Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Làng nuôi rắn hổ mang Tứ Xã được hình thành từ đầu những năm 1990 và chính thức được công nhận là làng nghề nuôi rắn vào năm 2007. Giai đoạn 2005 - 2010 là thời gian cực thịnh của làng nghề này, với hơn trăm tấn rắn thương phẩm xuất khẩu mỗi năm, giá trung bình hơn 700.000 đồng/con.
Vào thời điểm này, nghề nuôi rắn thực sự là một "cứu cánh" trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vật nuôi tại địa phương. Nhờ nghề nuôi rắn, đã có không biết bao nhiêu mái nhà bề thế, khang trang mọc lên, nhiều tỷ phú nông dân xuất thân từ làng Tứ Xã.
Đến năm 2016, nhiều hộ dân tại làng nghề chuyển mô hình từ nuôi rắn hổ mang thương phẩm sang nuôi rắn hổ mang sinh sản do nhu cầu thị trường tăng mạnh. Tại thời điểm rực rỡ nhất, các hộ xuất khẩu cả trăm vạn trứng và rắn hổ mang con sang Trung Quốc.
Thậm chí, các thương lái từ Lạng Sơn, Móng Cái về ăn ngủ tại làng để tìm kiếm nguồn hàng. Giá trứng rắn hổ mang cao điểm nhất vào năm 2018 đã lên đến 80.000 đồng/quả.
Ông Bùi Văn Toàn là một trong những người đang nuôi nhiều rắn nhất tại làng nghề nuôi rắn Tứ Xã với khoảng 2000 cá thể.
"Khi nhìn ra những lợi ích về kinh tế thì người này truyền cho người kia, cuối cùng thì cả làng cùng nuôi rắn, và gia đình tôi cũng đã gắn bó hơn chục năm nay với việc nuôi rắn" - ông Toàn cho biết.
Theo ông Toàn, từ năm 2017, gia đình ông bán được khoảng 800 triệu đồng tiền bán trứng rắn, 300 triệu đồng tiền bán rắn thương phẩm. Trong suốt thời gian dài, gia đình ông thu tiền tỷ mỗi năm từ nuôi rắn, cuộc sống sung túc, không phải lo lắng về kinh tế.
"Nhưng giờ đây, cái nghề mang lại doanh thu mỗi năm cả trăm tỷ đồng cho làng nghề thuở nào lại đang đứng trước nguy cơ mai một" - ông Toàn nói.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, những tưởng làng nghề sẽ nhộn nhịp người bán kẻ mua hơn. Nhưng tại làng nghề nuôi rắn hổ mang Tứ Xã, không khí đường làng, ngõ xóm vẫn vắng vẻ, đìu hiu.
Theo ông Toàn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 3 năm qua, số hộ nuôi rắn tại làng nghề đã giảm từ gần 500 hộ xuống còn khoảng 150 hộ.
Ngoài ra, việc tìm kiếm thức ăn cho rắn cũng đang gặp khó khăn. Trước đây, thức ăn của rắn chủ yếu là cóc. Nhưng bây giờ cóc ít, người dân chuyển sang nuôi rắn bằng trứng, gà, vịt con nên phải đi khắp các trại ấp nở để thu mua. Tuy nhiên, gần đây, giá những loại thức ăn này tăng nên kéo theo chi phí đầu vào cao hơn. Do vậy, nhiều người bỏ nghề nuôi rắn hổ mang và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác hoặc đi làm thuê.
"Mấy năm trước, chi nhánh tín dụng xã bận bịu với hàng chục tỷ mỗi tháng cho vay, vay trả rất sòng phẳng và đúng kỳ hạn. Giờ người tìm đến quỹ vắng như chùa bà Đanh, chả mấy ai còn dám đánh đu với tín dụng mà nuôi rắn" - ông Toàn cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết, nhiều năm nay, nghề nuôi rắn hổ mang đã mang lại thu nhập cao cho người dân, qua đó phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch Covid-19 cho đến nay, người dân nuôi rắn bị ảnh hưởng nặng nề. Sản phẩm rắn thương phẩm và trứng rắn của làng nghề không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi nhu cầu nội địa hiện nay vẫn chưa cao.
"Mới đây, thông tin Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại, người nuôi rắn tại Tứ Xã rất mừng. Những ngày qua đã bắt đầu có một số thương lái về làng nghề để tìm mua rắn. Mong rằng thị trường sẽ hồi phục tích cực trong thời gian tới để làng nghề vực dậy, phát triển tốt như trước đấy" - ông Thủy nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.