Lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động hiệu quả nhờ cách này

Thùy Anh Thứ tư, ngày 09/11/2022 10:17 AM (GMT+7)
Dù số lượng lao động thất nghiệp học nghề còn ít nhưng hiệu quả từ chương trình hỗ trợ học nghề rất lớn. Nhờ được học nghề mà nhiều lao động thất nghiệp được quay trở lại thị trường lao động, tự tạo việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Lao động thất nghiệp hào hứng học nghề

Không chỉ được tư vấn giới thiệu việc làm, lao động thất nghiệp còn được tư vấn hỗ trợ học nghề quay trở lại thị trường lao động. Lao động khi đăng ký hưởng BHTN ở tất cả Trung tâm dịch vụ việc làm đều sẽ được giới thiệu các chương trình học nghề. 

Phóng viên Báo Dân Việt đã có buổi thăm quan một lớp dạy nghề pha chế đồ uống cho lao động đang hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Thầy Đỗ Văn Tuyên - Giảng viên lớp Pha chế đồ uống (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội) cho biết, thông thường một lớp học nghề pha chế đồ uống có khoảng 20 học viên. Thời gian đào tạo với lớp này trong vòng 3 tháng. Trong thời gian này học viên được đào tạo rất nhiều kỹ năng, từ kỹ năng pha chế đồ uống, kỹ năng trang trí đồ uống, cho tới kỹ năng quản lý, chăm sóc khách hàng...

Ngoài thời gian học lý thuyết, thì học sinh sẽ được học thực hành tại lớp và đi thực hành tại quán cà phê, quầy bar. Thời lượng học vẫn đảm bảo thực hành chiếm 70% chương trình và lý thuyết chỉ chiếm 30% chương trình.

Chị Nguyễn Lê Diệp (44 tuổi) sống tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, chị vừa mất việc làm và đang đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Nhờ được cán bộ trung tâm tư vấn, chị Diệp quyết định đăng ký học nghề pha chế đồ uống để chuyển đổi việc làm.

lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề

Lao động thất nghiệp tham gia lớp học nghề Pha chế đồ uống tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: N.T

Chị Diệp nói: "Trước đây tôi làm trong ngành viễn thông, công việc không thuận lợi nên nghỉ việc. Đang loay hoay, nghĩ sẽ quay lại công việc cũ của một trình dược viên hoặc viễn thông thì được tư vấn giới thiệu học nghề. Thế rồi tôi quyết định học nghề pha chế để chuyển đổi công việc vì hiện giờ gia đình tôi cũng đang có một quán cà phê trên phố".

Cũng như chị Diệp, nhiều lao động nữ thất nghiệp ở độ tuổi ngoài 40 chọn cho mình một số nghề như: Chế biến món ăn, may công nghiệp; pha chế đồ uống; trang điểm; chăm sóc sắc đẹp ... để theo học nhằm chuyển đổi công việc.

Chị Lê Thị Diệp, 40 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) - một học viên đang học lớp may công nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ thêm: "Lúc đầu nghe tới đi học là sợ lắm vì nghĩ mình có tuổi rồi học không nổi, không ngờ học nghề lại thú vị vậy. Lớp học sôi nổi vì học thực hành nhiều nên cũng dễ tiếp thu. Quan trọng hơn, đi học kết nối được nhiều người, cơ hội việc làm rộng mở".

Số lượng lao động thất nghiệp học nghề vẫn còn thấp

Bà Đậu Thị Hiền - Trưởng phòng Đào Tạo Nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết hiện tại Trung tâm đang tổ chức dạy 4 nghề là: Kỹ thuật nấu ăn; tin học văn phòng; chế biến món ăn, cắt may công nghiệp. Ngoài 4 nghề này, lao động thất nghiệp sẽ được tư vấn thêm nhiều nghề ngắn hạn để có thể lựa chọn.

"Chúng tôi liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để giới thiệu lao động tham gia học nghề tại các cơ sửo này, đồng thời cũng hỗ trợ giới thiệu việc làm ngay sau học nghề", bà Hiền nói.

dạy nghề cho lao động thất nghiệp

Cán bộ trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu việc làm và chính sách dạy nghề cho lao động thất nghiệp. Ảnh: Nguyệt Tạ

Theo bà Hiền, ngay khi làm bài tốt nghiệp khóa học, trung tâm sẽ mời doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng qua để quan sát, tìm hiểu có thể tuyển dụng trực tiếp. Đây là cơ hội lớn để kết nối cung - cầu cho lao động và doanh nghiệp.

"Thống kê cho thấy có tới 90% lao động sau học nghề có việc làm ngay. Một số làm cho công ty, doanh nghiệp, số khác thì tự tạo việc làm. Lao động học nghề dịch vụ thường thích tự tạo việc làm, số tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp cũng chiếm đa số", bà Hiền nói.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ đầu năm tới nay Trung tâm đã tư vấn giới thiệu cho hơn 2.000/hơn 50.000 lao động hưởng BHTN đi học nghề. Sở dĩ con số này thấp là bởi nhiều nguyên nhân.

"Phần đông người lao động thất nghiệp mong muốn được tư vấn giới thiệu việc làm để quay lại thị trường lao động luôn, không muốn phải học nghề vì mất thời gian. Mặt khác chương trình dạy thường ngắn hạn (chỉ 3 tháng) chưa phù hợp với nhiều lao động trẻ, mong muốn quyết tâm học các nghề đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao để chuyển đổi công việc cụ thể", ông Thành.

Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định rõ mức hỗ trợ học nghề với lao động đang hưởng BHTN như sau:

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

Quyết định này cũng quy định rõ điều kiện lao động hưởng BHTN được hưởng hỗ trợ từ học nghề. Theo đó, người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; và trừ trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thực hiện nghĩa vụ quân sự...

Thứ hai, NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem