Theo ghi nhận của PV Báo Dân Việt, ngay từ 8 giờ sáng ngày mùng 9 Tết, lượng công nhân, lao động đổ về Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) làm việc ngày một nhiều.
Anh Nguyễn Văn Nam (quê Hưng Yên) làm việc tại một doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho hay, những năm trước công ty nhiều việc, tăng ca quanh năm. Năm 2022 vừa rồi, công việc ít, công ty cho nghỉ Tết sớm, thu nhập giảm, lương thưởng ít (lương chỉ còn 6 triệu đồng/tháng, giảm 3 triệu đồng). Vì thế, năm nay anh Nam chỉ hy vọng công việc đều hơn để anh có thu nhập.
"Hy vọng năm nay công việc được thuận lợi, có nhiều việc làm để anh em công nhân chúng tôi được tăng ca. Lương thấp, không đủ lo cho cuộc sống của gia đình", anh Nam nói.
Thay vì cảnh mải chơi xuân, năm nay hầu hết công nhân lao động như anh Nam đều trở lại làm việc từ rất sớm. Lý do là bởi nghỉ làm nhiều quá, chỉ mong đi làm để có thu nhập về lo cho gia đình. Cũng như anh Nam, hàng trăm nghìn công nhân tại khu công nghiệp này đã có màn khai xuân vui vẻ, ấm áp. Hầu hết công nhân lao động đều được lì xì, tặng quà đầu năm (với công nhân có hoàn cảnh khó khăn).
Thông tin từ đoàn kiểm tra tại Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, có 95% doanh nghiệp mở cửa sản xuất kinh doanh và 97% công nhân, lao động trên địa bàn huyện trở lại làm việc và dự báo con số này tiếp tục sẽ tăng do một số doanh nghiệp mở cửa vào tháng 2/2023.
Còn tại khu công nghiệp Bắc Giang, hàng trăm nghìn công nhân, lao động ở các khu công nghiệp cũng đã quay trở lại nơi làm việc.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Liên đoàn lao động Khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, báo cáo nhanh của Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho thấy, hết mùng 9 Tết, hầu hết các doanh nghiệp và người lao động đã đi làm lại.
Cụ thể, có 365/403 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Có khoảng 157.000/175.000 công nhân đi làm trở lại sau Tết, đạt 90%.
Bên cạnh đó, cũng có hơn 10 doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại vì lý do liên quan tới đơn hàng ít, giải thể, ngừng hoạt động...
"Dự báo sau Tết nguyên đán năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thiếu đơn hàng, nhất là doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử và các doanh nghiệp điện tử verdor (nhà cung cấp) của Samsung. Theo báo cáo của doanh nghiệp, sau Tết các doanh nghiệp sẽ tăng cường tìm kiếm đơn hàng, đồng thời duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm thời gian làm việc, không thể tăng ca, hoặc thực hiện làm việc luân phiên", ông Thắng nói.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, xong theo dự báo của Bộ LĐTBXH, năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại vào cuối năm. Theo đó, tình hình thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động theo hướng tích cực, tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong năm 2023, cụ thể là quý 1, quý 2 năm 2023, Bộ LĐTBXH dự báo một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người (cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua).
Bộ LĐTBXH cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu. Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.
Mới đây trong buổi gặp mặt đầu xuân, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng nhấn mạnh, năm 2023 và những năm tới, các đơn vị trong ngành tập trung cao độ trong việc xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Cùng với đó, tiếp tục đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội.
"Việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững. Hai vấn đề này phải tiến hành đồng bộ.
Phải tập trung cao độ cho thị trường lao động. Xây dựng thị trường lao động đúng nghĩa phải bắt đầu từ những việc nhỏ và hành động phải thật nhanh chóng.
Bộ có nhiệm vụ xây dựng một nghị quyết chuyên đề về chính sách xã hội với một tầm nhìn thông thoáng hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045", ông Dung chỉ đạo.
Để hoàn thiện thị trường lao động, lãnh đạo Bộ LĐTBXH cũng cho biết sẽ sửa luật Bảo hiểm xã hội và luật Việc làm, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của ngành.