Khi nhắc đến xứ Dừa - Bến Tre, bạn bè bốn phương không chỉ nhắc đến một quê hương Đồng khởi giàu truyền thống cách mạng mà nơi đây còn là vùng đất trù phú về di sản văn hóa (DSVH) trên nhiều lĩnh vực, được gìn giữ, bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ người Bến Tre.
Du khách tham quan Di tích Đồng Khởi (Bến Tre).
Từ lâu, Bến Tre được biết đến là một trong những vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra và hội tụ của những danh nhân, như: Phan Thanh Giản - người đỗ Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh; cụ Trương Vĩnh Ký - người thông thạo 27 thứ tiếng nước ngoài và là một trong 18 học giả lừng danh của thế giới đương thời; Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nhà giáo Võ Trường Toản, Nhà báo Sương Nguyệt Anh...
Bến Tre còn là quê hương của những người con ưu tú, tài ba như: Nhà giáo Ca Văn Thỉnh, Nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân, Họa sĩ Lê Văn Đệ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, Nữ tướng Nguyễn Thị Định; Nghệ sĩ nhân dân: Ba Vân, Phạm Khắc, Giang Châu...
Từ đó, đã góp phần quan trọng hình thành nên những nét văn hóa đậm chất con người Bến Tre như Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đúc kết: “Người Bến Tre không chỉ siêng năng, cần cù trong lao động, sản xuất, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống mà còn có cả một tinh thần trượng nghĩa, mến khách, cởi mở, chân tình, thật thà, chất phác”.
Đó chính là cốt cách của con người Bến Tre được bạn bè gần xa quý mến.
Tôn vinh và ghi nhớ những con người kiệt xuất, những sự kiện lịch sử trọng đại của Bến Tre, nhiều thế hệ của tỉnh đã xây dựng và giữ gìn hệ thống di tích lịch sử - văn hóa với 55 di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, 16 di tích quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Di tích lịch sử Đồng khởi Bến Tre).
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa thì Bến Tre là một trong những cái nôi của nguồn dân ca người Việt Nam ở Nam Bộ, với hơn 70 điệu lý và các làn điệu dân ca được lưu giữ. Từ đó, góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống, dân dã mang dấu ấn một vùng sông nước và đồng bằng trên lưu vực các nhánh sông Cửu Long.
Đặc biệt, hòa vào dòng chảy DSVH của vùng đất Nam Bộ, xứ Dừa cũng được giới chuyên môn nhận định là một trong những cái nôi “Đờn ca tài tử” phát triển mạnh mẽ rộng khắp ba dải cù lao. Cùng với cả nước, Bến Tre đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ” của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, gắn loại hình này tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh.
Tỉnh đã được Trung ương công nhận 4 DSVH phi vật thể cấp quốc gia: Hát Sắc bùa Phú Lễ (huyện Ba Tri), Lễ hội Nghinh Ông ở Bình Thắng (huyện Bình Đại), Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh và Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm).
Chủ tịch Hội DSVH Bến Tre Nguyễn Quang Trị nhận định: Những giá trị DSVH đó không chỉ góp phần hình thành nhân cách, lối sống, phẩm chất đạo đức, tạo sức đề kháng chống lại sự xâm thực, làm xói mòn bản sắc văn hóa Việt Nam của các thế lực thù địch trong mỗi con người, mà còn giúp chúng ta có đủ niềm tin, tiết tháo, nghị lực, khát vọng, vững bước tiến lên.
Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh và mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
“Các giá trị DSVH không chỉ được bảo lưu trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu tâm lý và đời sống tâm linh của nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc đưa DSVH về với đời sống xã hội, vào nhà trường một cách thiết thực và đạt hiệu quả đáng khích lệ. Các giá trị DSVH vật thể và phi vật thể trên địa bàn đang trong quá trình song hành phát triển và phát huy tác dụng tích cực trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương”, ông Nguyễn Quang Trị bày tỏ.