Dân Việt

Ninh Thuận: Trồng tỏi tưới tắm mấy tháng trời, nay nhổ lên lèo tèo mấy củ, bán giá rẻ, nông dân quá buồn

Đức Cường 07/02/2023 11:31 GMT+7
Nông dân trồng tỏi Ninh Thuận đang điêu đứng vì vụ tỏi năm nay vừa mất mùa, vừa mất giá. Nhiều hộ lao đao, kêu cứu vì sản lượng gần như mất trắng.

Vụ tỏi thất thu nhất từ trước đến nay

Sau tết Nguyên đán là thời gian cao điểm thu hoạch tỏi ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) thế nhưng năm nay, cảnh nông dân thu hoạch tỏi đã không còn nhộn nhịp như những năm trước vì tỏi bị mất mùa nghiêm trọng, giá lại bán giảm so với mọi năm.

Người trồng tỏi ở Ninh Thuận điêu đứng vì tỏi mất mùa, mất giá - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Ngân buồn rầu vì nhổ tỏi lên mà toàn củ nhỏ, có cây chẳng chỉ thấy rễ. (Ảnh: Đức Cường)

Chị Nguyễn Thị Ngân ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải cho biết, chưa năm nào cây tỏi lại mất mùa như năm nay, nhiều hộ trồng tỏi gần như mất trắng, không vớt vát được gì để đầu tư cho vụ kế tiếp.

Theo chị Ngân, nếu như mọi năm 2 sào tỏi (2.000 mét vuông) của gia đình cho sản lượng khoảng hơn 2 tấn tỏi tươi thì năm nay sản lượng đã sụt giảm hơn 80%. Tỏi nhổ lên toàn củ nhỏ, có cây nhổ lên toàn rễ nên thương lái cũng chẳng thèm đến mua.

 "đầu tư gần 80 triệu đồng để trồng tỏi nhưng đến nay dù thu hoạch đã gần xong nhưng chỉ mới thu về được gần 10 triệu đồng, mùa tỏi năm nay gia đình coi như mất trắng, cũng không còn tỏi giống để gieo trồng cho vụ kế tiếp…" Chị Ngân thở dài.

Chỉ tay về đám rẫy đã thu hoạch xong, nông dân Nguyễn Thị Mỹ Hương ở Thái An, xã Vĩnh Hải cũng lắc đầu ngao ngán vì hơn 2 sào tỏi nhưng chỉ thu hoạch được vài tạ củ, giảm hơn 70% so với năm trước. Còn lại 1,5 sào đang cho thu hoạch thì cũng lâm cảnh tương tự.

Người trồng tỏi ở Ninh Thuận điêu đứng vì tỏi mất mùa, mất giá - Ảnh 3.

Nhiều rẫy tỏi năng suất thấp lại mọc đầy cỏ dại, nông dân phải tốn công nhổ bỏ. (Ảnh: Đức Cường)

Theo người dân địa phương cho biết, việc cây tỏi lâm cảnh mất mùa đã xảy ra vài năm trở lại đây nhưng không năm nào người trồng tỏi lại thất thu nặng như năm nay.

Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến thất thường, mưa lớn kéo dài vào những tháng cuối năm nên cây tỏi bị nấm lá, nấm nước sôi…dẫn đến chậm phát triển rồi chết dần, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ tỏi.

 "Năm nay cái gì cũng tăng, từ phân thuốc đến công lao đồng đều tăng trong khi củ tỏi đến ngày thu hoạch lại mất mùa nghiêm trọng. Bao nhiêu vốn liếng và công cán gia đình bỏ ra coi như mất trắng theo những cây tỏi…"chị Hương buồn giọng.

Vừa mất mùa, vừa mất giá

Theo ghi nhận của PV Dân Việt sáng 6/2, hiện giá tỏi tươi loại 1 được thương lái thu mua từ 68.000 – 70.000 đồng/kg, loại 2 giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Giá này không tăng so với năm ngoái mà thậm chí còn thấp hơn 2.000 – 5.000 đồng/kg nên nhiều hộ càng không mấy mặn mà.

Người trồng tỏi ở Ninh Thuận điêu đứng vì tỏi mất mùa, mất giá - Ảnh 4.

Ôm mớ tỏi sau khi thu hoạch nhưng nông dân Nguyễn Văn Tuấn chẳng thể cười tươi vì tỏi toàn củ nhỏ, giá bán lại không được như kỳ vọng. (Ảnh: Đức Cường)

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Thái An vừa đẩy xe thu hoạch tỏi vừa thở dài cho biết, với giá tỏi như trên thì gia đình anh lỗ hơn 35 triệu đồng vì năm nay phân bón và chi phí đầu tư cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với thời điểm trước đó trong khi năng suất thì giảm nhiều so với mọi năm.

"những tưởng mất mùa thì được giá nhưng nào ngờ tỏi mất mùa lại còn rớt giá thê thảm, bấp bênh theo thương lái. Một số tỏi loại nhỏ không bán được vì thương lái chê đành bỏ vì không đạt chất lượng." anh Tuấn buồn giọng.

Ông Nguyễn Hàn, trưởng thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) cho biết, toàn thôn có 140 hộ trồng tỏi với tổng diện tích khoảng hơn 30ha. Hiện bà con đã thu hoạch hơn 50% tổng diện tích với sản lượng sụt giảm đáng kể do dịch bệnh, chỉ còn lại những hộ xuống giống sau là chưa thu hoạch.

Người trồng tỏi ở Ninh Thuận điêu đứng vì tỏi mất mùa, mất giá - Ảnh 6.

Tỏi sau khi thu hoạch được nông dân phân loại để bán cho thương lái. (Ảnh: Đức Cường)

"Hàng chục năm nay, cây tỏi là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân địa phương, nhờ cây tỏi mà nhiều hộ dân đã giảm được nghèo, lo cho con cái ăn học và vươn lên làm giàu. Thế nhưng năm nay cây tỏi bị mất mùa khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ lỗ nặng, thậm chí không còn giống để tái sản xuất vụ sau." ông Hàn nói.

Tỏi là một trong những sản phẩm đặc thù được tỉnh Ninh Thuận công bố năm 2018. Sản phẩm tỏi Ninh Thuận cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể tỏi Phan Rang.

Trước đây diện tích trồng tỏi ở Ninh Thuận thường tập trung ở các địa phương như: Ninh Hải, Thuận Bắc và TP Phan Rang-Tháp Chàm.

Nhưng hiện nay, do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cùng với đô thị hóa (đặc biệt ở TP Phan Rang-Tháp Chàm) nên phần lớn diện tích trồng tỏi tập trung nhiều ở huyện Ninh Hải chỉ còn khoảng gần 40ha. Trong đó, nhiều nhất ở xã biển Vĩnh Hải với diện tích hơn 35ha.

Do yếu tố khí hậu vô cùng khắc nghiệt nên tỏi Phan Rang có hương vị cay nồng đặc trưng, giống tỏi Phan Rang có sức chống chịu với khí hậu khắc nghiệt, chứa hàm lượng allicin, glucogen, aliin, fitonxit, các vitamin và các nguyên tố vi có tác dụng tăng cường kháng sinh chống lại virus gây bệnh, ngăn ngừa tất cả các bệnh ung thư, diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm và làm đẹp.