Đầu tháng 12/2022, một container các loại mắm cà pháo, mắm tôm Bắc, mắm ruốc Huế, mắm ba khía miền Tây,... cùng các loại bánh truyền thống Việt Nam như bánh nậm, bánh lọc của Sông Hương Foods theo đường chính ngạch đã có mặt tại Mỹ thông qua nhà phân phối CTWS Group. Nhà phân phối này có hơn 200 điểm bán ở 32 tiểu bang ở Mỹ.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Foods, cho biết, trị giá lô hàng này khoảng 200.000 USD. Mắm các loại, bánh nậm, bánh lọc xuất khẩu sang Mỹ hương vị đồng nhất với sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam, chỉ có thiết kế bao bì là khác biệt.
Để được nhập chính ngạch vào thị trường Mỹ, tất cả các sản phẩm mắm, bánh lọc, bánh nậm phải tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận của FDA...
Chẳng hạn với mắm tôm chua, thì tôm không có dư lượng kháng sinh, phải có giấy xét nghiệm tôm nguyên liệu không bị nhiễm kháng sinh, tôm tươi phải được tuyển chọn kĩ, thịt chắc, dai… Do đó, từ lúc hai bên kết nối cho đến khi đi được container hàng đầy đủ giấy chứng nhận FDA mất gần sáu tháng.
Không giấu được niềm vui khi những món ăn truyền thống của Việt Nam được khách hàng nước ngoài yêu thích và đặt hàng với số lượng lớn, ông Tuấn bộc bạch: "Cà pháo, bánh nậm… đều là những món ăn truyền thống của Việt Nam. Tôi có ước nguyện sẽ đưa ẩm thực quê hương ra khắp thế giới".
Chia sẻ về cơ duyên đưa bánh lọc, bánh nậm đến Mỹ, ông Tuấn cho biết, thường có thói quen tặng thêm sản phẩm cho khách mua hàng. Tháng 7/2022, khi tặng kèm bánh nậm, bánh lọc cấp đông cho khách hàng ở Mỹ, ngay sau đó đối tác đặt ngay một lô hàng nghìn bánh, rồi lại tiếp đơn hàng khác. Hiện, doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp bánh cho thị trường Mỹ.
Do số lượng đặt hàng quá lớn, ông Tuấn quyết định đầu tư thêm nhà máy ở TP.HCM chỉ sản xuất riêng bánh lọc, bánh nậm với công suất 600.000 bánh/tháng.
Ngoài thị trường Mỹ, bánh còn được các đối tác Nhật Bản, Úc, Đài Loan… đặt hàng.
Theo ông chủ Sông Hương Foods: "Tôi mong muốn bà con Việt kiều có món ăn Việt, được mang từ Việt Nam sang. Tôi nỗ lực để không chỉ bà con Việt kiều mà cả Hoa kiều, Nhật kiều cũng ăn món truyền thống Việt Nam".
Hiện nay, cà pháo của Sông Hương Foods đã đi chính ngạch sang 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật, Đài Loan. Công ty cũng hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia…
"Nếu như xuất khẩu những năm trước chỉ chiếm 3-7% thì năm nay, công ty kỳ vọng sẽ đạt 30%. Làm xuất khẩu chính ngạch rất khó trong bước đầu nhưng vượt qua được thì mọi thứ dễ dàng hơn. Điều tự hào là những "món quê" của Việt Nam không chỉ ra thế giới mà còn rất được ưa chuộng", ông Tuấn chia sẻ.
Được biết, sau container hàng nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của bà con Việt kiều hồi đầu tháng 12/2022, phía đối tác cho biết sẽ đặt mua cho cả năm theo các ngày lễ ở Mỹ như lễ Tạ ơn, Quốc khánh Mỹ...
"Đối tác Mỹ rất ưa chuộng các đặc sản gia truyền của chúng tôi nên ký kết hợp đồng lâu dài, độc quyền phân phối khắp nước Mỹ với giá trị hợp đồng hàng năm hơn một triệu USD", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Dịp tết nguyên đán, nhiều lô hàng bún, phở khô, bánh tráng… của các doanh nghiệp Việt cũng đua nhau xuất ngoại.
Tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khánh Hà (Khánh Hà Food), chị Trương Thị Hồng Hà, giám đốc DN này khoe, đầu tháng 2 tới sẽ có lô hàng 50 tấn bún khô xuất khẩu đi Anh.
Nâng niu từng sợi bún, phở khô làm từ các loại đậu, ngũ cốc, thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót…thương hiệu Ohuga xuất khẩu chuẩn bị đưa vào cửa hàng, siêu thị của Anh, Nhật Bản, Hà Lan…, chị Hà bồi hồi: "Lúc đầu tôi theo nghề làm nui, chủ yếu muốn giữ nghề của gia đình. Tuy nhiên sau đó cơ duyên đã đưa tôi đến với bún, phở khô để tiếp thị ra thế giới".
"Giấc mơ đưa bún, phở Việt ra thế giới của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi rất mừng vì góp thêm một sản phẩm Việt vào bản đồ ẩm thực thế giới. Tôi còn muốn giới thiệu thêm nhiều món Việt khác đến bạn bè quốc tế", chị Hà nói thêm.
Bún phở khô sợi thẳng của chị Hà có nhiều chủng loại như bún thường, bún bánh canh, bún bò Huế. Sợi phở cho món mì Quảng, dùng để chế biến thành phở trộn hay món Pad Thai… Đặc biệt, các sản phẩm đều được kết hợp với nhiều nguyên liệu như thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót hay gạo lứt…hướng đến nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Sản phẩm đã được xuất khẩu đến châu Âu, Mỹ, Canada với sản lượng trung bình 70 tấn/tháng.
"Sau cơn đại dịch Covid-19, người dân những quốc gia này rất quan tâm đến các sản phẩm thực phẩm tiện lợi và có thể bảo quản được trong thời gian dài. Dịch bệnh cũng chính là cơ hội để đưa món quê ra biển lớn thuận lợi hơn", chị Hà bộc bạch.
Đặc biệt, các sản phẩm bún, phở khô sợi thẳng của Khánh Hà Food cũng được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng bởi dễ sắp xếp khi vận chuyển, từ đó giúp giảm giá thành.
Cụ thể, nếu tính cho một container 20 feet, sử dụng bún phở khô truyền thống (sợi cong) thì chỉ chứa được 7-8 tấn sản phẩm, nhưng với bún phở khô sợi thẳng thì có thể chứa được đến 20 tấn. Giá thành khi đó sẽ giảm còn 1/3 và ít diện tích kho bãi so với loại sợi cong, nên được nhiều khách hàng hưởng ứng, nhất là các nhà nhập khẩu thuộc những quốc gia khu vực châu Âu.
Đáng chú ý, dù không sử dụng chất bảo quản nhưng hạn sử dụng của bún, phở khô sợi thẳng của Khánh Hà Food vẫn có hạn sử dụng tới 24 tháng.
Ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (Tây Ninh) cũng cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bánh tráng đạt tiêu chuẩn về ISO 22.000, chứng nhận FDA với thực phẩm an toàn của Mỹ, nên công ty liên tục có các đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ.
"Riêng với thị trường EU, doanh nghiệp đã làm việc với một số đối tác và họ đã hẹn năm nay sẽ trực tiếp sang Việt Nam khảo sát nhà máy, sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu vào EU, mở ra kỳ vọng lớn xuất khẩu vào thị trường này", ông Duy nói.