Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng nấu nồi bánh chưng nghi ngút khói thơm

Trần Lan - Lê Tập Thứ bảy, ngày 21/01/2023 05:10 AM (GMT+7)
Tết Nguyên Đán, ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, vào 28, 29 Tết, mọi gia đình lại ngồi quây quần gói những chiếc bánh chưng, bánh tét, cùng nhau ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói thể hiện sự sum vầy, ấm áp, đoàn tụ.
Bình luận 0

Tục gói chưng, bánh tét ngày Tết cổ truyền đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, lưu truyền qua bao thế hệ của người Việt. Cứ mối độ Tết đến xuân về, nhà nhà lại chuẩn gạo nếp dẻo, lá chuối (hoặc lá dong), thịt mỡ, hành, dây trúc để gói bánh chưng, bánh tét ăn Tết, để dâng lên bàn thờ tổ tiên.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 1.

Theo ông Lê Đình Định (xóm Đông Thương, Hậu Thành, Nghệ An) để gói được chiếc bánh đẹp, dẻo... đòi hỏi người gói phải khéo léo, người nấu phải có kinh nghiệm. Ảnh: PV

Tết khởi đầu cho một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, cầu mong cho một năm an lành, may mắn, thành công. Đối với bọn trẻ tháng chạp dài lê thê, đếm ngược từng ngày cho mau đến Tết. Bao nhiêu điều vui vẻ, náo nức đang chờ đón lũ trẻ, mong mỏi nhất đó là cùng gia đình gói bánh chưng, bánh tét và thức cùng người lớn canh nồi bánh, ngồi bên bếp lửa hồng được nghe ông kể chuyện và sáng sớm có cái bánh con mang tòng teng đi chợ Tết.

Tháng chạp gió bấc hây hây thổi, những chùm quả xoan đâu vàng xuộm chín mọng treo lơ lửng trên những nhành cây trụi lá. Từng đàn chim chào mào ăn quả xoan no nê, "cãi nhau" chí chóe rộn vang khắp khu vườn. Cha mẹ lại tất bật lo cày cấy vụ chiêm cho kịp xong trước Tết.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 2.

Con cháu sum vầy, xem gói bánh mang lại bầu không khí ấm cúng, vui vẻ hân hoan chào đón mùa xuân về. Ảnh: PV

Năm nào cũng vậy cứ vào khoảng ngày 25 tháng chạp, công việc đồng áng cũng đã xong, mọi người bắt tay vào chuẩn bị lo cho cái Tết cổ truyền.  Mẹ đi chợ không thể thiếu được mấy ống trúc, mấy bó lá dong mua từ những người làm nghề đi rừng lấy về bán trong dịp Tết. Buổi trưa đi làm về cha tranh thủ ngồi chẻ trúc thành những sợi thật mỏng phơi qua dưới nắng hanh.

Phút giây chờ đợi của bọn trẻ con cũng đã đến. Sáng sớm mẹ đem nếp ra ngâm vào cái chậu nhôm to, những miếng thịt lợn được cắt ra từng thanh nhỏ. Lá dong được rửa sạch cẩn thận, để ráo nước. Đậu xanh xay nhỏ mẹ đã nấu trộn với đường cát chín đựng trong cái xoong trắng tinh.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 3.

Mỗi khi Tết đến xuân về, ông Trần Lan (xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ an) lại soạn sửa gói bánh chưng xanh, các cháu háo hức, vui đùa. Ảnh: PV

Mẹ còn chuẩn bị thêm một ít hành củ để gói bánh chưng. Cha lấy cái mâm nhôm trải ra một góc sân, chúng tôi ngồi quây quần xung quanh háo hức đợi chờ những cái bánh từ tay cha gói. Mỗi người một việc, tôi lấy cái khăn sạch lau kỹ càng những cái lá dong, những tấm lá chuối đã được luộc qua nước sôi bây giờ trở nên dẻo quẹo.

Anh chị được cha hướng dẫn nối hai ba sợi lạt trúc lại với nhau để buộc dọc khi gói bánh tét. Cha cẩn thận trải lá chuối ra mâm, lá phía ngoài trải dọc, lá phía trong trực tiếp với gạo thì được trải ngang lại.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 4.

Theo anh Lê Đình Cường (Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An) ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết rất cần trao truyền lại cho mai sau. Ảnh: PV

Có lần tôi hỏi cha, "có phải nhất thiết phải trải lá như thế không? Cha giải thích, lá phía ngoài trải dọc vừa đẹp lại vừa có tác dụng bẻ các múi gấp hai đầu dễ dàng. Những chiếc lá phía trong trải ngang để đến khi bóc bánh lá không bị dính vào bánh".

Cha vuốt những tấm lá cho phẳng phiu rồi dùng cái bát xúc gạo nếp đổ dọc tấm lá. Đổ xong một bát gạo cha dùng bàn tay gạt gạo ra cho đều rồi lấy thịt lợn làm nhân đã chuẩn bị sẵn sắp đều lên theo chiều dọc của bánh, tiếp theo cha xúc thêm một bát nữa rải đều lên phía trên.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 5.

Các thành viên gia đình quây quần gói bánh chưng, bánh tét dâng cúng tổ tiên, ông bà. Ảnh: PV

Bàn tay khéo léo cha cuộn lại, dùng dây trúc bó tròn lấy chiếc bánh, bàn tay cha thoăn thoắt bó dây ngang rồi dây dọc và chiếc bánh đã hình thành. Chúng tôi dùng dây trúc mền bó bánh theo thứ tự, hết đoạn này rồi đến đoạn khác việc cuối cùng là làm dây xách cho bánh.

Nhìn cha làm cặm cụi, cần mẫn, bao nhiêu tâm trí dồn vào việc gói bánh, tình cảm nhớ thương, trân trọng ông bà tổ tiên dồn vào đôi tay ngày thường vốn rất vụng về. Cứ hết cái này đến cái khác chẳng bao lâu mà rá gạo nếp đã gần hết, cha dùng những tấm lá nhỏ gói cho anh em chúng tôi mỗi đứa một chiếc bánh con xinh xắn. Nhìn cha nâng niu trân trọng vuốt tùng tờ lá chuối, lá dong như đang gửi gắm vào đó bao nhiêu là tình cảm của mình vào việc biết ơn ông bà tiên tổ.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 6.

Nồi bánh chưng là một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian. Ảnh: PV

Tranh thủ mấy ngày nắng, mẹ gom những khúc củi gộc khô đã để dành dụm từ trước đem vào cất trong gian nhà bếp, đề phòng những cơn mưa phùn dài ngày làm ẩm ướt khó cháy. Chiều 28 Tết, mẹ đã chuẩn bị bắc cái kiềng ba chân ra giữa gian nhà bếp. Ăn tối vừa xong thì những cái bánh tét ngâm trong nồi đã uống no nước và chìm xuống. Cha bắc nồi bánh lên, ngọn lửa ban đầu cháy leo lét, một lúc sau cháy lên rừng rực.

Cha nói với chúng tôi, gói bánh chưng, bánh tét để cúng ông bà tổ tiên là một phong tục tập quán của người dân Việt, đó cũng là nét đẹp văn hóa của nhân dân ta.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 7.

Những chiếc bánh đẹp, dày dặn được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Ảnh: PV

Cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét, ngọn lửa ấm áp, cha kể: "Tết cổ truyền là ngày quan trọng nhất trong năm, con cháu đi xa đều hướng về quê hương, nơi mình sinh ra, nơi ông bà tổ tiên mình nằm lại.

Tết là để các con cháu tri ân các bậc sinh thành, người đi làm ăn xa xứ về thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau những thành công năm qua đã đạt được. Tết là ngày kết thúc một năm cũ, đón chào một năm mới".

Bếp lửa cháy đượm, than rực hồng, câu chuyện của cha có sức lôi cuốn hấp dẫn. Anh em như lạc vào một miền cổ tích. Tiếng nồi bánh sôi ùng ục, tiếng củi nổ lép bép đưa chúng tôi vào giấc ngủ ngon lành bên bếp lửa hồng.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 8.

Những chiếc bánh nhỏ được gói riêng cho trẻ con như là món quà đầu năm mới. Ảnh: PV

Lá chuối, lá dong màu xanh như màu xanh của ruộng đồng, như màu xanh núi rừng, làng xóm, lũy tre xanh. Gạo nếp trắng ngần là tinh túy của ruộng đồng là hạt ngọc trời ban. Những miếng thịt lợn từ tay mẹ chăn nuôi, là truyền thống ngàn đời của ông cha lưu truyền lại.

Những sợi lạt trúc dẻo buộc chặt lá với gạo và nhân cũng ví như sợi dây thắt chặt mối tình anh em, họ hàng thân hữu và mối quan hệ mật thiết

Ngoài trời những hạt mưa xuân bay lất phất, ngọn khói xanh lam từ gian bếp tỏa ra cứ quẩn quanh trên nóc bếp, ngọn khói cũng quyến luyến không muốn rời xa căn nhà ấm cúng đang nấu bánh chuẩn bị đón tết.

Tết đến xuân về, mọi gia đình lại ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa - Ảnh 9.

Bánh chưng, bánh tét Tết cổ truyền thể hiện trời đất giao hòa, ước mơ của người người, nhà nhà về một năm mới đầy sung túc, an lành, hạnh phúc. Ảnh: PV

Cha đã trở thành người thiên cổ, anh em chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả đi làm việc xa quê, nhưng mỗi dịp gần Tết lại thu xếp trở về cùng nhau gói bánh.

Bây giờ cuộc sống có nhiều thay đổi, có những người họ chuyên làm bánh phục vụ cho những người không có điều kiện để gói bánh. Anh em tôi, người dân quê tôi vẫn giữ được tập quán gói bánh tét, bánh chưng để thờ cúng ông bà tổ tiên trong dịp Tết đến.

 Cầm cái bánh trên tay bao nhiêu ký ức lại ùa về, lòng bỗng rưng rưng thương nhớ ông cha đã để lại cho con cháu một phong tục tập quán vô cùng ý nghĩa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem