Theo TRT World, Bộ Ngoại giao Đức đã xin lỗi vì đã sử dụng biểu tượng cảm xúc báo hoa mai để chế nhạo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trên Twitter, khiến một số người châu Phi cảm thấy bị xúc phạm.
Bộ Ngoại giao Đức trước đó đăng một thông điệp lên Twitter nói rằng, Ngoại trưởng Nga Lavrov không đến châu Phi để xem báo hoa mai mà sử dụng chuyến đi để cố gắng biện minh cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Thông báo kèm biểu tượng cảm xúc hình con báo hoa mai trên tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức được đăng tải giữa bối cảnh Berlin quyết định cung cấp chiến tăng "báo hoa mai" Leopard 2 cho Ukraine để giúp nước này chống lại lực lượng Nga.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Phi tỏ ra tức giận với thông điệp trên Twitter của Bộ Ngoại Đức.
Theo đó, trong thông điệp gửi tới Bộ Ngoại giao Đức, Ebba Kalondo, phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh: "Ngoại trưởng Annalena Baerbock cũng đã đến thăm AU có trụ sở tại một trong hơn 20 quốc gia châu Phi mà Đức có quan hệ ngoại giao. Có phải bà ấy cũng đến đây để xem động vật hoang dã? Hay là châu Phi, người dân và động vật hoang dã ở châu Phi là một trò đùa với các ngài?".
“Hãy tôn trọng chúng tôi nhưng chúng tôi tôn trọng các ngài. Chính sách đối ngoại không phải là một trò đùa và cũng không nên sử dụng nó để ghi điểm địa chính trị", bà Kalondo viết trong một tuyên bố khác trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Đức đã lên tiếng xin lỗi hôm thứ Năm 26/1 và nói rằng dòng tweet trên Twitter không có ý xúc phạm, mà chỉ có mục đích "chỉ ra những lời dối trá mà Nga sử dụng để biện minh cho cuộc chiến chống lại Ukraine của họ".
Ông Lavrov đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea trong tuần này và lặp lại tuyên bố của mình rằng Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây của Mỹ đang sử dụng Ukraine như một công cụ trong "cuộc chiến hỗn hợp" để chống lại Nga.
Nhiều quốc gia châu Phi vẫn giữ quan hệ lịch sử với Moscow. Nam Phi là một trong số những nước bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine vào năm ngoái. Eritrea đã bỏ phiếu chống nghị quyết cùng với Nga, Belarus, Triều Tiên và Syria.