Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở tỉnh Phú Thọ đang có xu hướng phát triển nhanh. Đặc biệt là vườn Quốc gia Xuân Sơn, với cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng về văn hóa, được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
Để phát triển du lịch cộng đồng ngày càng hiệu quả, Phú Thọ đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng những không gian đặc trưng để du khách có thể check-in khi đến đây như: Cọn nước Xuân Sơn, đường hoa du lịch Xuân Sơn, bãi tắm Xuân Sơn…
Đặc biệt, khoảng tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm hoa trạng nguyên nở rộ và khoe sắc đỏ rực rỡ nhất ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Để quảng bá du lịch cộng đồng cho Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ còn tổ chức lễ hội hoa Trạng Nguyên vào dịp cuối năm.
Ngoài ra, du khách đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn còn có thể trải nghiệm nhiều hoạt động sản xuất của người dân địa phương như đan lát, dệt thổ cẩm, ủ men nấu rượu, bắt cá suối, hái lá thuốc tắm,... Du khách cũng có thể tham gia sinh hoạt văn hóa như đánh đu, đâm đuống, múa xòe, nhảy sạp…
Bà Phùng Thị Hoa Lê - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay mô hình du lịch cộng đồng ở Phú Thọ nói chung, nhất là ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn nói riêng đang có xu hướng phát triển mạnh.
Nhiều bản làng có những cảnh đẹp, những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc, hình ảnh cọn nước, nhà sàn truyền thống gắn liền với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc tại các hộ dân được lựa chọn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
"Điểm nổi bật phải kể đến trong khuôn khổ Vườn quốc gia Xuân Sơn, các hộ dân là người dân tộc Dao, Mường tại các bản Cỏi, bản Dù, bản Lấp đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng động thu hút lượng đông khách du lịch.
Hiện trên địa bàn xã Xuân Sơn có hơn 10 hộ tham gia kinh doanh homestay với khả năng phục vụ 300 khách/ngày. Các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều được tập huấn cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón du khách.
Các hộ kinh doanh chú trọng xây dựng hình ảnh như đầu tư bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đồng nhất tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Những hộ dân chưa đủ điều kiện tổ chức homestay thì phát triển dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp thực phẩm cho các homestay và hướng dẫn du khách" - bà Hoa chia sẻ.
Chị Đinh Thu Hiền, du khách đến từ Hà Nội cho biết, chị đã nghe rất nhiều lời khen về điểm du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Dịp nghỉ Tết Dương lịch 2023, chị Hiền và gia đình đã đến đây và có dịp để trải nghiệm.
"Thật sự như lạc vào trong những mẩu chuyện, những thước phim đã từng xem. Không gian thiết kế ngôi nhà du lịch cộng đồng chan hòa thiên nhiên, tạo nên không khí mát mẻ, rất dễ ngủ, thích hợp cho những ai muốn được thư giãn. Món ăn cũng rất kỳ lạ như cỗ lá, vịt suối, thịt treo gác bếp… rất hấp dẫn du khách. Đặc biệt, những điệu múa, tiếng khèn, tiếng cồng chiêng của những chàng trai, cô gái Mường làm mê hoặc long người" – chị Hiền vui vẻ nói.
Dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, homestay Quỳnh Nga của gia đình anh Hà Văn Quỳnh (bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã được đặt kín lịch.
Anh Quỳnh hồ hởi chia sẻ: "Từ mùng 2 Tết Nguyên đán đến hết kỳ nghỉ Tết năm nay, homestay Quỳnh Nga đã kín lịch khách đặt. Chắc chắn gia đình sẽ rất bận rộn đón, phục vụ khách du lịch nhưng đây chính là niềm vui của tôi và bà con trong vùng du lịch Xuân Sơn".
Để tạo sự gần gũi với thiên nhiên, gia đình anh Quỳnh thiết kế homestay Quỳnh Nga giữ vẻ nguyên sơ ngôi nhà sàn cũ theo kiểu nhà sàn của dân tộc Mường ở Tân Sơn, bổ sung thực đơn các món ăn đặc sản của đồng bào Mường, Dao.
Ngoài ra, gia đình cũng xây dựng lịch trình để du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động như giao lưu văn nghệ lửa trại với các tiết mục đặc sắc của đồng bào Mường, Dao… đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong du khách gần xa.
Phát triển du lịch sinh cộng đồng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, đồng thời khai thác được tiềm năng và thế mạnh của vùng đất này.
Từ đó, góp phần đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách khi đến Phú Thọ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.