Dân Việt

Làm nông nghiệp công nghệ cao, một nông dân Phú Thọ lãi hơn 1 tỷ/năm

Hoan Nguyễn 24/01/2023 18:50 GMT+7
Chỉ bằng điện thoại thông minh, lão nông Nguyễn Hoàng Mạnh (Phú Thọ) đã trông coi toàn bộ trang trại nông nghiệp công nghệ cao trồng ổi, dưa lê, dưa chuột...trị giá gần 10 tỷ đồng.

"Tất tay" đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Đã gần trưa nhưng lão nông Nguyễn Hoàng Mạnh vẫn không màng bữa. Ngày nào cũng vậy, từ 4 giờ 30 phút sáng đến tối mịt, lão nông 63 tuổi mới từ trang trại về nhà, dù nhà ông chỉ cách đó vài trăm mét.

Năm 2016, khi HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên (xã Hương Nộn, Tam Nông) ra đời, lão nông Nguyễn Hoàng Mạnh đã "tất tay" xuống vốn đầu tư hiện đại cho trang trại. Và điện thoại thông minh, hệ thống camera chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho ông chủ Mạnh trông coi toàn bộ trang trại.

Tỷ phú nông dân ở Phú Thọ làm gì để tích cóp gia sản 10 tỷ, lãi hơn 1 tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Mô hình nhà lưới trồng rau củ quả theo mùa với hệ thống lưới cắt nắng, tưới nhỏ giọt Israel hiện đại,

Tỷ phú nông dân ở Phú Thọ làm gì để tích cóp gia sản 10 tỷ, lãi hơn 1 tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

được điều khiển tự động tại HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên. Ảnh: H.N

Theo đó, ông Mạnh đã đầu tư hệ thống nhà lưới với quy mô hơn 7.000m2 trồng các loại rau, củ, quả sạch, cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Đây là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí, nhân công. 

Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng đầu tư hệ thống tưới ngầm nhấn nút tự động, điện chiếu sáng công suất lớn, lưới giăng kéo bằng động cơ....

Đồng thời, HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Thông qua đó, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Hiện HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên có 7 người làng làm thuê với mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng. 

Nhiều người ái ngại nói ông Mạnh liều lĩnh, đất vùng rau quả, chơi với nông nghiệp khác nào cõng củi về rừng. Nhưng ông tự tin với cách làm riêng, hiểu nhu cầu quá lớn của thị trường rau quả sạch.

Tỷ phú nông dân ở Phú Thọ làm gì để tích cóp gia sản 10 tỷ, lãi hơn 1 tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Tỷ phú nông dân Nguyễn Hoàng Mạnh chỉ bằng điện thoại đã trông coi toàn bộ trang trại trị giá gần 10 tỷ đồng. Ảnh. H.N

Trong năm 2022, ông Mạnh thu khoảng 70 tấn quả ổi, kiếm 280 triệu đồng. Trong năm 2023, ông dự kiến thu hoạch 100 tấn ổi, giá tại gốc đã 5.000-6.000 đồng/kg, ông Mạnh ước thu về 350 triệu đồng.

Cũng trong năm 2022, với 7 mẫu trồng dưa lê, ông Mạnh thu 40 tấn quả, bán buôn với giá 20.000 đồng/kg, bán lẻ với giá 30.000 đồng/kg. Ngoài ra, với 6.000m2 trồng dưa chuột giống ngoại năng suất cao, ông Mạnh thu 500 triệu đồng. 

Hiện ông Mạnh còn bắt đầu trồng thêm táo Đài Loan và cà chua giống mới...

Trở thành tỷ phú nông dân nhờ chuyển đổi số 

"Làm nông nghiệp thời nay phải có kiến thức khoa học. Bí quyết gì thì cũng là kiến thức. Giờ công nghệ dễ cập nhật, nông dân chịu khó tìm hiểu, tìm đọc là có hết. Nó ở đây này" - ông Mạnh vừa nói vừa giơ chiếc điện thoại thông minh lên.

Lão nông tỷ phú cũng tươi cười chia sẻ chút kinh nghiệm: "Với điện thoại, tôi vào mạng để theo dõi thông tin về thời tiết, biết vài ngày nữa có mưa thì chớ phun thuốc, sâu sẽ tự chết. Thoáng thấy bướm bay thì tung vôi bột lên cây, trứng bướm sẽ ung hủy. Hay là bón đạm, vào mạng đọc biết bí kíp - bón nhiều là không tốt, chỉ lỡ tay là dư đạm rất nguy hiểm, hãy cứ nên bón kali nitrat tự cây sinh đạm…"

Theo ông Mạnh, có ngày ông bán cả mấy tấn hàng chỉ bằng điện thoại và online. 

"Họ đặt hàng rất nhanh, rất tiện. Rau, củ, quả của HTX nhiều khi không còn mà bán, khách gọi điện thoại cả ngày. Mối quen thì đánh xe tải đến tận trang trại. Hàng đi Việt Trì, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Hải Phòng... Rau quả hái buổi sáng, đến chiều đã vào bếp mọi nhà" - lão nông tỷ phú vừa cười tươi vừa nói.

Tỷ phú nông dân ở Phú Thọ làm gì để tích cóp gia sản 10 tỷ, lãi hơn 1 tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên có nhiều sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: H.N

Ông Mạnh còn nhấn nhá: "Đi dự hội nghị về chuyển đổi số và bàn chuyện nhà nông làm giàu, tôi thấy họ nói hay nhưng vẫn xa vời. Tôi từng vào chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ nhưng thấy vẫn nhiều bất cập".

Theo ông Mạnh, chuyển đổi số nghĩa là thay đổi và thích ứng nhanh, áp dụng chuẩn công nghệ mà tăng thu nhập. 

Ông Mạnh cũng khẳng định, nền tảng số hiện nay đang quá thuận lợi cho nông dân yêu thêm mảnh đất quê mình mà sống tốt.

"Sản xuất, quản trị, khách hàng, ở tầm vóc quy mô nào cũng cần. Dữ liệu, con số phải rất nhạy mà điều chỉnh kế hoạch lập tức. Chẳng hạn khách hàng có hôm gọi trực tiếp cho tôi nói là dưa lê hơi ngọt, tôi lập tức có điều chỉnh nhóm khách hàng ngay, vì có người ưa loại ngọt hơn. Và con gái tôi phụ trách tương tác, kịch bản bán hàng, số hóa sản phẩm trên các hệ thống, đã kịp thời báo cáo và có kế hoạch điều chỉnh" - ông Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ hướng đến doanh nghiệp lớn. Nhiều nông dân chưa được tiếp cận, hoặc còn hiểu biết nhạt nhòa về chuyển đổi số.

Do đó, nông dân cần có nhiều hơn nữa những cuộc tập huấn và cần được hỗ trợ trực tiếp, cụ thể từ các cấp, các ngành về chuyển đổi số nông nghiệp, hướng đến phù hợp, linh hoạt thích ứng thương mại điện tử, để thực sự chuyển từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp.