Dân Việt

Một loại cây đã được nông dân thôn An Lại của tỉnh Hải Dương coi là "cây vàng", đó là cây gì?

Hải Minh 06/02/2023 13:44 GMT+7
Vụ đông xuân năm 2022-2023, khoai tây đã trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế cao ở thôn An Lại, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ, Hải Dương).

Xóa ruộng hoang trồng khoai tây

Những ngày đầu xuân mới Quý Mão, trên khu đồng Tây Nguyên của thôn An Lại, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ, Hải Dương), nông dân nhộn nhịp thu hoạch khoai tây. 

Bà Phạm Thị Thừa ở đội 9, thôn An Lại cho biết mấy năm trước khu đồng này nhiều diện tích bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, ít người trồng trọt vì giá trị kinh tế thu được từ nông nghiệp rất thấp. Thanh niên đi làm công nhân hết trong khi người già sức khỏe có hạn khó đảm đương đồng ruộng. 

Thế nhưng khi HTX Dân Chủ chọn nơi này thực hiện mô hình trồng khoai tây liên kết thì đồng ruộng đã hồi sinh. Khoai tây phủ xanh cánh đồng, ruộng hoang không còn nữa.

Một loại cây đã được nông dân thôn An Lại của tỉnh Hải Dương coi là "cây vàng", đó là cây gì?  - Ảnh 1.

ô hình trồng khoai tây vụ đông liên kết ở thôn An Lại, xã Dân Chủ thu hút 11 hộ dân tham gia với diện tích hơn 20 ha

Nhằm khai thác hiệu quả, lợi thế đất đai và giúp nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã Dân Chủ đã chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp tìm hướng mới phát triển cây vụ đông của địa phương. 

Nhận thấy tiềm năng của đồng đất địa phương, HTX Dịch vụ nông nghiệp Dân Chủ đã chủ động phối hợp Công ty CP Phát triển nông nghiệp vàng (Hưng Yên) xây dựng mô hình trồng khoai tây chất lượng cao liên kết tại khu đồng Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 20 ha, thu hút 11 hộ tham gia.

HTX cùng các hộ quy hoạch lại toàn bộ đồng đất, khơi thông kênh mương, tạo thành những thửa ruộng lớn để thuận tiện đưa máy móc vào trồng trọt. HTX cung ứng 25 tấn khoai tây giống Marabell của Đức và 24,5 tấn phân bón cho bà con tham gia mô hình. 

Công ty CP Phát triển nông nghiệp vàng thường xuyên đồng hành cùng nông dân từ khâu chọn giống đến chăm bón và thu hoạch. Cán bộ HTX và kỹ sư của doanh nghiệp thường xuyên có mặt trên cánh đồng giám sát, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. 

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Dân Chủ cho biết ngay từ vụ đầu triển khai, mỗi sào khoai tây nông dân thu được từ 7-8 tạ/sào củ loại 1 và 4-5 tạ/sào củ loại 2. Toàn bộ khoai tây được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng.

Một loại cây đã được nông dân thôn An Lại của tỉnh Hải Dương coi là "cây vàng", đó là cây gì?  - Ảnh 2.

Khoai tây dỡ đến đâu được phân loại và thu mua ngay tại ruộng.

Hiệu quả kinh tế cao nhờ trồng khoai tây

Theo đánh giá của bà Phan Thị Thoa cũng ở thôn An Lại thì so với cấy lúa hay trồng cây khác, khoai tây cho giá trị cao gấp 3-4 lần. "Quan trọng hơn là tham gia mô hình trồng khoai tây liên kết, nông dân không phải lo đầu ra. Khoai tây được doanh nghiệp thu mua hết từ củ nhỏ đến củ lớn. Nhà nông cũng không phải lo cảnh được mùa mất giá bởi chúng tôi đã ký kết hợp đồng bán khoai tây ngay từ khi bắt đầu tra giống cho doanh nghiệp với giá 10.500 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg", bà Thoa nói.

Với giá bán như trên và năng suất đạt từ 13-15 tấn củ/ha, sau khi trừ chi phí nông dân An Lại có thể thu về 80-100 triệu đồng/ha khoai tây.

Ông Phạm Đắc Luân, Giám đốc Công ty CP Phát triển nông nghiệp vàng cho biết đồng đất An Lại khá thích hợp để trồng khoai tây. Đây là cây trồng đang có ưu thế lớn trên thị trường vì là nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến, doanh nghiệp có thể thu mua với số lượng  lớn. 

Với giá bán ổn định, chắc chắn cây khoai tây sẽ gắn bó với đồng đất nơi đây và trở thành cây "vàng" trong  vụ đông ở An Lại.