Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Một ngày đầu tháng 8/2022, theo lời hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi xuất phát từ TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 12 km trên Quốc lộ 1 về hướng TP. HCM là đến làng sen Caraih nằm ở làng Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân) để tránh nắng.
Mặc dù thời tiết Ninh Thuận lúc này rất nóng nhưng khi bước chân vào làng sen nằm giữa cánh đồng lúa đang xanh mượt, chúng tôi cảm nhận được sự mát dịu của gió và hương thơm của hoa sen tỏa ra…
Có thể nói, người thiết kế làng sen sinh thái Caraih đã tận dụng được cách đồng lúa của bà con người Chăm địa phương, chính vì thế đã tạo nên một điểm nhấn mới cho khách du lịch đến vùng đất đầy nắng và gió Ninh Thuận này.
Làng sen nằm cách đồi cát Nam Cương chỉ vài km và xa hơn tí nữa là vùng biển Sơn Hải xanh trong, khiến ai đến cũng thích. Không gian sinh thái êm đềm của làng sen y hệt như những cánh đồng sen ở miền Tây Nam Bộ.
Ở đây có cả con đò, bến nước, túp lều tranh và có cả những cô thôn nữ hát dân ca với tiếng hát ngọt ngào, níu chân du khách. Nếu thêm tí men thơm của rượu làng sen, nhâm nhi với ít thịt dê, khách ngủ say quên cả đường về.
Nếu ở miền Tây Nam Bộ, du khách chứng kiến các cô thôn nữ mặc áo bà ba hát đờn ca tài tử…Thì ở làng sen này, du khách sẽ chiêm ngưỡng các thôn nữ người Chăm, mặc áo dài truyền thống hát dân ca Chăm bên tiếng nhạc truyền thống và điệu múa quạt đậm đầy nghệ thuật dân tộc Chăm…
Anh Cao Văn nhà ở TP. Thủ Đức (TP. HCM), lần đầu tiên đến đây cho biết, bản thân anh và gia đình rất bất ngờ trước cảnh quan ở làng sen. “Tôi không ngờ, ở gần sa mạc cát Nam Cương lại có cánh đồng lúa rộng mênh mông, giữa cánh đồng lại có một làng sen tỏa ngát hương thơm. Lâu nay, nhắc đến Ninh Thuận, nhiều người nói ngay vùng đất đầy nắng gió, nhưng đi lần này tôi mới khám phá ra những bí ẩn kỳ lạ, có một tí gì đó huyền bí, cuốn hút du khách như làng sen này…”, anh Cao Văn nói.
Clip: Các thôn nữ ở làng sen Caraih thuộc làng Chăm Mỹ Nghiệp biểu diễn nghệ thuật.Thực hiện: Bùi Phụ - Đức Cường
Còn anh Trần Thanh Tú nhà ở Bình Dương cho biết, lâu nay nhiều người đến du lịch tỉnh Ninh Thuận, đa phần nghĩ ngay đến vườn quốc gia Núi Chúa và công viên đá hùng vĩ bên vịnh Vĩnh Hy, hoặc biển Bình Sơn – Ninh Chữ…
“Nay tôi đến, rất bất ngờ khi đứng trên vùng đất đầy nắng nóng này lại có một nơi xanh mát, khung cảnh hữu tình như làng sen thơm ngát này. Những món ăn truyền thống của bà con người Chăm ở làng sen nấu rất ngon, nhất là món thịt dê nấu lá me non, cơm gà và đặc biệt là thưởng thức món trà sen tươi do chính tay mình pha...”, anh Thanh Tú nói.
Chúng tôi gặp chị Hương Thu, một hướng dẫn viên du lịch ở TP. HCM đang dẫn khách tham quan chụp hình và ăn trưa tại làng sen.
Theo chị Hương Thu, làng sen ở nơi nắng nóng này là sự khác biệt, nét chấm phá độc đáo giữa vùng đất đầy nắng gió này mà không nơi nào có được.
“Nhiều lần tôi đưa khách đến đây, rất được nhiều người thích thú khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống của người Chăm chụp ảnh bên hồ sen. Cũng có nhiều du khách đến đây muốn nằm nghỉ tĩnh lặng trên chiếc võng đu đưa, thả hồn theo mây gió, ngắm cánh đồng lúa xanh mượt và tận hưởng mùi thơm của hương sen. Riêng tôi, lần nào đến đây tôi cũng dành thời gian để mình tĩnh tâm, hít không khí trong lành của vùng này…”, chị Hương Thu tiết lộ.
Theo UBND thị trấn Phước Dân, làng sen này trước đây là khu ruộng HamuPhaok có diện tích đất công ích khoảng 5 ha được giao cho các hộ dân thuê làm nông nghiệp.
Trước năm 2016 trở về trước, khu vực này chủ yếu trồng rau muống là chính. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở về đây các hộ thấy việc trồng sen mang lại hiệu quả cao, nên chuyển dần từ trồng sen và lúa. Hiện tại có 4 hộ vừa kết hợp trồng sen với du lịch cộng đồng.
Trong đó, làng sen Caraih với diện tích gần 1 ha, làng sen Hoa Tín 2 ha, làng sen Bình Hưng khoảng 1 ha và làng sen Saraphat 1 ha.
Các hộ này được UBND thị trấn tổ chức đấu thầu hàng năm. Đến nay điểm du lịch làng Sen Mỹ Nghiệp được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, hàng năm đón trên 150.000 lượt khách đến tham quan
Được biết, sen ở đây có hai loại chính là sen hồng và sen trắng. Chính những màu sắc này đã hòa quyện cùng nắng và gió tạo thành một bức tranh thôn quê thanh bình, yên ả. Bao quanh làng sen còn có những cây cầu gỗ mộc mạc được bắc ra giữa hồ, giúp du khách dễ dàng đi lại ngắm hoa, tạo dáng chụp hình.
Trong làng sen còn có một số tiểu cảnh lạ mắt như cối xay gió, bờ rào tre, cầu khỉ… Nếu thích, du khách có thể chèo xuồng hái sen, tự tay thu hoạch những đài sen và tự pha cho mình một bình trà sen thơm ngát thưởng thức liền tại chỗ.
Theo UBND thị trấn Phước Dân(huyện Ninh Phước), Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có bề dày lịch sử hàng trăm năm, là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của người Chăm.
Truyền thuyết kể rằng, Vương quốc Champa thế kỷ XVII dưới triều Vua Ponưra, có một phụ nữ tên là Ponagar đến vùng đất này và truyền nghề dệt vải cho đôi vợ chồng ông Xa và bà Chaleng (nay là làng Mỹ Nghiệp). Dần dần sau đó, nghề dệt vải được dân làng học tập, thêu dệt và phát triển rộng rãi.
Theo các nghệ nhân trong làng Mỹ Nghiệp, để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau như: tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống… Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, công phu của người thợ.
Để tạo được những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… như những họa sỹ thực thụ.
Vật liệu dệt dùng tơ, lụa, có khi dệt bằng chỉ tùy sở thích của người mặc, tùy khách đặt hàng. Đồ dệt thường thường hay mặc áo dài, quần áo, chăn, khăn choàng cổ, khăn trải giường, khăn trải bàn, giỏ, túi xách, ví…
Sản phẩm dệt truyền thống ở làng Chăm Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Chăm.
Bên cạnh những hoa văn cổ thể hiện sự quý phái, sang trọng như Văn thần đèn, Siva, Rồng trời hay Văn cổ, thì ngày nay dân làng còn sáng tạo nên những hoa văn mới lạ như Văn con voi của người Tây Nguyên, hay Văn hoa mai của người Kinh, đồng thời kết hợp các chất liệu mới như sợi tổng hợp, sợi kim tuyến đủ các sắc màu.
Nếu ở các làng nghề thổ cẩm khác, công việc chính là do các bà, các mẹ, các chị đảm nhiệm, thì ở làng Mỹ Nghiệp hầu hết những người thợ dệt đều là thanh niên, con gái ngồi khung kéo sợi, dệt vải bên khung cửi còn con trai cắt, may thành sản phẩm. Làng hiện nay có 300 hộ làm nghề. Đồng bào Chăm sống tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, trong đó đông nhất là ở tỉnh Ninh Thuận. Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Chăm, thể hiện sinh động phong tục, tập quán sinh sống của đồng bào Chăm trong suốt chiều dài lịch sử và phát triển của mình.
Sản phẩm dệt truyền thống của làng nghề Mỹ Nghiệp luôn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng...
Ẩm thực Chăm ở làng sen
Tại làng sen có các bán các món ăn truyền thống của người Chăm như các món từ dê (đặc sản không thể thiếu của người Chăm)
Canh bồi; Bánh truyền thống Chăm; Ganon Yưng – bánh gừng truyền thống Chăm; Món cá đồng kho truyền thống Chăm; Gà nướng rơm…
Ngoài ra còn có các món ẩm thực từ sen: Bữa ăn dân dã đồng quê như gà hấp lá sen; Cá rô chiên xù chấm mắm me…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.