để gọi hồn đêm 30 Tết. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngôi nhà của anh Và Sếnh Vừ, bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn khi có đông đủ người thân cùng nhau đón đêm giao thừa đêm 30 Tết (tiếng Mông gọi là pê châu).

Khi mọi việc dọn dẹp nhà cửa đã xong, người đàn ông người Mông sẽ dùng bánh dày để dán giấy lên cột nhà, cửa, tất cả mọi đồ dùng trong lao động sản xuất từ cuốc, xẻng, liềm,… và niêm phong không cho mọi người đụng đến để cầu chúc nghỉ ngơi.

Đối với đồng bào người Mông, trong đêm 30 Tết việc dễ nhận thấy ở trên bàn thờ đó chính là những quả trứng được đặt trang trọng trong một cái bát to trên bàn gần với bàn thờ của người Mông. Vậy những quả trứng đó có ý nghĩa gì ngày Tết trong cộng động người Mông?

Những quả trứng gà ngày Tết của đồng bào Mông tượng trưng điều gì? - Ảnh 3.

Mỗi quả trứng ngoài dùng để gọi hồn còn tượng trưng cho các thành viên trong gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Gia đình anh Và Sếnh Vừ có 5 thành viên nên trước đêm 30 Tết anh đã phải chuẩn bị 7 quả trứng gà để đặt vào trong một cái bát to. 

Việc thực hiện nghi lễ gọi hồn (tiếng Mông: hu pí chía) có thể do người trụ cột trong gia đình hoặc nhờ chú, bác, già làng, người có uy tín hiểu biết về phong tục của người Mông đảm nhiệm.

Anh Và Sếnh Vừ chia sẻ: Sở dĩ gia đình tôi chọn lấy 7 quả trứng gà để gọi hồn ngày Tết trong khi gia đình tôi chỉ có 5 thành viên là vì 5 quả sẽ tượng trưng cho các thành viên trong gia đình. 2 quả còn lại, một quả sẽ được dùng để gọi hồn mùa màng, một quả được dùng gọi hồn những con vật nuôi trong gia đình.

Những quả trứng gà sẽ được đặt vào một cái bàn ghế và thắp 3 nén hương sau đó một người sẽ gọi hồn còn một người sẽ cầm hai con gà mái, trống đứng bên cạnh.

Những quả trứng gà ngày Tết của đồng bào Mông tượng trưng điều gì? - Ảnh 4.

Những quả trứng sau khi thực hiện nghi lễ gọi hồn xong sẽ được đặt lên bàn gần bàn thờ thiêng liêng. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Và Khoa Ly, bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, cho biết: Nghi lễ gọi hồn ngày Tết là một trong những việc làm không thể thiếu của người Mông chúng tôi. Với những quả trứng và hai con gà trống, mái được sử dụng để gọi hồn cũng như mời ông, bà tổ tiên về cùng con cháu đón một năm mới tràn đầy niềm vui, sức khỏe. Bên cạnh đó, có 2 quả trứng còn được dùng để gọi mùa màng (tiếng Mông hu pì cống pì long) và những con vật nuôi (tiếng Mông hu pì chìa pì trú) trong gia đình.

Theo quan niệm của người Mông, nhà nhà đều thực hiện nghi lễ gọi hồn bằng những quả trứng gà và hai con gà vào đêm 30 Tết. Ngày xưa đồng bào Mông thường ăn Tết cùng nhau nên đêm 30 Tết nhà nào nhà nấy tự thực hiện các nghi lễ cúng, gọi hồn (tiếng Mông ua đá khua) đến ngày mùng 1 Tết mọi gia đình mới cùng nhau đến từng nhà để chúc Tết.

Việc gọi hồn đêm 30 Tết không chỉ để mời tổ tiên về đón năm mới sau một năm lao động vất vả của con cháu mà còn là sự thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất đã cho mưa thuận gió hòa cho bắp ngô đầy hạt, bông lúa nặng trĩu. Đồng thời, đó cũng như bày tỏ lòng biết ơn đối những con vật nuôi trong gia đình đã sinh sôi đầy chuồng, mang lại ấm no, hạnh phúc cho gia đình.

Những quả trứng gà ngày Tết của đồng bào Mông tượng trưng điều gì? - Ảnh 5.

Con gà sau khi được luộc chín sẽ bày lên mâm để mời gọi ông, bà tổ tiên về đón năm mới cùng gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Sau khi gọi hồn xong những quả trứng sẽ được đặt lên bàn gần bàn thờ linh thiêng để sáng hôm sau mọi người đến chúc Tết còn thắp nén hương cầu chúc cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, phát tài, phát lộc. 2 con gà sẽ được mổ luộc chín và làm lễ gọi hồn một lần nữa. Kết thúc nghi lễ gọi hồn mọi người cùng nhau ngồi vào mâm cơm chung vui đêm 30 Tết ấm cúng và xem chân gà, đầu gà để biết dự báo về một năm mới với nhiều thuận lợi hơn.

Đến với vùng cao Thuận Châu (Sơn La), đón Tết cùng đồng bào Mông chính là cơ hội để mọi người biết đến những phong tục, nghi lễ cũng như những nét văn hóa độc đáo được lưu truyền từ bao đời nay. Những câu hát, tiếng khèn, tiếng sáo vi vu gọi bạn ngân vang khắp núi rừng đã xua tan cái lạnh ở vùng cao để đồng bào các dân tộc nơi đây đón Tết đầm ấm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem